Nhận định khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Iran trong năm 2020
Sau vụ Mỹ không kích ám sát tướng Iran vào đầu năm 2020, xuất hiện khả năng Trung Quốc sẽ tích cực hỗ trợ Iran về mặt quân sự trong năm nay.
Sau khi máy bay không người lái của Mỹ bất ngờ phóng tên lửa giết chết tướng Iran Qassem , Ngoại trưởng Trung Quốc đã nói với người đồng cấp Iran rằng 2 nước cần cùng nhau chống lại “chủ nghĩa đơn phương và thói bắt nạt”.
Nhận xét này của Ngoại trưởng Trung Quốc là một chỉ trích nhằm vào Mỹ bất chấp một thực tế là Bắc Kinh đã thận trọng giới hạn sự hỗ trợ của mình cho hoạt động hiện đại hóa quân sự Iran trong 15 năm qua. Tuy nhiên, khi các giới hạn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chuyển giao vũ khí cho Iran bắt đầu hết hạn vào năm nay (2020) thì có thể Bắc Kinh sẽ xem xét lại cách tiếp cận thận trọng của mình trong bối cảnh xuất hiện đồng thời các cơ hội về thị trường và chiến lược cho họ.
Nếu Trung Quốc quay trở lại với mối quan hệ đối tác vũ khí mạnh mẽ với Iran như hồi thập niên 1980 thì Iran có thể lấp đầy các khoảng trống về vũ khí thông thường, từ đó đặt ra thách thức đối với Mỹ và đồng minh.
Động cơ phức tạp của Trung Quốc
Kể từ khi Cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra vào năm 1979, chiến lược của Trung Quốc đối với Iran đã dao động dựa trên các cơ hội và thách thức từ bên ngoài.
Một mặt, Bắc Kinh từ lâu theo đuổi các lợi ích kinh tế dài lâu, đặc biệt là trong việc xuất khẩu các sản phẩm tiêu dùng và đầu tư vào ngành dầu khí của Iran. Vào thập niên 1980, Trung Quốc còn trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu sang Iran và Trung Quốc đã thu lợi lớn từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào thời kỳ đó. Các vũ khí chính mà Trung Quốc chuyển giao cho Iran gồm xe tăng, máy bay chiến đấu J-7, xe thiết giáp chở quân, tên lửa đất đối không, và tên lửa hành trình diệt hạm Silkworm trị giá 1 tỷ USD.
Iran cũng có là một đồng minh có giá trị của Trung Quốc trong mối quan hệ của nước này với 2 siêu cường là Liên Xô và Mỹ. Trợ giúp quân sự của Trung Quốc đã giúp Iran trở thành một pháo đài chống Liên Xô và sau đó là một quân bài dùng trong các cuộc thương lượng với Mỹ về các vấn đề khác, bao gồm vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Mặt khác, Trung Quốc có nhu cầu thoát khỏi thế cô lập và bị Mỹ trừng phạt sau biến cố Thiên An Môn, điều này đã khiến Trung Quốc giảm hợp tác với Iran trong lĩnh vực hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo. Sau khi có các tiết lộ về cái gọi là chương trình hạt nhân bí mật của Iran vào năm 2002, Trung Quốc bắt đầu giảm việc nhập dầu từ Iran, bán vũ khí sang Iran cũng như các trao đổi ngoại giao với quốc gia Trung Đông này. Năm 2010, Bắc Kinh phê chuẩn các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có nội dung hạn chế hầu hết các khoản bán vũ khí thông thường cho Iran. Đã vậy, lúc đó Trung Quốc còn có nhu cầu cân bằng quan hệ giữa mình với Iran và các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh có nhiều dầu mỏ, nên họ hạn chế nghiêng hẳn về một bên trong các tranh chấp khu vực.
Một bước ngoặt xuất hiện với việc đàm phán thỏa thuận Iran do EU dẫn dắt trong giai đoạn 2013-2015. Thỏa thuận này tạo cơ hội cho các hãng nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Iran. Tận dụng cơ hội này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Iran vào tháng 1/2016 để ký một thỏa thuận “đối tác chiến lược toàn diện” với Iran, với tầm nhìn về một mối hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Hai bên đã nhất trí cải thiện hợp tác quân sự trong huấn luyện, chống khủng bố, và “thiết bị, công nghệ”. Theo một cơ sở dữ liệu, Trung Quốc đã có 12 tương tác quân sự với Iran từ năm 2014-2018, bao gồm các chuyến ghé thăm cảng hải quân, tập trận song phương, và đối thoại cấp cao. Các hoạt động tương tự tiếp diễn vào năm 2019.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục kiềm chế trong việc bán vũ khí cho Iran.
Vì sao Trung Quốc sẽ vũ trang cho Iran?
Trung Đông vốn là thị trường vũ khí lớn nhất của Trung Quốc, mang lại doanh thu cho nước này là 10 tỷ USD từ năm 2013 đến 2017. Bảy trong số các nhà sản xuất vũ khí của Trung Quốc nằm trong số 20 hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.
Với tư cách là nhà cung cấp vũ khí cho Iran, Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với Nga. Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc bao gồm mức độ đòi hỏi thấp với người sử dụng cuối cùng, giá sản phẩm thấp, và khả năng linh hoạt trong tuân thủ các quy định hạn chế.
Trong khi đó theo cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, dù đã tự chế được một số loại vũ khí (như phi cơ không người lái), Iran vẫn “dựa vào các nước như Nga và Trung Quốc để có được năng lực vũ khí thông thường tiên tiến”. Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu của Iran về các loại vũ khí như chiến đấu cơ J-10. Ngoài ra Iran có thể cần các vũ khí sau của Trung Quốc: tên lửa hành trình diệt hạm YJ-22, tàu ngầm lớp Nguyên, các hệ thống phòng thủ tên lửa... Bắc Kinh cũng có thể hỗ trợ kỹ thuật cho Iran trong vận hành và bảo dưỡng các hệ thống này.
Căng thẳng gia tăng thời gian qua và việc chính quyền Mỹ muốn giảm thiểu sức mạnh quân sự Iran có thể là một cơ hội nữa cho Trung Quốc. Giới ngoại giao Trung Quốc có thể đặt điều kiện với Mỹ thông qua việc gắn giảm bán vũ khí cho Iran với việc Mỹ phải giảm bán vũ khí cho Đài Loan...
Ngoài ra Iran có thể muốn được Trung Quốc giúp đỡ về năng lực chống tiếp cận – điều này có thể làm suy yếu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.../.