Nhận diện vùng nhạy cảm môi trường từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cần Giờ
Kết quả nghiên cứu xác lập bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cần Giờ của GS-TS. Nguyễn Văn Phước và ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Cần Giờ là khu vực có nhiều khả năng chịu tác động với mức độ nhạy cảm môi trường khá cao do mức độ đa dạng sinh học cao, tập trung nhiều hoạt động nhân sinh dọc đường bờ. Trong đó, vùng rừng ngập mặn Cần Giờ là vùng rất nhạy cảm về mặt sinh thái, dễ bị tác động bởi ô nhiễm của các hoạt động sản xuất công nghiệp và các sự cố...
Vùng lõi và vùng đệm của khu dữ trữ sinh quyển Cần Giờ có chỉ số nhạy cảm môi trường rất cao. Đồ họa của nhóm nghiên cứu
Bản đồ nhạy cảm môi trường là một công cụ tích hợp hữu ích trong kế hoạch ứng phó sự cố của khu vực. Bản đồ cung cấp các thông tin về môi trường vùng sông, cửa biển nhằm phục vụ cho việc nhận diện những khu vực có nguy cơ xảy ra ô nhiễm cao, những khu vực nhạy cảm cao cần được ưu tiên phòng ngừa và bảo vệ kịp thời.
Bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cần Giờ - TP.HCM được GS-TS. Nguyễn Văn Phước (Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TP.HCM) và ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền (Hội Nước và Môi trường TP.HCM) xây dựng dựa trên hướng dẫn của Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Hoa Kỳ, đã đăng tải trên tạp chí chuyên ngành môi trường năm 2019.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: khu vực đường bờ và vùng lõi rừng ngập mặn Cần Giờ; Vùng đường bờ khu vực vịnh Gành Rái, đặc biệt khu vực Long Sơn, Phước Hòa, khu vực nuôi trồng thủy sản ở các vùng ngập mặn và vùng trung triều các huyện Tân Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu, các khu vực rừng ngập mặn ven sông Thị Vải - Cái Mép, sông Dinh, cửa sông Ray là những nơi có chỉ số nhạy cảm môi trường (ESI) rất cao.
Một số khu vực được xác định có chỉ số nhạy cảm môi trường rất cao. Ảnh: Google map
Một số ESI cụ thể:
Môi trường sống gần bờ: thảm cỏ biển phân bố ở khu vực ngoài khơi xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, có tác dụng chắn sóng, làm sạch nước biển, là nơi cư trú của 140 loài rong biển, 3 loài giun nhiều tơ, 29 loài nhuyễn thể, 9 loài giáp xác. Ngoài ra, tài nguyên gần bờ của khu vực còn có 101 loài tảo thuộc 3 ngành: Tảo khuê, Tảo giáp, Tảo lam. Chỉ số ESI của nguồn tài nguyên này được đánh giá 5 (cao).
Khai thác tài nguyên: Nguồn lợi các loài thủy hải sản ở đất ngập nước Cần Giờ vô cùng to lớn vì nơi đây có hệ thống sông rạch chằng chịt và chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều. Sự phân hủy các vật liệu hữu cơ của các loài ngập mặn là nguồn thức ăn và nơi nuôi dưỡng sự lớn lên của tất cả các dạng ấu trùng của các loài thủy hải sản. Chỉ số ESI khu vực khai thác tài nguyên được đánh giá rất cao (từ 5 (cao) - 6 (rất cao), tùy tầng nước) do nguồn tài nguyên này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chất lượng nước biển.
Rừng ngập mặn: Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 5.113 ha rừng ngập mặn, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Tân Thành (2.640 ha) và TP.Vũng Tàu (1.890 ha), còn lại có rải rác ở các huyện như Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Côn Đảo (diện tích không lớn, khoảng 30ha nhưng rất đa dạng).
TP.HCM có tổng diện tích rừng ngập mặn 75.740ha (khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ), trong đó vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha và vùng chuyển tiếp 29.880 ha. Vùng rừng ngập mặn Cần Giờ là vùng rất nhạy cảm về mặt sinh thái, dễ bị tác động bởi ô nhiễm của các hoạt động sản xuất công nghiệp và các sự cố.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số ESI của rừng ngập mặn tại vùng lõi khu vực Cần Giờ là 6 (rất cao), tại các khu vực khác: ven sông Thị Vải - Cái Mép, huyện Tân Thành, TP. Vũng Tàu ven sông Dinh, cửa sông Ray, xã Lộc An và Phước Thuận là 5 (cao).
Cửa sông: Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 cửa sông: Thị Vải - Cái Mép, sông Cửa Lấp, cửa Lộc An. Trong đó, khu vực Thị Vải - Cái Mép tập trung các hoạt động công nghiệp và cảng biển, sông Cửa Lấp và cửa Lộc An là vùng cửa sông liền kề cửa biển, có rừng ngập mặn nối Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu.
Khu vực Cần Giờ với 3 cửa sông: sông Xoài Rạp, sông Ngã Bảy, sông Đồng Tranh. Các khu vực này thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, đồng thời có bãi triều rộng lớn, có hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi trồng khu vực ven triều.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số ESI của khu vực Cửa Lấp và cửa Lộc An – tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 4 (trung bình cao). ESI khu vực Thị Vải – Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), sông Xoài Rạp và sông Đồng Tranh thuộc xã Lý Nhơn và Long Hòa (huyện Cần Giờ) là 5 (cao), do đặc điểm khu vực có nhiều vùng ngập triều, có năng suất sinh học cao, tập trung nhiều vi sinh vật và các loại tảo biển, đồng thời đây cũng là khu vực kiếm ăn của một số loài chim, cò nên chịu nhiều sự tác động của sự cố.
Nuôi trồng thủy sản: Hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ven bờ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường ven biển. Khu vực nuôi trồng thủy sản ở các vùng ngập mặn và vùng trung triều ở các huyện Tân Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu là những nơi có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, ESI đối với các khu vực này có giá trị từ 4 (trung bình cao) - 5 (cao).
Các khu vực nuôi trồng thủy sản ở Cần Giờ là khu vực rất nhạy cảm với sự thay đổi về môi trường nước, do hoạt động nuôi trồng sử dụng trực tiếp nguồn nước biển. Khi có sự cố xảy ra nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời thì có thể gây ra thiệt hại nặng đến kinh tế và cuộc sống của người dân. ESI được đánh giá ở mức 5 (cao).
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, Cần Giờ là khu vực có nhiều khả năng chịu tác động với mức độ nhạy cảm môi trường khá cao do mức độ đa dạng sinh học cao, tập trung nhiều hoạt động nhân sinh dọc đường bờ. Dựa vào bản đồ phân loại có thể nhận dạng được các khu vực có những nguồn tài nguyên được đánh giá có giá trị cao và cần được chú ý bảo vệ như: Khu du lịch, hệ sinh thái rừng ngập mặn, các khu nuôi trồng thủy sản,…Do đó, Cần Giờ cần có các phương án chủ động phòng ngừa các sự cố, giảm tối đa thiệt hại tới môi trường tự nhiên và đời sống của người dân.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực ven bờ vịnh Gành Rái, cửa sông, kênh, rạch chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, tài nguyên rừng ngập mặn, đất nuôi trồng thủy sản cũng như khu bảo tồn rừng được đặt ở vị trí hàng đầu trong thứ tự ưu tiên bảo vệ do môi trường sống của các sinh vật thủy sinh ở đây rất phong phú và đa dạng, chúng có giá trị cao về mặt sinh thái và kinh tế.
Phạm Hải
Theo nhận định của các tác giả nghiên cứu, Cần Giờ là huyện ven biển, nằm về phía Đông Nam TP.HCM, trung tâm huyện là thị trấn Cần Thạnh, cách thành phố khoảng 50 km theo đường bộ, với chiều dài từ Bắc xuống Nam của huyện là 35 km, từ Đông sang Tây là 30 km, có hơn 20 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là 70.445,34 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích toàn thành phố.
Huyện Cần Giờ có địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam với độ chênh lệch không lớn, dòng cát ven biển Cần Giờ và một số gò đất hoặc cồn cát rải rác cao từ 0 - 2 m so với nước biển.
Huyện Cần Giờ với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng về mức độ sinh học, động, thực vật, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và đây cũng là lá phổi xanh của TP.HCM. Do đó, Cần Giờ được xem là khu vực nhạy cảm của TP.HCM và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu sự cố xảy ra.
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường địa giới chung dài 16,33 km với TP.HCM ở phía Tây; 116,51 km với Đồng Nai ở phía Bắc; 29,26 km với Bình Thuận ở phía Đông. Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển dài 305,4 km và trên 100.000 km2 thềm lục địa.
Hoạt động kinh tế của tỉnh trước hết là tiềm năng dầu khí với 93% tổng trữ lượng dầu mỏ và 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước, được Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển quốc gia và quốc tế hiện đại, nằm trong vùng trọng điểm của Chương trình du lịch quốc gia.
Ngoài lĩnh vực khai thác dầu khí, Bà Rịa - Vũng Tàu còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước. Với lợi thế phát triển như vậy, nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất cao và thực tế đã có nhiều vụ tai nạn va đâm tàu chở dầu xảy ra gây thiệt hại không nhỏ cho môi trường và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thêm vào đó, do có nhiều sông giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, đặc biệt lại là các sông lớn nằm trong các tuyến đường thủy có mật độ lưu thông rất cao như sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải, nên nguy cơ bị tác động từ các sự cố ven biển của tỉnh lại càng cao khi có thêm các nguồn thải không thuộc địa bàn tỉnh.