Nhận diện và hành xử đối với vấn đề 'then chốt' của lực lượng sản xuất

Sự phát triển của mỗi người nói riêng, của đất nước nói chung có những yếu tố được cho là mang tính quyết định. Nó là “then chốt”. Có vấn đề còn được xem “then chốt của then chốt” - công tác cán bộ. Trong nhiều yếu tố là động lực phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng sản xuất chính là nền tảng và là “quy luật cốt tử”. Sự thành công và đổ vỡ của một số quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây và hiện nay cho chúng ta bài học về nhận diện và hành xử đối với lực lượng sản xuất.

Trước hết, chúng ta nhắc lại từ ngữ “then chốt” để thấy được tầm quan trọng của nó. Then chốt được hiểu là cái quan trọng nhất, có tác dụng quyết định đối với toàn bộ. Và ở đây, chúng ta bàn vai trò “then chốt” của lực lượng sản xuất. Theo quan điểm của C. Mác, khái niệm lực lượng sản xuất là chỉ sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất nhằm tạo ra sức sản xuất vật chất nhất định. Cũng theo C.Mác, sản xuất vật chất là hoạt động đặc trưng của con người. Đó là hoạt động cơ bản nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Nhận thức và thực thi lý luận này, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa đã tập trung các nỗ lực để phát triển lực lượng sản xuất.

Với lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, tinh thần yêu nước cao độ và cơ chế quản lý tập trung (công bằng mà nói cơ chế này tạo lợi thế to lớn trong những lĩnh vực và thời đoạn nhất định), các đảng cộng sản đã huy động được các nguồn lực để đầu tư phát triển và đã tạo ra sự nhảy vọt trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trên vài phương diện có sự tiến bộ vượt bậc và đã trở thành hình mẫu không chỉ trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, mà còn đối với các nước tư bản. Nhưng, một phần do “Ngủ quên trong chiến thắng” và có phần về nhận diện và hành xử không đúng đối với phát triển lực lượng sản xuất nên gây ra những nhân tố khủng hoảng. Khát khao “hào quang” nổi trội và dẫn đầu, tập trung quá mức vào cuộc chạy đua vũ trang, đầu tư vượt khả năng cho thực hiện chính sách xã hội, chi viện phung phí cho nội Khối... đã gây lãng phí, thiệt hại đối với phát triển lực lượng sản xuất ở mỗi quốc gia cụ thể. Trong khi đó, các nước tư bản đầu tư vào phát triển khoa học - kỹ thuật (khoa học - công nghệ) phục vụ sản xuất - dịch vụ và chính đây là nhân tố tạo nên sự phát triển “thần kỳ” ở một số nước tư bản, làm thay đổi “bộ mặt” tư bản.

Ngày nay, khoa học - công nghệ đang phát triển một cách kỳ diệu với tốc độ nhanh như “vũ bão”. Sự tiến bộ công nghệ làm thay đổi cuộc sống của con người và mỗi người. Ngay công cụ trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence) vừa tạo ra những tiện lợi lớn vừa nguy cơ cao đối với xã hội. Là quốc gia có “Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn”, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau nếu vẫn loay hoay trong nhận diện và hành xử đối với việc phát triển lực lượng sản xuất. Trên bình diện chung, Đảng Cộng sản Việt Nam đã định hướng khá rõ vấn đề khi chủ trương: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, tr 115). Một trong những nội dung được ưu tiên là phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hộ số (cũng có nghĩa là công dân số). Theo hướng này, các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đã triển khai thực hiện khá quyết liệt và đã thu nhận được những kết quả đáng ghi nhận. Ý thức của người dân được nâng lên, mức độ sử dụng và phổ cập công nghệ số rộng hơn.

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực và địa bàn cụ thể, việc nhận diện và hành xử vẫn còn lúng túng và bất cập. Lúng túng trong việc lựa chọn “mũi” để đầu tư nên mũi “không nhọn” hoặc dàn đều. Bất cập trong chỉ đạo khi tiến hành theo kiểu “chiến dịch” với mấy mươi ngày đêm. Cách làm “hành chính” “khua chiêng gióng trống”, “đánh trống bỏ dùi” thiếu cơ sở khoa học trong khi thực hiện “số hóa” ở một vài thủ tục hành chính cũng là điều phải được lưu ý. Cần nhận thức rằng đây là một cuộc cách mạng đối với người dân. Từ việc quá quen với thủ tục hành chính bằng giấy chuyển sang sử dụng công nghệ thông tin phải là một quá trình. Ở đây, hãy bắt đầu với việc điều tra cơ bản với các con số có liên quan đến mỗi người. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền phải nắm vững số người có Iphone, số người sử dụng được Iphone, số người được tập huấn đối với thủ tục cần triển khai, đối tượng nào cần hỗ trợ và cách thức hỗ trợ...

Một dẫn chứng khác có thể gợi ý cho chúng ta hiểu thêm bước “trở mình” còn gian nan và còn xa như thế nào - việc sử dụng ATM. Đến nay, số người đã sử dựng ATM và tỷ lệ giao dịch không chi trả tiền mặt chắc không lớn trên số dân của địa bàn huyện, tỉnh. Như vậy, việc đại bộ phận người dân thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt sẽ còn xa. Tương tự như vậy, việc công dân số cũng sẽ còn xa nếu không tiến hành các bước đi bài bản và cụ thể. Có thể thấy, hơn bất cứ quốc gia nào, Việt Nam có hệ thống chính trị gắn bó chặt chẽ với người dân - hệ thống có khả năng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và mạng lưới truyền thông cùng hướng vì lợi ích chung sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trong thúc đẩy con người hành động. Vấn đề còn lại ở chỗ có kế hoạch chi tiết, sát thực với những bước tiến hành liên tục, bền bỉ cho đến khi mỗi người trở thành người sử dụng công nghệ thông minh và thành thục.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, mỗi bước tiến của lực lượng sản xuất mà cụ thể là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã tạo ra sự thay đổi “bước ngoặt” đối với xã hội. Khi nhận thức và hành xử đúng quy luật này, con người tạo ra “bước nhảy vọt” trên nhiều lĩnh vực. Dĩ nhiên, sự lựa chọn áp dụng nội dung gì của lực lượng sản xuất phải từ nhu cầu thực tại của quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử và cách thức thực hiện chính là câu trả lời cho việc tiến nhanh và vững chắc hay không. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận rõ “nguy cơ tụt hậu” của đất nước và có chủ trương phát triển lực lượng sản xuất đúng hướng, việc thiết kế và thi hành kế hoạch khoa học và sát thực sẽ giúp quốc gia thịnh vượng và tiến cùng nhịp bước với thời đại.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/nhan-dien-va-hanh-xu-doi-voi-van-de-then-chot-cua-luc-luong-san-xuat-122799.aspx