Nhận diện và thích ứng xu hướng thị trường xuất khẩu tôm
Ngày 26/12, Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam (VSSA) phối hợp với Tổ chức IDH tổ chức hội thảo 'Xu hướng thị trường xuất khẩu tôm quốc tế về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và lộ trình thích ứng rào cản kỹ thuật mới cho ngành tôm Việt Nam'.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước. Sản lượng tôm hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn, chiếm 22% lượng tôm cả nước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1 tỷ USD, chiếm trên 30% giá trị xuất khẩu tôm của cả nước.
Ngành tôm Cà Mau chiếm 49% so với tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Nghề nuôi tôm chi phối đến đời sống của hơn 50% số hộ dân trong toàn tỉnh; tạo việc làm trực tiếp cho hơn 350 ngàn lao động trong tỉnh.
Tuy nhiên, thương hiệu tôm Việt Nam nói chung, tôm Cà Mau nói riêng đang gặp nhiều thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành như: Tình trạng thiếu vốn trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản; nguồn nguyên liệu chưa đảm bảo; tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trên tôm nuôi khó kiểm soát; chất lượng vật tư đầu vào thiếu ổn định; giá tôm không ổn định; cạnh tranh gay gắt với các nước có nguồn thủy hải sản lớn trên thế giới…
Tại hội thảo, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó chủ tịch Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam, nhận diện, ngành tôm đang đối mặt với thách thức trước biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, ảnh hưởng địa chính trị và cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường toàn cầu. Do đó, rất cần một chiến lược, hướng phát triển sáng suốt, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển.
“Thúc đẩy ngành tôm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế với rất nhiều rào cản kỹ thuật, thuế quan là một trong những hành động chiến lược ưu tiên hàng đầu của Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam”, ông Châu Công Bằng nhấn mạnh.
Hội thảo nhằm chia sẻ định hướng về phát triển ngành tôm ở Việt Nam, các giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ cho chuỗi tôm xanh, ít phát thải và tạo cơ hội thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất - hợp tác xã - doanh nghiệp, cơ sở chế biến - cơ quan quản lý theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhận diện, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của thị trường xuất khẩu tôm quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các bên, xây dựng và triển khai sáng kiến giảm phát thải bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị sản phẩm ngành tôm./.