Nhân ngày gia đình Việt Nam 28.6: Gia đình là nơi sẻ chia

Cảm nhận không khí gia đình với nhiều yêu thương, đầm ấm là mong muốn của nhiều người, nhất là sau những lo âu, trở ngại từ đợt dịch vừa qua. Đi qua những khó khăn, mọi người như thêm quý trọng hơn tình cảm gia đình.

Phút giây thư giãn của gia đình chị Kiều.

Phút giây thư giãn của gia đình chị Kiều.

Làm bạn cùng con

Chị Võ Thị Thúy Kiều (39 tuổi, ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) chia sẻ về những đổi thay trong gia đình mình, nhất là sau khi trải qua đợt dịch vừa rồi. Đó là có thêm nhiều sự trân trọng đối với tình cảm gia đình.

Theo chị Kiều, khi dịch bệnh xảy ra, chồng chị không đi dạy, các con không đi học nên gia đình gần gũi, thường quây quần cùng nhau, tạo không khí gắn kết giữa các thành viên. Nhiều nếp sinh hoạt gia đình cũng thay đổi và duy trì đến hiện tại như bữa cơm phải luôn đủ mặt các thành viên; vợ chồng chị cũng dành nhiều thời gian quan tâm đến các con- nhất là trong giai đoạn các con đang tuổi dậy thì; cuối tuần thì dành chút thời gian đi đâu đó cùng nhau.

Chị Kiều chia sẻ, những việc này trước đây gia đình có làm nhưng không thường xuyên vì mỗi người có việc riêng. Chị Kiều thường lo cơm nước và làm việc trong lúc chồng đi dạy, con đi học. Có thời gian, chị tham gia các hoạt động của Hội LHPN xã. Hiện tại, những bữa cơm gia đình luôn có đủ mặt mọi người, không khí đầm ấm, vui vẻ hơn vì mọi người đều chia sẻ những chuyện vui hay điều tốt. Những lo âu hay răn dạy con cái, anh chị không còn mang vào bữa cơm của gia đình như trước đây.

Gia đình chị Kiều thường được địa phương chọn làm đại diện tham gia các hoạt động, hội thi văn hóa, văn nghệ. Chị Kiều cho biết, tham gia các hội thi ngoài việc được củng cố kiến thức về xây dựng gia đình, bình đẳng giới còn giúp mọi thành viên trong gia đình có sự ăn ý, đoàn kết hơn trong cuộc sống.

Với con cái, chị phải thay đổi cách dạy cho phù hợp, thường góp ý nhẹ nhàng để con sửa đổi. Nhờ vậy, chị Kiều trở thành “người bạn lớn” để chia sẻ, tâm sự với con. Không khí thoải mái từ người mẹ cho các con chị thêm tự tin, mạnh dạn sẻ chia mọi niềm vui, khó khăn trong cuộc sống. Chị nói: “Trước đây, tôi hiểu chưa đúng về dạy con nhưng sau này nghĩ thoáng hơn, tôi thay đổi cách quan tâm. Nhờ gần gũi, lắng nghe các con mà mình có thể kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ để chấn chỉnh cho con. Tôi vui vì các con rất ngoan ngoãn, biết nghe lời”.

Khi nhận được những chia sẻ, băn khoăn của con về trường lớp, bạn bè, chị vui lắm. Vợ chồng chị luôn muốn tạo môi trường thoải mái cho con mình lớn lên, tập cho con tính tự lập, không bao bọc khiến con thụ động, không mạnh dạn khi giao tiếp bên ngoài. Nhìn thấy con tiến bộ, biết dũng cảm xin lỗi hay sửa sai, chị rất vui, đôi khi cả rơi nước mắt vì hạnh phúc.

Không chỉ vun vén cho gia đình nhỏ của mình, thời gian qua, vợ chồng chị Kiều còn quan tâm nhiều hơn đến ba mẹ hai bên để cùng san sẻ yêu thương. “Qua những ngày khó khăn, thấy người thân vẫn còn bình an với chúng tôi là một niềm hạnh phúc, rất đáng trân trọng”.

Gia đình chị Hạnh ngày càng thêm gắn bó.

Gia đình chị Hạnh ngày càng thêm gắn bó.

Gắn kết tình thân

Với chị Võ Thị Mỹ Hạnh, 30 tuổi, ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh, đợt dịch vừa qua như một cơ hội thay đổi, giúp vợ chồng chị có thời gian dành cho gia đình, ba mẹ hai bên.

Đợt dịch vừa qua, chị Hạnh về quê sinh con đầu lòng, chồng chị thì vẫn đi về giữa TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh. Được gần gũi gia đình, chị dần thay đổi ý định. Chị chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng nhớ không khí làm việc tại TP.Hồ Chí Minh lắm, nhưng nhiều ngày ở cạnh gia đình tôi dần quen và không có ý định quay trở lại”.

Vợ chồng chị Hạnh đã cùng về Tây Ninh xin việc làm. Chuyển về sinh sống cạnh gia đình, điều vợ chồng chị Hạnh vui mừng nhất là được sống gần những người thân, có cơ hội gắn kết với mọi người, lại thêm an tâm chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Vợ chồng chị lại được sống cùng nhau, không còn nhiều khoảng cách như trước đây, cuộc sống vui hơn hẳn.

Chị Hạnh bày tỏ: “Đương nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi có nhiều cơ hội cho mình phát triển hơn nhưng chúng tôi chọn gia đình, chọn sinh sống ở quê. Được ở cạnh những người thân là điều hạnh phúc. Và may mắn, là ở quê tôi đã tìm được việc phù hợp với chuyên môn, sở thích của mình”.

Trải qua đợt dịch một cách bình an, chị Hạnh lại càng trân quý tình cảm gia đình, và dành cho người thân nhiều tình yêu thương nhau hơn. Với chị, đây là cơ hội mình dành cho gia đình. Lần đầu tiên sau ngày cưới, vợ chồng chị Hạnh cùng tổ chức một chuyến du lịch cùng ba mẹ hai bên để gắn kết tình thân.

Tham gia du lịch cùng nhau, mọi thành viên trong gia đình rất vui. Chị chia sẻ: “Tôi hy vọng mình sẽ có thêm nhiều chuyến đi chung với gia đình, để có thêm nhiều thời gian cho gia đình hơn. Ba mẹ còn khỏe, không biết khi nào sẽ không thể đi cùng mình nên tôi luôn trân trọng những gì của hiện tại. Ba mẹ dành cả đời chăm lo cho các con nên dành chút thời gian bên gia đình, bên ba mẹ là điều chúng ta nên làm”.

Những ngày còn bận rộn với công việc, phải ở xa, chị Hạnh thừa nhận mình rất ít khi có dịp gần gia đình cùng nhau ăn bữa cơm, tự tay nấu bữa cơm cho ba mẹ mình và ba mẹ chồng. Cũng nhờ dịp này, chị có những thay đổi để gần gũi hơn với gia đình, được nghe và học hỏi thêm những điều hay ở người thân từ những việc nhỏ thường ngày. Đó là những lần cùng ăn bữa cơm, chia sẻ những câu chuyện vui trong công việc, chia sẻ cách nuôi dạy con.

Chị Hạnh cho biết mình may mắn được sống trong gia đình có ba mẹ biết cảm thông, luôn động viên các con được sống thoải mái, thỏa sức với đam mê.

Vi Xuân - Ngọc Bích

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhan-ngay-gia-dinh-viet-nam-28-6-gia-dinh-la-noi-se-chia-a146710.html