'Nhận hối lộ theo chỉ đạo' và trách nhiệm pháp lý

Nếu chủ phương tiện đưa tiền như một cách bồi dưỡng thêm khi sử dụng dịch vụ mà không yêu cầu sự ưu tiên gì khi đăng kiểm thì chưa đủ cơ sở để chứng minh hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ.

Về nguyên tắc, phán quyết của tòa phải tuân thủ nguyên tắc nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

HĐXX cấp sơ thẩm trước khi quyết định mức hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là đối với các đăng kiểm viên cũng đã cân nhắc, đánh giá và xem xét vai trò, mức độ phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo khi lượng hình.

Trong đó, HĐXX cũng đã xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với các bị cáo không ý thức đầy đủ hành vi phạm tội của mình, buộc phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo, của chủ đầu từ các trung tâm đăng kiểm tư nhân; các bị cáo là người làm thuê, có quan hệ lệ thuộc...

Tuân theo chỉ đạo, rồi dính vòng lao lý

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, Luật sư Hoàng Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết cáo trạng, kết luận điều tra của vụ án đều cho thấy cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã tách bạch và phân hóa trách nhiệm hình sự của từng ĐKV trong vụ án.

 Phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, các bị cáo là giám đốc, phó giám đốc trung tâm đăng kiểm là những người được xác định chịu trách nhiệm cao nhất tại trung tâm. Họ phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ số tiền nhận hối lộ mà cơ quan tố tụng xác định đã xảy ra tại trung tâm do họ lãnh đạo.

Trách nhiệm lớn kế tiếp thuộc về các ĐKV là trưởng chuyền đăng kiểm. Nhóm ĐKV này đều được xác định là nơi tiếp nhận tiền của các ĐKV trong chuyền gửi về để đưa tiền nhận hối lộ lên ban giám đốc của trung tâm.

Cuối cùng là các ĐKV trong chuyền đăng kiểm; tùy vào quy mô, số lượng xe của từng trung tâm đăng kiểm mà các ĐKV này phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền nhận hối lộ/hưởng lợi khác nhau. Tuy các ĐKV này phải chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ trong chuyền nhưng về số tiền hưởng lợi/thu lợi bất chính của từng người thì CQĐT và VKS đã xác định số tiền cụ thể, làm cơ sở để HĐXX xem xét đối với từng ĐKV.

Xét về cấu thành tội nhận hối lộ của các ĐKV, tất cả ĐKV đều không có ý kiến gì về tội danh. Xuyên suốt từ quá trình điều tra đến giai đoạn xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, họ cùng thừa nhận là mình đã có hành vi nhận tiền trực tiếp từ chủ phương tiện hoặc bên thứ ba (môi giới) để bỏ qua lỗi cho phương tiện.

Người nhận đây rồi, người đưa đâu rồi?

Luật sư Hoàng Kim Minh Châu phân tích: Có người nhận thì ắt có người đưa hối lộ, tuy nhiên cần tách bạch hai nhóm người đã đưa hối lộ trong vụ án này. Thứ nhất là đưa hối lộ để hợp thức hóa hồ sơ cải tạo và nghiệm thu đăng kiểm đạt đối với những xe đã qua cải tạo. Thứ hai là chủ phương tiện đưa tiền theo thói quen thông thường khi đi đăng kiểm.

Đối với nhóm có hành vi đưa hối lộ thứ nhất: Hành vi cải tạo xe và lo lót đưa tiền cho ĐKV để được đạt đăng kiểm đã rõ. Cơ quan tố tụng cũng đã làm việc và xác định được hành vi của những người này. Những bị cáo bị truy tố, xét xử về tội đưa hối lộ ở vụ án này chủ yếu là những người đưa tiền để hợp thức hóa khi xe đã được cải tạo.

Tuy nhiên, cần lưu tâm đối với nhóm đưa hối lộ thứ hai: Trong hàng ngàn, chục ngàn chủ phương tiện đến để kiểm tra an toàn kỹ thuật của xe (đăng kiểm bình thường, không phải xe cải tạo)thì số chủ phương tiện mà CQĐT triệu tập được để làm việc rất hạn chế; hoặc không thể triệu tập được.

Vấn đề đặt ra là có chắc rằng ý chí chủ quan của hết thảy những người đi kiểm định đưa tiền như vậy với mục đích là đưa hối lộ cho ĐKV hay là nhiều người trong số họ để tiền trên xe (từ 150.000-200.000 đồng) như là tiền típ, tiền boa - một thói quen của người sử dụng dịch vụ như khi ta đi ăn ở nhà hàng, đi gội đầu, mát-xa, cho người giữ xe, boa nhân viên khách sạch…

Như một thói quen, khi đi đăng kiểm xe, chủ xe để trên xe hoặc gửi riêng các ĐKV (từ 100.000-200.000 đồng dù không bị đòi hỏi. Số tiền này được gọi là tiền cà phê, bồi dưỡng thêm dù xe không hề có lỗi, hư hỏng gì.

Nhìn một cách khách quan thì các ĐKV cũng chỉ là những người làm công ăn lương, được giám đốc, phó giám đốc trung tâm thuê về làm việc, trả lương. Bản thân những người làm công ăn lương nhận tiền một cách thụ động, nhận để nộp cho chủ, phải tuân theo lệnh, chủ trương từ cấp trên, nếu không làm vậy thì mất việc.

Do vậy, khi giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng – nhất là HĐXX - cần xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện để phân hóa trách nhiệm mạnh hơn, từ đó quyết định mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của họ, những ĐKV làm công ăn lương trong vụ án này.

Cần đánh giá kỹ hoàn cảnh phạm tội của đăng kiểm viên

Hành vi của các ĐKV trong khi thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm mà nhận tiền của người đi đăng kiểm phương tiện để thực hiện theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của họ như bỏ qua các lỗi của phương tiện, đưa ra kết luận không đúng với thực tế thì thỏa mãn hành vi khách quan của tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS 2015.

Mỗi trường hợp, số tiền ĐKV nhận nếu dưới 2 triệu đồng và không thỏa mãn quy định khác của khoản 1 Điều 354 nhưng nếu hành vi khách quan có tính liên tục (khi hành vi phạm tội bao gồm nhiều hành vi cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau về thời gian, xâm phạm cùng một khách thể và chi phối bởi cùng một ý định phạm tội cụ thể) thì hành vi nhận hối lộ sẽ xem xét trên tổng thể các hành vi và số tiền nhận hối lộ là tổng số tiền mà người phạm tội đã nhận.

Nhiều đăng kiểm viên được tòa sơ thẩm cho hưởng án treo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Do vậy để đảm bảo cơ sở pháp lý khi kết luận tội danh nhận hối lộ cho các ĐKV cần có đủ chứng cứ chứng minh hành vi nhận tiền (cho mình hoặc cho người khác hoặc tổ chức khác) để làm việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ trong phạm vi chức vụ, quyền hạn của mình.

Với trường hợp người đi đăng kiểm đưa ít tiền với cách thức như là tiền bồi dưỡng khi sử dụng dịch vụ và không yêu cầu cụ thể gì vì phương tiện của họ hoàn toàn đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, họ cũng không yêu cầu sự ưu tiên gì khi đăng kiểm thì chưa đủ cơ sở để chứng minh hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ. Trong trường hợp quy định của ngành nghiêm cấm hành vi nhận tiền bồi dưỡng thì hành vi nhận tiền của các ĐKV có thể cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS nếu thỏa mãn các dấu hiệu định tội.

Do vậy về mặt pháp lý, vấn đề then chốt là chứng cứ thu thập được đủ để chứng minh hành vi nhận tiền của các ĐKV là để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mới đảm bảo cơ sở pháp lý khi truy cứu các đăng kiểm viên về tội nhận hối lộ.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp có đủ chứng cứ để kết luận tội nhận hối lộ đối với các ĐKV thì cũng cần xem xét đến hoàn cảnh phạm tội của họ khi họ bị chi phối bởi “chủ trương” chung của đơn vị, sự yêu cầu của lãnh đạo, mức tiền lương, nhu cầu việc làm… để xem xét khi quyết định hình phạt.

TS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, Trưởng Bộ môn Luật hình sự, Khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

Kỳ tới: Hình phạt cho người giúp sức có vai trò hạn chế.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-hoi-lo-theo-chi-dao-va-trach-nhiem-phap-ly-post824261.html