Nhân loại cần đoàn kết để vượt qua đại dịch và đối phó với nhiều thách thức trong tương lai
Tuần lễ cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành. Tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức toàn cầu lớn nhất này đã khẳng định, các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ, nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn.
Lý tưởng hòa bình, công lý, bình đẳng và phẩm giá nhằm hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn
Phát biểu khai mạc buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 Voncan Bozkir điểm lại những thành tựu của Liên hợp quốc trong thời gian qua cũng như tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trên thế giới hiện nay.
“Không có tổ chức toàn cầu nào có tính hợp pháp và ảnh hưởng cũng như mang lại hy vọng cho mọi người về một thế giới tốt đẹp hơn như Liên hợp quốc. Trong lúc chúng ta bắt đầu khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc, tôi kêu gọi thế giới hành động một cách nghiêm túc. Liên hợp quốc chỉ mạnh khi các nước thành viên cam kết mạnh mẽ với nhau và với các lý tưởng của Liên hợp quốc. Bây giờ là lúc các quốc gia thành viên huy động các nguồn lực, củng cố các nỗ lực và thể hiện ý nguyện và lãnh đạo chính trị nhằm đảm bảo tương lai mà chúng ta mong muốn và Liên hợp quốc chúng ta cần”.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký Liên hợp quốc - Antonio Guterres cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc - Antonio Guterres: “Các lý tưởng của Liên hợp quốc bao gồm hòa bình, công lý, bình đẳng và phẩm giá nhằm hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn. Ngày nay chúng ta có rất nhiều thách thức đa phương nhưng lại thiếu các giải pháp đa phương. Chúng ta cần chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn với 1 tầm nhìn, hoài bão và tầm ảnh hưởng. Chủ quyền quốc gia, một trụ cột của Liên hợp quốc, luôn đi cùng với tăng cường hợp tác quốc tế dựa trên những giá trị và trách nhiệm chung nhằm đạt được sự tiến bộ cho tất cả. Trong một thế giới liên kết, chúng ta cần một mạng lưới đa phương với sự hợp tác hiệu quả và chặt chẽ của Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, và các khối thương mại. Chúng ta cũng cần một chủ nghĩa đa phương bao trùm với sự tham gia của xã hội dân sự, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và giới trẻ".
Tinh thần hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức chung
Sau buổi lễ, các đại biểu đã thông qua tuyên bố kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc. Tuyên bố nêu rõ đại dịch Covid-19, thách thức toàn cầu lớn nhất trong lịch sử Liên hợp quốc, không chỉ gây nên sự chết chóc mà còn khiến cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế, gia tăng tình trạng đói nghèo, bất an và không có ai không bị ảnh hưởng. Nhưng chính đại dịch cũng nhắc nhở tất cả nhân loại rằng mọi người đều kết nối với nhau, có tác động tương hỗ tới nhau và vì vậy, cần đoàn kết để vượt qua đại dịch và xây dựng năng lực đối phó với nhiều thách thức hơn nữa trong tương lai.
Tuyên bố khẳng định sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh nhân loại đang vươn tới một thế giới bình đẳng hơn và phát triển bền vững hơn. Thế giới cần học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thông tin nhằm giảm thiểu rủi ro và khiến các hệ thống xã hội thích nghi tốt hơn với những thách thức, bất trắc. Mặt khác, thế giới cần nhanh chóng phát triển và sản xuất các loại vaccine mới, thuốc men và trang thiết bị y tế cần thiết, cũng như đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều có quyền tiếp cận những loại thuốc và trang thiết bị này.
Từ ngày 21-9 tới ngày 2-10, tuần lễ cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc bao gồm các phiên Thảo luận chung và các sự kiện cấp cao bên lề khác diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Các nội dung thảo luận bao gồm tình hình ở Lebanon, hợp tác số, biến đổi khí hậu, quyền con người và thách thức quản trị, dịch bệnh Covid-19, đa dạng sinh học, và kỷ niệm và thúc đẩy ngày quốc tế chống vũ khí hạt nhân. Dự kiến, khoảng 180 nguyên thủ các nước sẽ lần lượt đưa ra phát biểu trực tuyến tại hội nghị và mỗi nước thành viên Liên hợp quốc chỉ được phép cử một đại diện ngoại giao từ phái đoàn thường trực của mình tham dự trực tiếp tại phòng họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.