Nhân lên 'sức mạnh mềm' văn hóa, khơi dậy khát vọng con người Hà Tĩnh
Nhân lên 'sức mạnh mềm' văn hóa, khơi dậy khát vọng con người Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Những giá trị bất biến của hệ thống di sản được tạo nên qua các thời kỳ lịch sử đã trở thành tài nguyên vô giá, được coi là nguồn lực nội sinh vô tận trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh.
...
Văn hóa, theo cách hiểu phổ quát nhất, là những gì tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị đặc sắc, tốt đẹp, nhân văn, tiến bộ của con người qua tiến trình lịch sử lâu bền. Nó là những giá trị trường tồn, trở thành bản sắc, làm nên nền tảng tinh thần của một cộng đồng, dùng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, vùng miền này với một vùng miền khác. Và văn hóa không bao giờ tách khỏi con người, nó là sản phẩm của con người, do con người và vì con người.
Khẳng định rằng, bản sắc văn hóa Hà Tĩnh không tách rời văn hóa Xứ Nghệ, PGS.TS Biện Minh Điền - Đại học Vinh cũng chỉ rõ những sắc thái riêng: “Từ trong huyền sử, truyền thuyết, Hà Tĩnh đã là vùng đất linh thiêng gắn với cố đô Ngàn Hống hàng nghìn năm, chuyện ông Đùng, 99 con chim phượng hoàng... Dẫu huyền sử là mờ tỏ nhưng bằng cảm thức, người ta vẫn nhận ra đây là một vùng địa linh. Văn hóa Hà Tĩnh là văn hóa sơn thủy, lấy sông La, núi Hồng làm biểu tượng đã đi vào sử sách và được soi chiếu bằng những góc nhìn khác nhau. Hà Tĩnh là nơi giang sơn tụ khí gắn liền với con người tụ nghĩa để tạo nên bản sắc riêng của mình. Hà Tĩnh cũng là nơi in đậm bản sắc văn hóa làng của người Việt nhưng vẫn có sắc thái riêng của văn hóa làng Hà Tĩnh - nơi mà cư dân đã nhiều đời tạo ra những sức mạnh tiềm ẩn đằng sau lũy tre xanh”.
Từ thuở hồng hoang, Hà Tĩnh là nơi tụ cư của người Việt cổ, được minh chứng bằng các di chỉ khảo cổ có niên đại trên 4.000 năm như Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân), Thạch Lạc (Thạch Hà)...; là vùng giao thoa của nhiều nền văn hóa (Đại Việt - Chămpa - Chân Lạp - Trung Hoa…); từng là biên viễn, phên trấn một thời, được coi là “tiền tuyến” của hậu phương và “hậu phương” của tiền tuyến trong nhiều thời kỳ lịch sử.
Không ai có thể lý giải vì sao vùng đất lắm thiên tai này lại là nơi tụ cư của các dòng người tứ xứ. Họ cùng với người bản xứ đã sống hòa thuận và kiên cường, nhân nghĩa và bao dung, cùng nhau lập thôn, xây làng. Họ đã cùng nhau tạo nên những giá trị văn hóa phong phú và độc đáo cả về vật thể và phi vật thể. Đây chính là nguồn tài nguyên nhân văn quý báu, là “sức mạnh mềm” cho Hà Tĩnh phát triển bền vững.
Ông Bùi Xuân Thập - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Hà Tĩnh may mắn khi có hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng và rất phong phú. Hệ thống di sản đó vừa được phân bố khá đồng đều trên địa bàn toàn tỉnh, vừa có tính tập trung ở một số vùng là cái nôi văn hóa như: Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn… Đó chính là tổng hòa của sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố địa lý, con người và lịch sử xã hội đồng thời cũng là biểu hiện của các phong tục tập quán, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng. Những đặc điểm đó là căn cứ để tỉnh và các địa phương có những hoạch định lâu dài về chiến lược để xây dựng và phát triển KT-XH”.
...
Hà Tĩnh là vùng đất hẹp, dốc, nghiêng, bị chia cắt mạnh bởi nhiều sông suối tạo nên nhiều dạng địa hình chuyển tiếp, xen kẽ lẫn nhau. Tuy vậy, chính đặc trưng đó, trải qua bao biến thiên của tự nhiên, đã tạo nên cho Hà Tĩnh hệ thống danh thắng vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Trong đó, danh thắng núi Hồng - sông La được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam xưa, được khắc vào “Bách khoa thư cửu đỉnh” năm 1836 (năm Minh Mệnh thứ 17) đặt tại cố đô Huế. Vườn quốc gia Vũ Quang với 61% rừng nguyên sinh, có loài thú quý hiếm Sao la; thác Vũ Môn (Hương Khê) gắn với sự tích “Cá chép hóa rồng”; núi Nam Giới gắn với di tích Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi; rất nhiều ngọn núi gắn với những huyền tích, thần thoại về quá trình hình thành các vùng đất, nhiều bãi biển đẹp… tạo nên những nét riêng của phong thổ.
Trong mối quan hệ biện chứng giữa con người và văn hóa, một hệ thống hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hóa được xây dựng rộng khắp 13 địa phương trên toàn tỉnh và có sự tập trung cao ở một số địa phương, tạo thành cái nôi văn hóa với những đặc tính riêng biệt như: Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn... Hệ thống di tích của Hà Tĩnh với sự hội tụ đầy đủ các loại hình: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và di tích danh thắng cũng biểu đạt cho sự phong phú, đa dạng trong văn hóa truyền thống của vùng đất văn vật. Mỗi một di tích như: Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, thành Sơn phòng - Hàm Nghi, đền thờ Chiêu Trưng Đại vương - Lê Khôi, chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu hay Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc v.v… đều ẩn chứa trong đó những câu chuyện quý giá về công lao của tiền nhân trong quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Cùng với hệ thống di tích là các cổ vật, bảo vật có giá trị. Về bảo vật quốc gia có bộ sưu tập súng thần công gồm 3 khẩu “Bảo quốc, An dân” đúc vào năm thứ 2 của triều vua Minh Mệnh nhà Nguyễn (1821) với kỹ thuật đúc thủ công truyền thống và hoa văn cực kỳ tinh xảo. Về cổ vật, có báu vật của vua Hàm Nghi gồm 2 con voi vàng, 2 con nghê đồng, 2 thanh kiếm bằng đồng nung, 8 bộ áo mũ triều thần bằng nỉ; chuông chùa Rối với các dấu dấu ấn văn hóa thời Trần đang được UBND tỉnh đề xuất trình Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia; trên 1.000 sắc phong cổ, độc bản có giá trị được sưu tập từ khắp các địa phương và nhiều cổ vật, di vật khác được khai quật tại Phôi Phối - Bãi Cọi (Nghi Xuân), Thạch Lạc (Thạch Hà)...
Trong quá trình xây dựng quê hương, cư dân Hà Tĩnh đã phải đấu tranh kiên cường với thiên tai, giặc giã và chính từ trong gian khó, người dân nơi đây đã tạo nên những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo. Đó là ngôn ngữ, là các lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội văn hóa - lịch sử; là những làn điệu dân ca có bản sắc riêng trong dân ca ví, giặm, hò vè, ca trù, là những diễn xướng dân gian độc đáo như hát sắc bùa, hò chèo cạn… Trong đó, có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được UNESCO công nhận như: dân ca ví, giặm, ca trù, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ…
Tất cả các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đó đã tạo nên hệ thống giá trị riêng cho văn hóa Hà Tĩnh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, những giá trị đó thấm đượm, hòa quyện, dẫn đường cho mỗi con người trong suy nghĩ, hành động, từ đó phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là động lực cho sự phát triển.
Hà Tĩnh luôn được coi là vùng địa linh nhân kiệt. Địa linh đã hun đúc nên nhân kiệt và nhân kiệt đã tác động làm cho văn hóa bản xứ thêm phần độc đáo. Con người Hà Tĩnh với những tính cách đặc trưng không chỉ tạo nên những bản sắc riêng của văn hóa Hà Tĩnh mà còn góp phần tạo nên căn cứ để định hình đặc trưng của tiểu vùng văn hóa Xứ Nghệ.
Xưa nay, hầu hết các học giả viết về phong thổ Xứ Nghệ đều đánh giá rất cao yếu tố con người. Hà Tĩnh là miền quê chịu nhiều thiên tai, trong lịch sử từng nhiều lần là phên dậu của các cuộc chiến tranh, tao loạn nhưng Hà Tĩnh cũng là đất văn vật với mạch nguồn hiếu học, khoa bảng chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế, trong mỗi con người Hà Tĩnh đều hội tụ rất nhiều phẩm chất như cố Giáo sư Vũ Ngọc Khánh nhận định về người Xứ Nghệ: “Một kẻ bình dân khố chạc, một người chữ nghĩa văn chương và một chiến sĩ tiền phong cách mạng” với 4 đặc điểm: có lý tưởng trong tâm hồn; sự trung kiên trong bản chất; sự khắc khổ trong sinh hoạt; sự cứng cỏi trong giao tiếp.
Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đưa ra những nhận xét, đánh giá rằng: Do yếu tố địa văn hóa đặc trưng nên người Hà Tĩnh có khí chất cương trực, khảng khái, thẳng thắn, cởi mở và chân tình trong kết giao nên dễ quy tụ được lòng người. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, người Hà Tĩnh có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, kết nối vì cộng đồng bền vững. Ý thức cộng đồng, gắn bó và kết nối cộng đồng ăn sâu vào tiềm thức, được thể hiện rất rõ nét trong cốt cách con người Hà Tĩnh, tạo nên những giá trị nhân văn đáng quý của người Hà Tĩnh. Truyền thống này được thể hiện sâu đậm trong các cuộc đấu tranh như: cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ. Nhìn lại quá khứ, thế hệ hôm nay có thể nhìn thấy phẩm chất kiên cường, dũng cảm, yêu quê hương, đất nước nồng nàn qua những tấm gương tiêu biểu là những anh hùng, võ tướng, nhà cách mạng như: Mai Thúc Loan, Đặng Tất - Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiếp, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng cùng rất nhiều anh hùng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc...
Thế hệ trẻ hôm nay cũng tự hào và biết ơn các thế hệ đi trước đã viết nên truyền thống hiếu học của quê hương Hà Tĩnh. Đó là cha con song trạng Sử Hy Nhan - Sử Đức Huy, anh em Tiến sĩ Lê Quảng Ý - Lê Quảng Chí, Lê Sỹ Bàng - Lê Sỹ Triêm, Thám hoa Đặng Bá Tĩnh, Vũ Diệm, Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh, các danh nhân tiêu biểu như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Bùi Cầm Hổ... Bên cạnh những danh nhân, Hà Tĩnh có vô số “ông đồ Nghệ” cần cù, khổ học. Giáo sư Phong Lê - nhà phê bình, nghiên cứu văn học từng nhận xét: “Ông đồ Nghệ với hình ảnh con cá gỗ là biểu hiện cho tinh thần hiếu học, cũng là biểu hiện của tính gàn. Tính gàn không phải là một cái gì đó xấu xa, nó là một cá tính đặc trưng của người Nghệ, đó là cái ngông của kẻ sĩ, của người có học...”.
Kế thừa truyền thống đó, ngày nay thế hệ trẻ Hà Tĩnh đang tiếp tục viết tiếp những trang sử mới thấm đẫm tính thời đại với những thành tích mới. Đó là những tấm huy chương vẻ vang tại các kỳ thi quốc tế với những tên tuổi như: Trịnh Kim Chi - HCV Olympic Toán Đông Nam Á năm 1998; Lê Nam Trường - HCB Olympic Toán quốc tế năm 2006; Võ Anh Đức - HCV Olympic Toán quốc tế năm 2013; Nguyễn Thị Việt Hà - HCĐ Olympic Toán quốc tế năm 2015; Phan Nhật Duy - HCV Olympic Toán học quốc tế năm 2017; Nguyễn Đình Đại - HCB Olympic Tin học châu Á năm 2017. Gần đây nhất, câu chuyện về gia đình 2 cậu học trò nghèo cùng ở huyện miền núi Hương Sơn: Phan Nhật Duy (xã Sơn Tiến) giành HCV Kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2017 và Phan Xuân Hành (xã Sơn Lâm), giải nhất quốc gia môn Hóa, thành viên đội tuyển Hóa học Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2022 đã cho thấy tinh thần hiếu học, vượt khó của người Hà Tĩnh được tiếp nối, phát huy trong giai đoạn mới. “Chứng kiến cuộc sống vất vả của bố mẹ và những người nông dân quê mình, nên mặc dù rất khó khăn nhưng từ nhỏ em đã tự vạch hướng đi là phải cố gắng học tập để sau này thay đổi cuộc sống bản thân, giúp đỡ bố mẹ và góp phần làm rạng danh cho vùng đất nghèo hiếu học” - em Phan Xuân Hành chia sẻ về hành trình vượt khó.
...
Hà Tĩnh còn nổi tiếng là đất thi nhân với nhiều nghệ sỹ tài hoa làm rạng danh đất Việt. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trữ tình và những nét tính cách riêng có, đất và người Hà Tĩnh đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật. Nhiều ý kiến đã khẳng định rằng, văn hóa Hà Tĩnh có sức hút say lòng người, lay thức nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng trong cả nước để viết nên nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc.
Ông Trần Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Rất nhiều cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu đều khẳng định, văn hóa có một đặc tính rất đặc biệt là càng được khai thác, sử dụng thì giá trị sẽ ngày càng gia tăng, còn nếu không khai thác, sử dụng thì các giá trị đó sẽ dần mai một, mất mát theo thời gian. Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa phải song hành với xây dựng những giá trị văn hóa mới trong thời kỳ hội nhập, đảm bảo “hòa nhập nhưng không hòa tan”, giữ gìn được bản sắc để phát triển bền vững. Đó cũng chính là cách mà Hà Tĩnh đã, đang và sẽ thực hiện nhằm khai thác mạnh mẽ hơn các giá trị văn hóa truyền thống”.