Nhân lên những 'tế bào xanh'

Nhìn những đứa trẻ mẫu giáo, tiểu học tíu tít nối đuôi nhau lần lượt bỏ từng vỏ hộp sữa vào thùng rác cuối lớp, cuối sân trường mới thấy đáng yêu làm sao. Hình ảnh này gợi cho ta liên tưởng đối sánh với cảnh nước trắng mênh mang, núi đồi sạt lở vì mưa lũ hay bụi đường, khói nhà máy, khói đất rơm rạ vẩn đục những khoảng trời.

Sự bình yên, trật tự nơi mái trường kia chính là nơi bắt đầu hình thành ý thức con người về vệ sinh, sạch sẽ cho chính mình và cho môi trường chung của mỗi cộng đồng. Cuộc sống xanh khởi tạo từ những "tế bào xanh" li ti như thế.

Thật có ý nghĩa khi sau một năm học (2019-2020), 1.200 trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đã gom được 269 tấn vỏ hộp sữa, tương đương 27 triệu vỏ hộp để đưa đi tái chế. Ý thức, thói quen trẻ nhỏ quả là đã có hiệu quả không nhỏ. Lớp học, sân trường, cổng trường sạch sẽ, mát mẻ vì thế. Ở lứa tuổi thanh niên, những hoạt động tuyên truyền vận động và xung kích thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường lại càng sôi động.

Những đợt tình nguyện đến với các làng bản vùng sâu, vùng xa, hay làm sạch bãi biển, lòng sông đã liên tục diễn ra trên nhiều miền đất nước. Những ngày này là những chuyến đi của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh đến với huyện Cần Giờ, là những sáng kiến bảo vệ môi trường tỏa lan từ các trường, từ các bậc trung học đến đại học. Thật vui và thiết thực khi các bạn trẻ nhiều địa phương đã biến rác thải thành đồ dùng, đồ chơi, tạo những sân chơi cho thiếu nhi trên nhiều điểm dân cư. Lý thú hơn là câu chuyện chế tạo đồ dùng học tập từ rác thải của thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Quyết ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Từ nắp chai, vỏ chai nhựa, giấy vụn... thầy giáo 24 tuổi, được mệnh danh là "người rác", đã làm nên những mô hình về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, những sa bàn về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về Đại thắng mùa Xuân 1975...

Nếu như ở các vùng nông thôn, phong trào làm đường hoa đã và đang nở rộ thì tại các phố phường đô thị, các hoạt động đổi rác nhựa, túi ni lông lấy cây hoa, cây cảnh, biến nơi chân tường, góc xóm, ngõ, mái đê thành những bức bích họa, những bồn hoa làm rạng lên những góc khuất.

Sự tác động tiêu cực của hiểm họa biến đổi môi trường, lây lan dịch bệnh đã và sẽ còn phức tạp, khôn lường hơn nữa. Không ngày nào chúng ta không được thấy, được nghe những cuộc thảo luận, những giải pháp vĩ mô và vi mô của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đoàn thể để từng bước, từng việc, từng khu vực, địa phương nhằm giải quyết vấn đề môi trường. Đương nhiên cần phải có chủ trương, chính sách sát hợp, phải cần những giải pháp tổng thể, khoa học, những khoản đầu tư lớn, nhưng bảo vệ môi trường là nhiệm vụ, là công việc của tất cả công dân và cả công dân tương lai. Chủ trương, chính sách, pháp luật phải là nhu cầu thiết yếu; phải đi cùng hành động tự thân, tự giác của mỗi cán bộ, mỗi người dân mới thành hiện thực.

Trong thực tế, bất cứ ai, từ người già đến trẻ thơ cũng có thể vừa là tác nhân gây hại đến môi trường, vừa là những người đóng góp vào giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Cũng nhìn từ thực tế, chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng vì sao có làng phố kia làm được, mà làng phố này không? Tại sao việc phân loại rác thải từ nhà có lúc rộ lên có lúc lại xẹp xuống? Tại sao cứ ngơi đôn đốc, nhắc nhở là đường sá, ao ngòi, cống thoát nước lại đầy rác? Rõ ràng tất cả chưa thành thói quen, rõ ràng cùng với sự gương mẫu, những cán bộ, đảng viên, người có uy tín cần phải vận động, nhắc nhở sát sao hơn. Và cũng rất thực tế là các chế tài, các biện pháp xử lý chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, trách nhiệm chưa được rõ người, rõ việc...

Văn hóa môi trường hay thói quen ăn ở, hành xử không thể dễ dàng và nhanh chóng hình thành trong mỗi cơ sở, khu dân cư, mỗi con người, nhưng khi nghiêm pháp luật, kiên trì thuyết phục... gây dựng sẽ thành công. Tập tục đốt pháo đã được dân ta từ bỏ, việc đội mũ bảo hiểm đã thành thói quen; việc đã uống rượu bia thì không lái xe đã thành phổ biến là do pháp luật nghiêm minh và dư luận xã hội, gia đình tích cực ủng hộ. Câu chuyện lớp trẻ cơ quan, học đường từ bỏ dần tệ hút thuốc lá cũng vậy. Từng việc, từng người, từng nhóm người, những "tế bào xanh" đang bám rễ trong cuộc sống nơi nơi. Đã đến lúc phong trào toàn dân, toàn quốc bảo vệ môi trường cần và có thể đẩy lên thành cao trào.

NGUYỄN MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nhan-len-nhung-te-bao-xanh-645930