Nhận định về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu từ Quy hoạch Tổng thể quốc gia

Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội đã thông qua Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu.

Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người

Tốc độ tăng GDP bình quân năm theo mục tiêu đề ra được coi là hợp lý. Nếu bình quân thời kỳ 2011-2020 chỉ đạt 6,21%, thì mục tiêu quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030 đề ra tăng 7% là cần thiết để ngăn chặn nguy cơ tụt hậu xa hơn (khi điểm xuất phát của nền kinh tế còn thấp). Nếu mục tiêu này đạt được, thì bình quân năm thời kỳ 2011-2030 sẽ đạt 6,6%.

Trong khi đó, mục tiêu thời kỳ 2031-2050 là tăng 6,5%/năm, thoạt nhìn có thể thấy là thấp hơn 20 năm trước (2011-2030), nhưng cũng hợp lý bởi khi quy mô kinh tế cao lên, gốc so sánh cao lên, thì tốc độ tăng khó có thể giữ được mức cao như trước. Nếu đạt mức cao của mục tiêu lại khá cao (7,5%), thể hiện quyết tâm cao hơn của Quy hoạch.

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo mục tiêu đến năm 2030 của Việt Nam (7.500 USD) vẫn còn thấp hơn mức năm 2020 của nhiều nước, nhưng là mức khá cao khi gấp 2,11 lần năm 2020, tức là tăng 7,76%/năm. Trong khi đó, GDP bình quân năm tính theo giá thực tế chỉ tăng khoảng 10%; dân số vẫn tăng ở mức gần 10%, tốc độ tăng giá USD bình quân năm khoảng 1,5%. Mặc dù vậy, nếu có quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, thì vẫn có thể đạt được mục tiêu, bởi năm 2022 đã đạt 4.110 USD, khả năng năm 2023 sẽ đạt 4.400 USD.

Cơ cấu GDP

Tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ trong GDP theo mục tiêu thời kỳ 2021-2030 đạt trên 50%, tức là tỷ trọng dịch vụ/GDP không những lớn nhất trong 3 nhóm ngành, mà còn lớn hơn tổng tỷ trọng của 2 nhóm ngành còn lại. Mục tiêu này thể hiện tính tích cực của Quy hoạch xét trên 2 mặt. Một mặt, dịch vụ ngày một chiếm tỷ trọng cao của thế giới, trong khi tỷ trọng này của Việt Nam thuộc loại thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác, dịch vụ có một số ưu thế là có tính năng động, linh hoạt, dễ chuyển đổi trong cơ chế thị trường, vòng quay vốn chuyển động nhanh… Trong nhóm ngành này có một số ngành rất quan trọng, như khoa học - công nghệ, tài chính - ngân hàng, vận tải kho bãi, du lịch, bất động sản… Để tăng tỷ trọng của nhóm ngành này, cần đẩy nhanh tốc độ tăng GDP, nhất là những ngành động lực đã nêu trên, tăng tỷ trọng lao động…

Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, ngành kinh tế thực lớn nhất, năm 2022 đã chiếm tỷ trọng khá (38,26%), nên mục tiêu đến 2030 đạt trên 40% là cần thiết và có tính khả thi. Tuy nhiên, cần tăng nhanh hơn tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bởi ngành này là tiêu chí của nước công nghiệp, trong khi tỷ trọng này trong năm 2022 còn thấp (24,76%). Trong đó, cần tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo có kỹ thuật - công nghệ cao, vì hiện còn thấp (12,91% về số doanh nghiệp).

Tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hiện ở mức 11,88%, tiếp tục giảm như mục tiêu đề ra (<10%) là cần thiết. Tuy nhiên, còn chiếm tỷ trọng lao động cao (27,5%) và rất thấp về vốn đầu tư (dưới 5%), năng suất lao động của nhóm ngành này hiện thấp (chỉ bằng 43,2% mức chung của cả nước)…

Kinh tế số không phải là ngành hoàn toàn độc lập, nằm rải rác trong các ngành khác, có vai trò quan trọng, đang được chuẩn hóa. Tuy nhiên, tỷ trọng theo mục tiêu Quy hoạch Tổng thể quốc gia có thể là quá cao so với mức ước tính năm 2020 (khoảng 8,3%).

Các nhân tố của tăng trưởng

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại cao (trên dưới 5%), nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam còn thấp (năm 2022 là 188,1 triệu đồng, tương đương 8.083 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động theo mục tiêu Quy hoạch đạt 6,5%/năm là cần thiết. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cần tính và công bố về tốc độ tăng năng suất lao động để dễ kiểm tra thực hiện và có giải pháp tăng năng suất lao động. Quan trọng nhất là tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (hiện còn ở mức thấp (26,2%); tăng cường vai trò của khoa học - công nghệ…

Mục tiêu của Quy hoạch đã đề cập tỷ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP ở mức trên 50% - tức là cao nhất trong 3 yếu tố và cao hơn tổng của 2 yếu tố số lượng (tăng số vốn đầu tư và tăng số lượng lao động đang làm việc). Tổng cục Thống kê cần tính và công bố về TFP.

Minh Nhung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhan-dinh-ve-cac-chi-tieu-kinh-te-chu-yeu-tu-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-d183824.html