Tinh gọn để tạo động lực phát triển đất nước

Sau bảy năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả', đất nước ta đạt được nhiều kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân.

Việc triển khai thực hiện tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thí điểm thực hiện hợp nhất cơ quan, đơn vị được nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai khá bài bản, thống nhất đã bước đầu góp phần xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công.

Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công.

Tuy nhiên, theo ý kiến nhận xét, đánh giá của các chuyên gia và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, việc sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian qua chưa thực sự đồng bộ. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến việc tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, tổ chức bộ máy của ta còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo. Phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “bộ trong bộ”. Tinh giản biên chế mới giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Thực tế, hiện nay ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đội ngũ CBCCVC có số lượng lớn, nhưng chất lượng chưa đồng đều; vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu ở nhiều nơi; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; chất lượng thực thi công vụ chưa cao, giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp còn có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện.

Một số nơi, còn có biểu hiện tùy tiện trong lề lối làm việc, nặng về hành chính, quan liêu; thói cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ tồn tại khá lâu đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm hiệu quả công việc. Quy trình giải quyết công việc còn kéo dài; sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ; sử dụng thời gian làm việc chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương tuy bước đầu được tăng cường nhưng thực tế có lúc có nơi còn lỏng lẻo, tùy tiện.

Thêm vào đó, nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa được quy định, hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, cụ thể. Tổ chức bộ máy bên trong của nhiều cơ quan, đơn vị chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn nhất; chưa khắc phục triệt để trùng lắp, chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; bộ máy bên trong còn cồng kềnh; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng chưa đồng bộ và triệt để.

Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các cấp vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc thù của địa phương... Chính vì vậy, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sau khi có bài viết “Tinh- gọn- mạnh, hiệu năng- hiệu lực- hiệu quả”, tại phiên họp với Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng XIV mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa khẳng định phải thực hiện tinh gọn bộ máy, coi đây là quyết tâm chính trị, với sự vào cuộc từ trung ương tới địa phương.

Tổng Bí thư thống nhất nhận định, Đại hội Đảng lần thứ XIV là thời điểm thích hợp, không thể chần chừ, chậm chễ trong việc thực hiện các quyết sách có tính đột phá trong việc tinh gọn bộ máy. Trong bối cảnh đất nước sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước, 95 năm thành lập Đảng, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cần tập trung hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong đó, khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn tổ chức bộ máy với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư cho rằng, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách chậm đi vào cuộc sống. Sự chồng chéo và phân định không rõ nhiệm vụ dẫn đến “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua nhiều cửa thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới “là trái với quy luật phát triển, tạo ra tâm lý nói không đi đôi với làm”.

Tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp song không thể không làm nếu muốn đưa đất nước phát triển; đồng thời cũng là một trong những giải pháp để tránh lãng phí nguồn lực của đất nước, sớm bắt nhịp và đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguyễn Thùy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tinh-gon-de-tao-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc-222826.htm