Nhận định chứng khoán 10/5: Thị trường có thể xuất hiện nhịp chỉnh, nhà đầu tư tránh mua đuổi
Trong phiên hôm qua, chỉ số VN-Index tiếp tục biến động quanh vùng kháng cự 1.250 điểm (giá trị đường MA50 ngày). Nhiều khả năng VN-Index sẽ sớm gặp phải thử thách kế tiếp tại vùng cản quanh 1.260 (+/-10) điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong giai đoạn này.
Trong phiên hôm qua 9/5, thị trường chứng kiến sự giằng co liên tục giữa bên mua và bên bán. Sắc xanh được duy trì từ thời điểm mở cửa cho tới cuối phiên sáng khi áp lực chốt lời quay trở lại. Phiên chiều chỉ số biến động trong biên độ hẹp quanh tham chiếu.
Kết phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 1,82 điểm, tương ứng mức 1.248,64 điểm. Thanh khoản toàn thị trường sụt giảm so với hôm qua, chỉ đạt 22,6 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường.
Độ rộng nghiêng về phía tiêu cực với 9/18 ngành giảm điểm, trong đó, ngành thực phẩm và đồ uống dẫn đầu đà giảm. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ ngành du lịch & giải trí và truyền thông, các ngành khác chỉ tăng chưa đến 1%.
Dòng tiền tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong khi nhóm hóa chất tiếp tục là nhóm thu hút dòng tiền nhất thì ở chiều ngược lại, động thái giằng co tiếp tục xuất hiện nhiều ở nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, xây dựng…
Dòng tiền đổ dồn về nhóm dầu khí khiến hàng loạt mã tăng mạnh như: GAS tăng 1,44%, OIL tăng 2,11%, BSR tăng 2,12%, TOS tăng 2,52%, PLX tăng 3,36%, PVD tăng 3,44%, PVC tăng 4,86%, PVS tăng 5,39%, POS tăng 8,43%, PVB tăng 9,8%.
Bên cạnh dầu khí, dệt may cũng là ngành hút dòng tiền rất mạnh, hệ quả là nhiều mã vọt lên như TCM tăng 2,68%, TNG tăng 3,21%, STK và MSH tăng kịch trần.
Thép, hóa chất và bán lẻ mặc dù ghi nhận sự chững lại của dòng tiền nhưng so với các ngành còn lại, vẫn nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía các nhà đầu tư.
Giao dịch của khối ngoại hôm nay tiếp tục là một điểm trừ khi khối này bán ròng gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị bán chủ yếu là do giao dịch thỏa thuận của VHM (1,1 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra còn có DGC bị bán 137,9 tỷ, VHC 101 tỷ, TCB 67,6 tỷ, HDB 64,1 tỷ, VCI -61,6 tỷ,… Phía mua có HVN 215,1 tỷ, MWG 110,1 tỷ, HPG 87,1 tỷ, PVT 43,9 tỷ...
Như đã khuyến nghị, chỉ số VN-INdex tiếp tục biến động quanh vùng kháng cự 1.250 điểm (giá trị đường MA50 ngày). Tại vùng này, tâm lý thận trọng vẫn sẽ thể hiện rất rõ.
Thanh khoản chưa bùng nổ cho thấy xu hướng hồi phục và tăng giá của thị trường vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục ở trong vùng trung tính. Nhiều khả năng VN-Index sẽ sớm gặp phải thử thách kế tiếp tại vùng cản quanh 1.260 (+/-10) điểm, vốn được xem là chốt chặn quan trọng cần vượt qua để có thể củng cố thêm cơ hội vượt vùng đỉnh 1.29x điểm.
Trong những phiên tiếp theo, VN-Index vẫn còn có thể xuất hiện tiếp những điều chỉnh nhẹ. Hỗ trợ gần nhất là vùng 1.230 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, tiếp tục bán giảm tỷ trọng các vị thế trading khi chỉ số tiếp cận vùng cản và chỉ trải lệnh mua trở lại từng phần trong nhịp điều chỉnh sau đó.