Nhận diện những khó khăn của thị trường bất động sản năm 2021
Năm 2020 thị trường bất động sản (BĐS) đã trải qua nhiều cung bậc thăng – trầm. Từ khủng hoảng giai đoạn 6 tháng đầu năm, phục vào quý III và tăng giá mạnh trong quý IV.
Nhiều kỳ vọng mới đã đặt ra vào năm 2021, khi chứng kiến thị trường có sự phục hồi vào thời điểm cuối năm 2020, nhưng các chuyên gia cho rằng, năm nay, lĩnh vực BĐS vẫn phải đối diện với khó khăn, bởi những thay đổi về pháp lý vẫn chưa “lấp đầy” được khoảng trống của thị trường.
Pháp lý vẫn là điểm nghẽn
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, năm 2021, thị trường BĐS vẫn còn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có 2 vấn đề cơ bản, gồm: Tính pháp lý của thị trường. Mặc dù cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết về thi hành Luật Đất đai, nhưng thực tế những sửa đổi này chưa giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng liên quan đến các luật có sự chi phối đến BĐS; cùng với đó, BĐS du lịch kiểu mới như condotel, shophouse... gặp rối ở giấy chứng nhận sử dụng đất và thời gian sử hữu chỉ 50 năm, khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy mặn mà. Phân khúc nghỉ dưỡng vẫn phát triển nhưng bằng nguồn lực của những DN lớn là chính, nhà đầu tư thứ cấp dần xa lánh các dự án như vậy.
“Đây được xem như là hai “khoảng trống” đối với nhà đầu tư, DN thì lúng túng, nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng hoặc đầu tư nhỏ giọt chờ thị trường nóng lên. Muốn có động lực mới từ 2021 trở đi, câu chuyện sửa luật để bù lấp khoảng trống cần mạnh tay hơn.” – GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2021, thị trường BĐS sẽ có điểm tựa để phát triển, như: Dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5 – 7% khi các DN đã cơ bản thích ứng và nhanh nhạy với diễn biến phức tạp của dịch bệnh; Nhiều Luật chi phối thị trường được sửa đổi, bổ sung mang lại những tín hiệu tích cực; Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất của cộng đồng DN FDI vào Việt Nam; Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh... “Tuy vậy, thị trường vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. "Dù nhà đầu tư Việt Nam đã quen với những vấn đề trên nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi ở thời điểm này, thị trường như bước sang một trang mới" – TS Cấn Văn Lực cho hay.
Kỳ vọng “luồng gió mới”
Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho biết, năm 2021, chính trị Việt Nam có một sự kiện lớn, đó là Đại hội Đảng lần thứ XIII, đội ngũ nhân sự mới được kỳ vọng sẽ mang đến những “nghệ thuật” điều hành mới giúp cho những chính sách liên quan đến tiền tệ và phát triển kinh tế được ổn định trước tình hình dịch bệnh. “Tài chính vẫn là vấn đề rủi ro cần đặc biệt quan tâm. Cuối năm 2020, chứng khoán và BĐS có vẻ khởi sắc, nhưng cũng là lúc người ta nói đến "bom nợ". Có thể hy vọng vào sự khéo léo của nghệ thuật điều hành sẽ tạo ra sự ổn định và hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế” – TS Võ Trí Thành nhận định.
Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho biết, năm 2021, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tăng trưởng các sản phẩm căn hộ, đây cũng chính là sản phẩm chủ lực của thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm đất nền dự án sẽ trở nên khan hiếm hơn do quỹ đất đã bị thu hẹp nhiều.
“Giá nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng khoảng 5 - 10% so với năm 2020. Còn tại các tỉnh thành khác tăng ở mức 5 - 7%. Giá căn hộ có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với 2020” – ông Nguyễn Chí Thanh nhận định.