Nhân lên ý nghĩa lịch sử của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long
Ngày 5/1, tại thị xã Phước Long, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học 'Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long.
Hội thảo với 33 tham luận của Trung ương, Quân khu, Quân đoàn 4, cựu chiến binh, nhà khoa học; các sở, ngành, địa phương, nhân chứng lịch sử... đề cập đến nhiều chủ đề, nội dung, khía cạnh khác nhau. Trong đó, nhiều bài viết có hàm lượng thông tin, luận cứ khoa học được gửi đến hội thảo, cùng nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, của các tướng lĩnh, chỉ huy,… Đặc biệt, hội thảo còn có tham luận, ý kiến của các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Phước Long.
Chiến thắng Đường 14 - Phước Long, quân và dân ta giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh. Một tỉnh trên chiến trường miền Đông Nam Bộ hoàn toàn giải phóng, đánh dấu cuộc đọ sức giữa ta và địch nhất là sức mạnh giữa chính nghĩa và phi nghĩa, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Chiến thắng Đường 14 - Phước Long không chỉ mở toang cửa ngõ Sài Gòn, khả năng chống đỡ tuyệt vọng của một đội quân tay sai trên dưới 1 triệu tên đang dao động, hoang mang cực độ trước quả đấm sấm sét của Binh đoàn chủ lực mà Quân đoàn 4 là lực lượng chủ công và thế trận chiến tranh Nhân dân đang bừng bừng chiến đấu, quyết tâm chiến thắng Mỹ - Ngụy. Chiến thắng mang ý nghĩa là “Đòn trinh sát chiến lược”, là thực tiễn lớn để thăm dò sức chiến đấu, đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng quân Mỹ có can thiệp trở lại miền Nam khi quân ta đánh lớn hay không.
Thực tế, sau chiến thắng Đường 14 - Phước Long cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ. Sau chiến thắng, thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam nói chung và miền Đông Nam Bộ nói riêng càng lớn mạnh, làm xoay chuyển cục diện chiến trường, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường Nam Bộ.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng (nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là 1 trong 3 chiến dịch có nhiệm vụ thăm dò chiến lược, trong đó có yêu cầu trinh sát chiến lược, phục vụ trực tiếp cho mở đầu Đại thắng mùa xuân giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Chiến dịch kết thúc với việc địch cam chịu thất thủ hoàn toàn tại tỉnh Phước Long, làm bộc lộ toàn bộ kết quả thất bại trong 6 năm kéo dài chiến tranh.
Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Đội Trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972 - 1975) chia sẻ: Chiến thắng Phước Long ngày 6/1/1975 đã trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đây là lần đầu tiên quân và dân ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh lỵ ở miền Nam, đánh dấu bước ngoặt lớn, phá tan tuyến phòng thủ phía Bắc của địch, tạo tiền đề cho các chiến dịch tiếp theo, dẫn đến thắng lợi cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến thắng này không chỉ mang ý nghĩa lớn lao về quân sự mà còn trên nhiều phương diện khác. Đây là minh chứng rõ nét quân và dân ta đủ khả năng giành thắng lợi quyết định ở các trận đánh lớn. Chiến thắng mang ý nghĩa lớn lao không chỉ về quân sự mà còn trên nhiều phương diện khác. Đây là minh chứng rõ nét thời cơ chiến lược để đảng ta và quân đội ta có cơ sở hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất.
“Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ ý nghĩa của sự kiện này, cần nhìn nhận Chiến dịch Đường 14 - Phước Long như một phần của hệ thống chiến lược giải phóng miền Nam. Thực tế, trước khi chiến dịch này diễn ra, quân và dân ta đã tiến công làm tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một vùng lãnh thổ rộng lớn”, ông Nguyễn Văn Thỏa chia sẻ thêm tại hội thảo.
Kết thúc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Vũ Tiến Điền cho biết, Hội thảo góp phần, cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn quan trọng nhằm khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long; sự lãnh đạo tài tình của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và Đảng bộ tỉnh Bình Phước; tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của bộ đội chủ lực, quân và dân các dân tộc sẽ mãi là bản anh hùng ca bất diệt, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975.
Hội thảo cũng góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Phước, thị xã Phước Long sau 50 năm chiến thắng Phước Long; tự hào là địa phương anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, nghĩa tình, năng động, phát triển trong hiện tại và tương lai.