Nhân lên những giá trị truyền thống tốt đẹp trong mỗi gia đình
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, việc quan tâm đến gia đình là đúng vì 'Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt'. Thấm nhuần lời dạy của Bác, các cấp, các ngành tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa bằng những cách làm sát thực, hiệu quả, phù hợp với bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Từ đó, đã khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế liên quan đến gia đình và nhân lên những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học..., góp phần xây dựng, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Lai Châu trong quá trình hội nhập và phát triển.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình nói chung và gia đình đồng bào các dân tộc ở Lai Châu nói riêng ngày càng được cải thiện, nâng cao; những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn, thủy chung, hiếu nghĩa được bảo tồn, phát huy...
Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, bất cập liên quan đến gia đình như: Tình trạng tảo hôn, ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm đang thâm nhập vào các gia đình. Vấn đề trọng nam khinh nữ, bạo hành trong gia đình, trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng...
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, cũng như để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh, chỉ đạo, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; nhân rộng, phát huy vai trò của các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở địa bàn dân cư...
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố và các cơ quan, ban, ngành có liên quan đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của tỉnh thông qua các kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, đảm bảo phù hợp với từng địa bàn, từng vùng đồng bào dân tộc; các cơ quan thông tấn, báo chí như: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh-Truyền hình, Hội Văn học nghệ thuật... đã tăng cường tuyên truyền, phản ánh nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những gia đình văn hóa, gia đình truyền thống tiêu biểu để kịp thời biểu dương và nhân rộng. Đặc biệt, các ngành, các cấp thường xuyên đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến với từng người dân, hộ gia đình bằng nhiều hình thức và tổ chức các cuộc thi về chủ đề gia đình để thu hút mọi tầng lớp nhân dân và toàn xã hội cùng tham gia.
“Vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc những khi thời gian rảnh, gia đình chúng tôi thường đưa con đi chơi, mua sắm, hướng dẫn con những kỹ năng cơ bản về giao tiếp ứng xử hay cùng con dọn dẹp phòng ngủ, bàn học... để sau này, các con sẽ tự tin hơn khi đến với các hoạt động tập thể, xã hội và nhà trường. Với tôi, trai hay gái cũng đều tốt cả, tất cả là do suy nghĩ của chúng ta. Trai hay gái không quan trọng, miễn sao các cháu chăm ngoan, học giỏi, vâng lời ông bà, bố mẹ, thầy cô là tốt rồi” - anh Nông Đức Sơn, công tác tại Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phong Thổ chia sẻ với chúng tôi tại một lớp kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nếu như huyện Phong Thổ, Mường Tè phát huy tối đa vai trò của gia đình trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của từng dòng họ, tộc người, thì huyện Tam Đường, Than Uyên... lại phát huy giá trị gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gắn với bảo tồn sống những bài hát, điệu múa, làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng, từ đó, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
“Gia đình đồng bào các dân tộc huyện Tam Đường như: Mông, Dao, Lự... đã tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dòng họ, tộc người, cũng như xây dựng tình làng nghĩa xóm đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên quan tâm chú trọng truyền dạy cho thế hệ sau bản sắc văn hóa của dân tộc mình với những bài hát, điệu múa; kỹ năng chế tác nhạc cụ, nhuộm chàm, dệt vải, thêu may trang phục dân tộc...” - anh Đỗ Trọng Thi, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Tam Đường chia sẻ.
Cùng với những cách làm thiết thực, hiệu quả ấy thì không thể không nhắc đến 431 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 431 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, với tổng số trên 7.000 thành viên tham gia sinh hoạt, với nhiều nội dung khác nhau như: Kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; kỹ năng phát triển kinh tế gia đình; phương pháp nuôi dạy con...
Chính những nội dung sinh hoạt theo định kỳ đơn giản, ngắn gọn, cụ thể ấy đã góp phần nâng cao nhận thức, làm giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh từ 10% năm 2012, đến nay chỉ còn khoảng 4%. Thực tế cho thấy, ở đâu có các mô hình, câu lạc bộ về gia đình được triển khai hoạt động hiệu quả thì ở đó, tình trạng bạo lực gia đình gần như không còn xảy ra, nền nếp gia phong trong nếp sống, sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình được quan tâm gìn giữ.
“Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Và lời dạy ấy đã được các cấp, các ngành tỉnh Lai Châu triển khai, cụ thể hóa bằng những cách làm hiệu quả, phù hợp với bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Từ đó, đã khắc phục những tồn tại, hạn chế và nhân lên những giá trị truyền thống quý báu trong gia đình, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.