Nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mía đường Thái Lan
Ngày 25/6, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Ngày 15/6/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Điều 10 Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư 37/2019/TT-BCT) quy định như sau:
"Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:
Hàng hóa trong nước không sản xuất được; Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được; Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước.
Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường; Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước.
Hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác."
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư 37/2019/TT-BCT, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đề nghị các doanh nghiệp nhận thấy có thể đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (vụ việc AD13-AS01) bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 14 và Phụ lục III Thông tư 37/2019/TT-BCT.
Căn cứ Khoản 3 Điều 16 Thông tư 37/2019/TT-BCT, đề nghị các doanh nghiệp gửi Hồ sơ đề nghị miễn trừ tới Cổng dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ: https://dichvucong.moit.gov.vn hoặc tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17h ngày 25/7/2021.
Sau hơn một năm điều tra, ngày 15/6 vừa qua, Bộ Công thương chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% trong vòng 5 năm.
Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21/9/2020 sau khi thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG, CTC của đại diện ngành sản xuất trong nước.
Kết quả điều tra cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64%. Đồng thời, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh đột biến, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận... Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tác động tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, tình hình cung - cầu hiện nay, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương quyết định áp thuế CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%. Quyết định áp thuế CBPG, CTC này có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật.