Nhận diện và lật mặt thật những tiếng kêu lạc lõng, sai trái đội lốt bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (2): Những cáo buộc phi lý về hợp tác xuất khẩu lao động
Đồng hành với đổi mới nền kinh tế, mở cửa, hội nhập sâu rộng, Việt Nam cũng mở rộng các hoạt động đầu tư, hợp tác ra nước ngoài, trong đó có hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, lợi ích cho xã hội và quốc gia. Nhưng đây lại là vấn đề mà các thế lực chống đối, phản động luôn xuyên tạc, chống phá.
Lợi ích không thể phủ nhận
Chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu được thực hiện từ những năm 80-90 của thế kỷ trước nhằm giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động thuộc các khu vực khó khăn như vùng nông thôn, miền núi và ven biển. Hiện nay, hoạt động này ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Theo con số thống kê, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, trên 72 nghìn lao động Việt Nam đã đi nước ngoài làm việc, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.
Nhờ làm việc ở nước ngoài, người lao động Việt Nam có nhiều cơ hội tìm kiếm nguồn thu nhập tốt. Theo ước tính của Chính phủ, mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động Việt Nam gửi về là từ 2,5-3 tỷ USD. Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bộ mặt thôn, xóm đã thay đổi với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương. Thêm vào đó, khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có điều kiện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài. Khi trở về nước, họ trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lợi ích của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể thấy rõ. Thế nhưng, những phần tử cơ hội, chống đối vẫn tìm mọi cách xuyên tạc, nói xấu. Họ cho rằng Việt Nam để tư bản ngoại quốc vào bóc lột chưa đủ, lại còn ra nước ngoài vận động các nước tư bản nhận công nhân Việt Nam làm thuê để bóc lột thêm. Lợi dụng thực tế có một số doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tích cực trong việc phối hợp với đối tác và người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động về điều kiện làm việc, sinh hoạt và chi phí vé máy bay về nước, những kẻ chống đối cáo buộc chính quyền, doanh nghiệp Việt Nam lơ là, tắc trách trong công tác bảo đảm quyền lợi, chế độ đãi ngộ và bảo hiểm nghề nghiệp của người lao động ở nước ngoài.
Những kẻ phản động thậm chí còn xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tố cáo Việt Nam đưa “lao động lậu” ra nước ngoài, có mạng lưới buôn người một cách “hệ thống và bài bản” thông qua hoạt động xuất khẩu lao động. Chúng rêu rao “chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam đã khiến người dân phải bỏ quê hương mà đi”, “báo hiệu cái chết đang đến dần của chế độ xã hội chủ nghĩa”...
Một số ít người dân do không nắm rõ sự việc hoặc vì tâm lý a dua cũng đã có những bình luận sai lệch, cổ súy cho luận điệu chống phá của kẻ địch.
Quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được bảo vệ
Trên thực tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là vấn đề luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm, thể hiện thông qua hàng loạt các nghị quyết, luật, nghị định, chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Nổi lên là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được Quốc hội thông qua ngày 12-12-2006. Đến năm 2020, Luật này được sửa đổi và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 (gọi tắt là Luật số 69) với nhiều điểm đáng chú ý.
Trước hết, Luật số 69 thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam là không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá, bảo đảm quyền của người lao động được ra nước ngoài làm việc hợp pháp. Họ được tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài phù hợp và không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn của họ. Luật quy định theo hướng khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đi làm việc an toàn, công việc có thu nhập cao. Sau khi về nước, người lao động có thể phát huy và sử dụng hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, trình độ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Luật sửa đổi, người lao động được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Họ có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật; có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Việc quy định như vậy cho phép người lao động chủ động tự quyết định việc đi làm việc ở nước ngoài, tự bảo vệ an toàn cho bản thân trước khi nhờ đến sự can thiệp của các tổ chức, cơ quan chức năng.
Những năm gần đây, với việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc. Nhờ đó đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam được người sử dụng lao động và các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất. Hình ảnh người lao động Việt Nam được nâng cao đáng kể trong mắt chính quyền và người dân sở tại.
Việt Nam cũng nghiêm khắc xử lý các tổ chức và cá nhân vi phạm quy định trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ đầu tháng 10-2023 đến nay, đã có những doanh nghiệp bị xử phạt, chẳng hạn như Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Quinn Hà Nội bị phạt do ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc; Công ty TNHH Hợp tác giáo dục quốc tế Thời Đại Mới bị xử phạt vì không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác khi lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đơn vị còn tuyển nguồn lao động đi Nhật Bản khi chưa có văn bản chấp thuận; Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế NIBELC (Hà Nội) bị phạt vì ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động xuất khẩu và tuyển nguồn lao động khi chưa được chấp thuận; Công ty CP LMK Việt Nam (Hà Nội) bị phạt vì không đóng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đúng thời hạn, ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động xuất khẩu.
Chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Đó là thực tế không thể phủ nhận, bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc, chỉ trích vô căn cứ và phi lý của các thế lực chống đối, phản động.
(Còn nữa)