Nhận kỷ niệm chương 'Vì sự nghiệp giáo dục', sao tôi thấy tủi thân quá
Kỉ niệm chương 'Vì sự nghiệp giáo dục' là một hình thức ghi nhận công lao đối với những nhà giáo, cá nhân có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp giáo dục.
Kể từ năm 2005, thực hiện Quyết định số 26/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” được thay thế bởi Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” là một hình thức ghi nhận công lao đối với những nhà giáo, cá nhân có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Để được nhận Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, cá nhân công tác trong ngành giáo dục phải có thời gian công tác đủ 20 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trường hợp đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xét tặng sớm hơn so với thời gian quy định là 05 năm.
Trước đây, tại Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 và các Nghị định trước đó đều quy định mức khen thưởng đối với Kỉ niệm chương của các Bộ, ban ngành đoàn thể là không quá 0,6 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào quy định này, hầu hết các bộ, cơ quan ngang bộ đều xây dựng quy chế chi ở mức 0,6 lần mức lương cơ sở đối với người được nhận kỉ niệm chương.
Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có lẽ vì số lượng viên chức đông nên Bộ chỉ quy định mức thưởng chung là 200.000 đồng/kỉ niệm chương.
Những nhà giáo chúng tôi khi được nhận kỉ niệm chương thì cảm xúc đầu tiên đó niềm tự hào, vinh dự vì sự đóng góp của mình cho nghề nghiệp đã được ngành ghi nhận, mặc dù số tiền thưởng không nhiều, nếu không nói là quá ít so với các ngành khác hoặc các danh hiệu thi đua khen thưởng khác.
Chia hạng giáo viên để trả lương vừa bất cập, rắc rối lại dễ nảy sinh bất công
Cụ thể, theo quy định khen thưởng năm 2016 (lương cơ sở là 1.210.000 đồng), cá nhân được giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện (hoặc sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh) thì mức khen là 0,3 lần mức lương cơ sở với số tiền là 363.000 đồng; chiến sĩ thi đua cơ sở là 1,0 lần mức lương cơ sở với số tiền là 1.210.000 đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ra đời thì không còn quy định mức thưởng đối với Kỉ niệm chương.
Đây là quy định chung, song một số ngành đã vận dụng xây dựng quỹ khen thưởng riêng cho ngành mình nên về cơ bản quyền lợi của người lao động khi nhận Kỉ niệm chương vẫn không có gì thay đổi, còn phần lớn các cơ sở giáo dục trong cả nước thì chưa làm được việc này. Điều đó khiến nhiều nhà giáo không khỏi chạnh lòng.
Thầy Trần Hải T. (PY) tâm sự: "Hồi mới vào nghề, thấy ai được nhận Huy chương (nay là Kỉ niệm chương) “Vì sự nghiệp giáo dục”, mình thấy họ thật vĩ đại. Bây giờ sau hai mươi mốt năm đi dạy, nhận được cũng thấy tự hào nhưng tủi thân quá".
Tuần trước, khi nhà trường triển khai làm hồ sơ tặng Kỉ niệm chương năm 2021, nhiều đồng nghiệp dù đã đủ thời gian công tác nhưng hầu như không mấy ai mặn mà việc này.
Nhiều người nói vui rằng trong đời mỗi người chỉ được nhận một lần nên chờ khi nào có quy định khen thưởng thì làm luôn.
Giá trị của một hình thức khen thưởng chỉ mang tính chất động viên là chính nhưng không vì thế mà chúng ta lại xem nhẹ.
Và nếu mỗi cơ sở giáo dục biết chủ động xây dựng quỹ khen thưởng tiết kiệm từ nguồn kinh phí được cấp hàng năm hoặc các nguồn thu khác của đơn vị để tổ chức khen thưởng cho cá nhân được nhận Kỉ niệm chương thì sẽ đảm bảo khích lệ, động viên kịp thời.