Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình văn hóa - nơi lan tỏa yêu thương

Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các địa phương, thôn, bản, tổ dân phố, gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tích cực thực hiện. Mỗi làng quê, khu phố ngày càng có thêm nhiều gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tích cực hưởng ứng

Ở tổ dân phố 4B, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang), việc xây dựng GĐVH được các hộ hưởng ứng. Vào Chủ nhật, mỗi gia đình cử 1 người tham gia vệ sinh môi trường ở các ngõ, nơi công cộng. Bà Lê Thị Kim Nghi hiện là Tổ trưởng tổ dân phố 4B. Gần 15 năm công tác ở tổ dân phố, bà Nghi luôn nêu cao trách nhiệm, sẵn sàng gánh vác, hoàn thành xuất sắc công việc cấp trên giao. Trong các phong trào quyên góp, ủng hộ, gia đình bà luôn gương mẫu đi đầu, đồng thời tích cực vận động các hộ khác tham gia.

Gia đình bà Lê Thị Kim Nghi, tổ dân phố 4B, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) nhiều năm đạt gia đình văn hóa.

Gia đình bà Lê Thị Kim Nghi, tổ dân phố 4B, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) nhiều năm đạt gia đình văn hóa.

Ngày 22/6 vừa qua, gia đình bà là 1 trong 10 gia đình tiêu biểu được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ông Vi Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Nguyên Hãn cho biết: Các tiêu chí như thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, vệ sinh môi trường, chính sách dân số; chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; phát triển kinh tế gia đình từ nguồn thu nhập chính đáng... được phường đẩy mạnh tuyên truyền; kịp thời biểu dương các gia đình tiêu biểu để nhân rộng. Hằng năm, tỷ lệ danh hiệu GĐVH hóa của phường đạt từ 93-94%.

Nhiều năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Ninh ở thôn Chằm, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) đạt danh hiệu GĐVH, được nhiều cấp, ngành biểu dương. Bà Ninh là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn đến nay đã 22 năm. Vợ chồng bà có 5 người con, hiện đều đã trưởng thành, làm việc ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà nhưng các thành viên luôn hòa thuận, cùng vun đắp gia đình hạnh phúc. Nay vợ chồng ông bà đều ngoài 60 tuổi song vẫn chịu khó làm vườn, mỗi năm thu nhập hơn 250 triệu đồng.

Ông bà luôn gương mẫu trong mọi phong trào do địa phương phát động, năng nổ tham gia các buổi lao động công ích, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), thôn kiểu mẫu, làng văn hóa điển hình. Gia đình bà từng được xã chọn làm điểm tổ chức đám cưới tiết kiệm, văn minh.

“Vợ chồng tôi quan niệm, để xây dựng GĐVH, trước hết các thành viên phải đoàn kết, thương yêu, tôn trọng nhau. Cha mẹ phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để các con học tập, noi theo”, bà Ninh nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng chất lượng phong trào

Là nội dung quan trọng của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thời gian qua, phong trào xây dựng GĐVH được các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Đại diện các gia đình tiêu biểu tham gia chương trình tọa đàm "Gia đình hạnh phúc - Chia sẻ và yêu thương" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức ngày 22/6. Ảnh: Ngọc Anh.

Đại diện các gia đình tiêu biểu tham gia chương trình tọa đàm "Gia đình hạnh phúc - Chia sẻ và yêu thương" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức ngày 22/6. Ảnh: Ngọc Anh.

Ngoài triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án số 216, ngày 31/7/2020 về nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung nâng cao chất lượng GĐVH. Tập trung xây dựng các điển hình như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Gia đình học tập, dòng họ học tập”; “Gia đình nông dân làm kinh tế giỏi”. Từ đó thúc đẩy phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa, trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình.

Việc xây dựng GĐVH còn tạo nền tảng để chăm lo tốt cho trẻ em, người cao tuổi, lan tỏa tình yêu thương, tinh thần đoàn kết; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua ở cơ sở.

Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 426 nghìn hộ đạt danh hiệu văn hóa (đạt 91,9%), trong đó có gần 331 nghìn hộ đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục trở lên và có hơn 9 nghìn hộ GĐVH tiêu biểu xuất sắc được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đơn cử ở xã Cao Xá (Tân Yên), toàn xã có 25 thôn với hơn 13 nghìn dân, phần lớn các hộ làm nông nghiệp. Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng các danh hiệu văn hóa, trong đó có GĐVH, giao nhiệm vụ cụ thể cho trưởng ban, ngành, đoàn thể chịu trách nhiệm trước cấp ủy phần việc được phân công, phụ trách các thôn, xóm để thực hiện các tiêu chí.

Hay ở xã Trí Yên (Yên Dũng), việc xây dựng GĐVH gắn với phong trào xây dựng NTM. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, các gia đình đã hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường, xây dựng nhà văn hóa, cứng hóa kênh mương; đóng góp công sức, tiền của làm các công trình công cộng. Tháng 10/2021, xã về đích NTM sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Cuối năm 2023, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.

Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 426 nghìn hộ đạt danh hiệu văn hóa (đạt 91,9%), trong đó có gần 331 nghìn hộ đạt danh hiệu văn hóa 3 năm liên tục trở lên và có hơn 9 nghìn hộ GĐVH tiêu biểu xuất sắc được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong tổ chức thực hiện phong trào.

Đưa các tiêu chí về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; nội dung bộ quy tắc ứng xử trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình vào quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố để thực hiện. Lồng ghép phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với phong trào xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng. Tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, TDTT đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/407389/nhan-ngay-gia-dinh-viet-nam-28-6-gia-dinh-van-hoa-noi-lan-toa-yeu-thuong.html