Nhận diện 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' trong đảng viên nghỉ hưu
Một số người đã cầm sổ hưu nhưng vẫn muốn chi phối, gây áp lực với người kế nhiệm để được cung phụng, chia sẻ quyền lợi. Họ cho rằng, trước đây mình đã 'tạo điều kiện', 'nâng đỡ', 'cất nhắc' đội ngũ lãnh đạo của đơn vị hiện nay nên phải được 'đền đáp'.
Với đảng viên cũng không ngoại lệ. Dù là người có chức, có quyền hay chỉ là nhân viên “thường”, thì “đến tuổi” cũng phải về hưu và theo quy định, họ chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi làm việc về địa phương, làm nhiệm vụ của người đảng viên ở nơi họ cư trú. Cũng từ đây, nhiều diễn biến tư tưởng nảy sinh, nhiều đảng viên đã đi “chệch” hướng so với thời gian còn tại chức.
Khi được tiếp nhận vào làm việc ở trong một đơn vị, tổ chức nào đó, đa số người lao động phấn đấu để trở thành đảng viên. Họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất. Họ giữ vững đoàn kết, đấu tranh với các biểu hiện sai trái, trở thành tấm gương cho quần chúng và họ được xem xét kết nạp vào Đảng.
Đứng dưới Đảng kỳ, Quốc kỳ và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ giơ cao nắm tay tuyên thệ tuyệt đối trung thành theo lý tưởng của Đảng, phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng. Họ thề sống lành mạnh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Họ thề tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở…
Vì sao nhiều người lại muốn được đứng vào hàng ngũ đảng viên? Sinh thời, Hồ Chủ tịch không phải ngẫu nhiên khi cảnh báo: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”- (Sửa đối lối làm việc - 1947). Có lẽ Người đã nhìn thấy mục đích của một số người khi phấn đấu vào Đảng là để “làm quan, phát tài”.
Thực tế cho thấy, một trong những tiêu chí để cân nhắc bổ nhiệm hoặc đưa vào quy hoạch cán bộ đảm nhận vị trí lãnh đạo là người đó phải là đảng viên. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Vì đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là “người chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với Nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng” (Điều 1, Điều lệ Đảng).
Hai chữ đảng viên đã minh chứng cho khả năng gánh vác trách nhiệm, cho phẩm chất vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của Đảng khi chọn người “đứng mũi chịu sào”.
Trải qua 94 năm kể từ khi Đảng ra đời, những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã không tiếc máu xương bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, góp phần to lớn làm nên cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay. Hai chữ đảng viên luôn là biểu tượng của sự tin cậy, tôn trọng trong mắt quần chúng.
Vậy nhưng, khi đã trở thành đảng viên, khi có trong tay chút quyền lực, có đảng viên đã lợi dụng vị thế để vơ vét làm giàu cá nhân, sa đọa về phẩm chất lối sống, làm tổn hại đến quyền lợi của nhân dân và uy tín của Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã nhận định: “những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… còn diễn biến phức tạp”.
Những diễn biến phức tạp đó không chỉ với lực lượng đảng viên đang tại chức, mà còn “tự diễn biến, tự chuyển hóa” với không ít đảng viên về hưu, với những biểu hiện đa dạng.
Một số người đã cầm sổ hưu nhưng vẫn muốn chi phối, gây áp lực với người kế nhiệm để được cung phụng, chia sẻ quyền lợi. Họ cho rằng, trước đây mình đã “tạo điều kiện”, “nâng đỡ”, “cất nhắc” đội ngũ lãnh đạo của đơn vị hiện nay nên phải được “đền đáp”. Trong thực tế, đã có người nghỉ hưu rồi vẫn không chịu trả phòng làm việc, ngày ngày vẫn đến cơ quan nhòm ngó, tham gia ý kiến, “mượn” tài sản, can dự vào nhiều quyết sách, gây phiền nhiễu, lãng phí cho đơn vị.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ về cách rèn luyện đạo đức cách mạng, phẩm chất “chí công vô tư” như sau: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ “chí công vô tư”. Việc đảng viên đã về hưu vẫn “nhớ thương quyền lực”, bám chấp chức vụ cũ để đòi hỏi đối đãi, ắt không phải là người “chí công vô tư”.
Lại có đảng viên khi còn tại chức thì phát ngôn chỉn chu thận trọng, nhưng khi nghỉ hưu thì lên mạng xã hội đăng bài hoặc bình luận soi mói, chê bai chỗ này chỗ khác, phủ nhận thành quả của thế hệ sau, nghi ngờ năng lực lớp trẻ, đề cao cá nhân mình là đúng, là nhất.
Lại có đảng viên nghỉ hưu lại muốn “phủi” hoàn toàn trách nhiệm bằng cách tự ý đứng ra ngoài hàng ngũ của Đảng. Họ “ém nhẹm” hồ sơ đảng viên, không chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Nếu ai đó thắc mắc thì họ bao biện rằng “đã chuyển sinh hoạt về quê”. Có người lấy lý do đi làm ăn xa, sức khỏe yếu để xin nghỉ sinh hoạt. Tóm lại, họ không còn mặn mà với tổ chức Đảng mà họ từng phấn đấu và ngưỡng vọng. Vì sao như vậy? Vì lúc này hai chữ đảng viên không còn tác dụng để họ “làm quan, phát tài”. Họ chỉ còn thấy phiền toái khi phải tham gia sinh hoạt, phải đóng đảng phí và thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú. Việc đảng viên “nhạt” Đảng là hiện tượng tuy chưa phổ biến và chưa có con số thống kê nhưng cũng rất đáng lưu tâm.
Đảng ta đã nhận diện rõ hiện tượng này không chỉ với đảng viên nghỉ hưu. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đó là: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói đến “căn bệnh” thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm và hiện tượng “nhạt Đảng”. Nói cách khác, đó là biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không giữ được bản chất cách mạng của người đảng viên.
Ngoài những người tự rời Đảng, còn có một bộ phận đảng viên nghỉ hưu vẫn tham gia sinh hoạt, đóng đảng phí đầy đủ nhưng xác định “mũ ni che tai”, “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”, họ truyền tai nhau quan điểm: Về hưu rồi thì không nói, không làm gì cả, giữ cái “mác” cho “oai” lý lịch và con cháu sau này dễ được kết nạp hoặc cất nhắc.
Xác định như thế nên không khí cuộc họp chi bộ tẻ nhạt và hình thức. Khi cần lấy biểu quyết, hầu hết giơ tay nhất trí. Các buổi học tập nghị quyết họ đến “đánh trống ghi tên”, làm việc riêng và ra về trước. Việc gì cần kêu gọi tinh thần đảng viên, họ đóng góp ở mức thấp nhất. Họ mờ nhạt trong đội ngũ và trong mắt quần chúng dù vẫn có tên trong danh sách đảng viên. Họ đã quên lời thề năm xưa “suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng” và “luôn gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện kể trên đã được phân tích trong các tài liệu của Đảng. Tuy nhiên, một nguyên nhân, theo tôi, ít được nhắc tới, đó là việc kết nạp đảng viên ở một số đơn vị, địa phương còn dễ dãi. Để đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên, còn có hiện tượng tổ chức, đơn vị “vận động” quần chúng vào Đảng, cả khi người đó chưa mong muốn và chưa hiểu rõ về Đảng. Nghi lễ của nhiều buổi kết nạp Đảng kém trang trọng. Có quần chúng mặc váy ngắn, áo không cổ trong lễ kết nạp mình; đa số cầm giấy đọc lời tuyên thệ chứ không học thuộc lòng như trước kia. Trong thời gian dự bị, họ ít được giao nhiệm vụ thử thách, việc nhận xét chuyển Đảng chính thức đôi khi còn cả nể, “dĩ hòa vi quý”. “Đầu vào” như thế là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong đội ngũ đảng viên.
Thiết nghĩ, mỗi đảng viên khi đứng vào hàng ngũ của Đảng phải được xem xét nghiêm khắc từ bước đầu tiên đến khi họ nghỉ hưu. Tổ chức đảng nơi đảng viên về sinh hoạt cần có mối liên hệ với nơi đảng viên làm việc để chủ động đón nhận và giao nhiệm vụ. Tổ chức đảng cấp xã/phường cần tổ chức rà soát, đối chiếu để nắm lực lượng đảng viên về hưu. Tổ chức đảng cấp trên cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại đảng viên cho phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đảng viên khi đã nghỉ hưu, tránh tình trạng dùng chung mẫu với đảng viên đương chức. Tổ chức đảng cấp trên cũng cần quy định nội dung các cuộc họp chi bộ sao cho thiết thực, tránh qua loa, hình thức.
Nhận diện thực tế để đảng viên phải/được phát huy khả năng, vai trò cả khi họ nghỉ hưu là việc cần làm. Bởi đảng viên nghỉ hưu chính là “tấm gương” gần nhất để quần chúng soi vào.