Nhân lên truyền thống hiếu học

Năm nay tuổi đã cao, thế nhưng ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) - người vinh dự được Bác Hồ chọn vào Đội Nhi đồng cứu quốc năm xưa vẫn có thể kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện lịch sử bằng giọng hào sảng.

Ông bảo, dòng họ Hoàng, dân tộc Tày ở Tân Lập đã có 22 đời gắn bó tại mảnh đất chiến khu này. Phát huy truyền thống cách mạng cũng như lòng yêu nước nồng nàn, các gia đình trong dòng họ lấy việc bảo ban con cháu học tập trở thành việc làm thường xuyên. Thế hệ trẻ cũng noi gương thế hệ đi trước phấn đấu học tập, đạt được nhiều thành tích cao.

Ông Hoàng Ngọc tuổi đã cao nhưng vẫn cần mẫn lao động, trở thành gương sáng cho con cháu noi theo.

Ông Hoàng Ngọc tuổi đã cao nhưng vẫn cần mẫn lao động, trở thành gương sáng cho con cháu noi theo.

22 đời không có người bỏ học

Ông Hoàng Ngọc năm nay 89 tuổi, là người cao tuổi của dòng họ Hoàng thôn Tân Lập được các thế hệ con cháu tôn trọng và kính mến. Đã qua tuổi cổ lai hy, râu tóc bạc phơ, mắt mờ, chân chậm, thế nhưng ông vẫn miệt mài ngồi đan những chiếc mẹt, giá, rổ truyền thống. Ông bảo: Có người nói với tôi, ông được Nhà nước nuôi, việc gì phải lọ mọ làm cho khổ. Thế nhưng tôi bảo, còn sống thì tôi còn làm việc, còn lao động. Giờ già yếu không làm được những việc nặng nhọc thì tôi làm những việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Ông cha đã dạy “còn sức còn cống hiến”, mình gương mẫu thì thế hệ sau mới nhìn theo mà cố gắng học tập, làm việc.

Dòng họ Hoàng ở Tân Lập vốn từ Lạng Sơn về đây sinh sống, làm ăn, học tập. Hơn 200 năm lập nghiệp, xây dựng cơ đồ, các cụ xưa vẫn truyền lại những câu chuyện dùi mài kinh sử, thi tài đỗ đạt, đăng khoa bảng vàng từ đời xưa. Nhiều cụ giữ chức vụ quan trọng như Chánh tổng, Lý trưởng... Từ đời này qua đời khác, truyền thống học tập quý báu của dòng họ Hoàng được các thế hệ con cháu giữ gìn và phát huy. Truyền thống hiếu học nơi đây cũng trở thành mạch nguồn thắp sáng tương lai, nuôi dưỡng niềm tin và lòng tự hào cho thế hệ trẻ.

“22 đời dòng họ Hoàng chúng tôi không có người bỏ học” - anh Hoàng Quang Đạo, Trưởng dòng họ Hoàng ở Tân Lập chia sẻ với giọng đầy tự hào. Đến nay trong thôn có 74 hộ, 315 nhân khẩu, 98 con cháu thuộc họ Hoàng đang trong độ tuổi đi học. Đối với các gia đình trong dòng họ, việc học chữ, học lễ nghĩa cũng như các bài học đạo lý làm người được coi là nền tảng vững chắc cho tương lai. Gia đình này làm gương cho gia đình kia, thế hệ đi trước làm gương cho thế hệ sau phấn đấu học tập. Và ngay cả khi đỗ đạt, con cháu dòng họ Hoàng vẫn không ngừng trau dồi, mở mang tri thức, coi việc học là việc thường xuyên, liên tục.

Ngoài việc học tập ở trường lớp, con cháu dòng họ Hoàng không ngừng mở mang tri thức, tìm hiểu về truyền thống lịch sử của gia đình, dòng tộc và quê hương. Trong ảnh: Di tích nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945.

Ngoài việc học tập ở trường lớp, con cháu dòng họ Hoàng không ngừng mở mang tri thức, tìm hiểu về truyền thống lịch sử của gia đình, dòng tộc và quê hương. Trong ảnh: Di tích nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945.

Phát huy truyền thống

Những bậc cao niên trong dòng họ Hoàng ở Tân Lập cũng thường kể lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” nhằm nhắc nhở con cháu phải biết yêu chữ, kính thầy, giữ gìn nền nếp gia phong, chăm lo cho việc học. Năm 2009, dòng họ Hoàng thành lập quỹ khuyến học để kịp thời khen thưởng, động viên con cháu có thành tích cao trong học tập. Đến nay, quỹ khuyến học của dòng họ duy trì gần 200 triệu đồng.

Trưởng họ Hoàng ở Tân Lập Hoàng Quang Đạo bảo rằng: cứ tháng 9 hàng năm, dòng họ lại tổ chức họp họ, con cháu ở xa cũng sắp xếp công việc để trở về tham dự sự kiện mỗi năm một lần. Anh em dòng họ quây quần bên nhau, cùng chia sẻ về một năm qua và tổng kết quá trình học tập, thi cử của các cháu. Quỹ khuyến học ra đời không chỉ vinh danh con em học giỏi, thi đỗ đạt, đạt các thành tích cao trong học tập mà còn góp phần động viên, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học trong toàn thể con cháu. Đây cũng là dịp để các trí thức thành đạt trong dòng họ chia sẻ kinh nghiệm học tập, định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tạo cầu nối cũng như mối liên hệ mật thiết gắn bó giữa các con cháu, gia đình trong dòng họ.

Nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời, trong suốt những năm qua, dòng họ Hoàng ở Tân Lập đã trở thành điểm sáng trong công tác khuyến học. Đến nay dòng họ có nhiều con cháu đỗ đạt và học tập tại các trường đại học danh tiếng như em Hoàng Thị Quỳnh Nga, Hoàng Kỳ Khôi học Đại học Luật Hà Nội, Hoàng Văn Duy học Học viện Ngân hàng Hà Nội... Nhiều con cháu cũng đạt thành tích cao trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Dòng họ có nhiều cá nhân đang công tác tại Huyện ủy Sơn Dương, Ngân hàng Chính sách, Tòa án nhân dân, Công an huyện...

Trưởng thôn Tân Lập Bế Văn Dự bảo rằng, Tân Trào vốn thấm đẫm lịch sử và tình người. Dòng họ Hoàng ở Tân Lập cũng là dòng họ nổi tiếng với căn nhà sàn của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8-1945; “người kể sử” Hoàng Ngọc, vinh dự được Bác Hồ chọn vào Đội Nhi đồng cứu quốc. Phát huy truyền thống cách mạng quý báu, con cháu dòng họ hoàng ra sức phấn đấu rèn luyện, học hành tấn tới và trở về xây dựng, phát triển quê hương, được bà con lối xóm kính trọng, yêu mến.

Phát huy truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, dòng họ Hoàng ở Tân Lập đã được nhận danh hiệu “Dòng họ học tập” cao quý. Đây là niềm vinh dự và tự hào của con cháu trong dòng họ, tạo động lực để dòng họ tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, để việc học trở thành nền tảng vững chắc giúp mỗi cá nhân vươn lên chinh phục tri thức, xây dựng đời sống mới trên quê hương cách mạng.

Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhan-len-truyen-thong-hieu-hoc-209891.html