Nhân lên những 'hạt giống đỏ' nơi vùng cao biên giới Hà Giang
Những đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ của BĐBP Hà Giang, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương đã trưởng thành và trở thành hạt nhân trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới đồng bào và nhân dân, đặc biệt là xử lý các vụ việc xảy ra ở cơ sở một cách thấu tình đạt lý. Họ là những người đã được tôi luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt; thật sự là những 'hạt giống đỏ' góp phần tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho địa phương.
Trong những năm qua, trong số các chiến sĩ nhập ngũ vào lực lượng BĐBP Hà Giang, đã có rất nhiều đồng chí được tổ chức đảng các đơn vị kết nạp vào Đảng hoặc giới thiệu tham gia học qua lớp bồi dưỡng lý luận về Đảng để giới thiệu kết nạp Đảng. Khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, họ đều là những đảng viên tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Có mặt tại phòng làm việc của Ban Chỉ huy Quân sự xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, chúng tôi gặp anh Sùng Mí Vản - một cựu quân nhân Biên phòng. Anh Vản cho biết, tháng 10-2002, anh nhập ngũ vào BĐBP Hà Giang. Trong thời gian hơn 1 năm học tập, công tác, anh được đơn vị cử đi học lớp bồi dưỡng lý luận để giới thiệu kết nạp Đảng. Khi anh hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ và các giấy tờ có liên quan về Đảng ủy xã Lao Chải để tổ chức kết nạp Đảng cho anh.
Sau khi được kết nạp vào Đảng, anh được Ban Thường vụ Đảng ủy xã tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Lao Chải. Anh Sùng Mí Vản cho biết thêm, quá trình công tác trong lực lượng BĐBP đã giúp anh rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, học tập được nhiều kiến thức và kinh nghiệm hay. Khi trở về địa phương công tác, anh áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã học được để triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác.
Đối với anh Tẩn Ngờ Say (ở xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), sau 2 năm được đào tạo, huấn luyện, rèn luyện trong BĐBP Hà Giang, với những kiến thức đã được học và kinh nghiệm có được, năm 2004, khi trở về địa phương, anh đã được Đảng ủy, UBND xã Phú Lũng bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã. Trong quá trình công tác, anh là một cán bộ, đảng viên trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát, nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm với công việc.
Năm 2008, anh tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã và thực hiện nhiệm vụ từ đó cho đến nay. Trên cương vị của mình, anh đã tham mưu cho địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; thường xuyên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bạch Đích, BĐBP Hà Giang và các lực lượng chức năng, tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Chúng tôi tiếp tục đến thôn Páo Mã Phìn, xã Tả Ván - một trong những thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Hiện nay, thôn Páo Mã Phìn có 70 hộ/300 nhân khẩu, với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Quãng đường từ trụ sở UBND xã đến thôn dài hơn 15km, đều là đường đất, phải leo dốc, lội suối. Đón chúng tôi là anh Vàng Mí Phòng, Bí thư Chi bộ thôn Páo Mã Phìn - một cựu quân nhân BĐBP Hà Giang. Trong lúc trao đổi công việc, anh chia sẻ, năm 2011, anh cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tùng Vài, BĐBP Hà Giang đi tuần tra biên giới, không may, anh dẫm vào mìn còn sót lại sau chiến tranh làm anh hỏng đi một bàn chân. Sau đợt điều trị khá lâu, anh mới mua được chân giả lắp để đi lại.
Mặc dù vẫn gặp khó khăn trong quá trình đi lại, nhưng với những kiến thức và bản lĩnh được tôi luyện trong quân ngũ, Bí thư Chi bộ Vàng Mí Phòng luôn tâm huyết với công việc của chi bộ cũng như của thôn, thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham gia các tệ nạn xã hội, không xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Từ một thôn nghèo ít đảng viên, đến nay, Chi bộ thôn Páo Mã Phìn đã có 19 đảng viên; trong số này, đa phần là đảng viên trẻ tuổi, rất tâm huyết với công tác xã hội. Anh Phòng chia sẻ: “Nếu tôi không được đi bộ đội thì chắc tôi không được như ngày hôm nay. Trong thời gian hơn 3 năm học tập, sinh hoạt trong môi trường quân ngũ, các đồng chí, đồng đội đi trước đã dìu dắt, trang bị những kiến thức, hành trang cho tôi đến bây giờ và giúp tôi hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở cơ sở”.
Đề án phát triển đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ của Đảng ủy BĐBP Hà Giang đã tạo bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng. Các đồng chí chiến sĩ được kết nạp Đảng tại các đơn vị, khi xuất ngũ về địa phương đã trở thành những nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Tính từ năm 2011 đến nay, Đảng ủy BĐBP Hà Giang đã tổ chức kết nạp được 513 đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ, trong số này, phần lớn là người dân tộc thiểu số đang cư trú tại các xã, thị trấn biên giới. Để giúp các đảng viên trẻ tiếp tục phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện trưởng thành đảng viên tốt, góp phần tạo nguồn cán bộ cho địa phương trước mắt cũng như lâu dài, hằng năm, Đảng ủy BĐBP tỉnh đều mở lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho các chiến sĩ mới và chỉ đạo các đồn Biên phòng thường xuyên liên hệ với trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện để tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng và đảng viên mới.
Đại tá Đào Hồng Hà, Phó Chính ủy BĐBP Hà Giang đánh giá, các đồng chí đảng viên là chiến sĩ nghĩa vụ đã được Đảng ủy BĐBP tỉnh kết nạp vào Đảng hoặc được giới thiệu tham gia học qua lớp bồi dưỡng lý luận chính trị để tạo nguồn kết nạp Đảng, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Đảng ủy BĐBP tỉnh chuyển hồ sơ về cấp ủy, chính quyền địa phương để tiếp tục theo dõi, tổ chức kết nạp vào Đảng và chuyển Đảng chính thức. Qua thực tế cho thấy, cơ bản những đồng chí này đều đã phát triển rất tốt, nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ cốt cán ở cơ sở; một số đồng chí được địa phương phát hiện, tạo nguồn cán bộ và tiếp tục cho đi đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn để trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương.