Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nói về tương lai của nghề giáo
Trước sự phát triển thần tốc của công nghệ, nghề giáo đứng trước nhiều cơ hội rộng mở lẫn thách thức đổi mới. Thậm chí, có quan điểm lo ngại, trong tương lai, các thầy cô có thể bị thay thế bởi người máy. Liệu điều đó có trở thành sự thật?
Từ góc nhìn cá nhân của một người gắn bó với giảng đường đại học nhiều năm, tôi tin rằng, tuy công nghệ đang có những bước đi vượt bậc (đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo - AI và các nền tảng học trực tuyến đang phát triển nở rộ), nhưng nhà giáo vẫn sẽ tồn tại với giá trị và nghĩa vụ thiêng liêng của mình, chỉ là vai trò và cách thức giảng dạy sẽ phải thay đổi để thích ứng linh hoạt với đời sống thực tiễn.
Hơn cả sự truyền đạt
Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, người học hiện đại dễ dàng tiếp nhận kiến thức thông qua nhiều kênh học khác nhau.
Tài nguyên số trở thành kho kiến thức chung vô tận. Vì vậy, nhà giáo hiện đại không còn dừng lại ở nhiệm vụ là người truyền đạt kiến thức mà còn có ý nghĩa là người hướng dẫn, tư vấn, khuyến khích khơi gợi niềm đam mê học tập ở người học.
Công nghệ có thể giúp người học tiếp cận thông tin nhanh chóng, hiệu quả với những tiện ích và trải nghiệm số đa dạng, nhưng để tạo ra môi trường học tập tích cực, năng động, phát triển các kỹ năng tư duy sáng tạo, phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, ứng dụng kiến thức vào thực tế… thì vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng.
Và đặc biệt, con người luôn có nhu cầu kết nối cảm xúc và nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần trong quá trình học tập. Sự thấu cảm này, rõ ràng, chỉ có thầy cô mới là người truyền cảm hứng, định hướng và tạo ra sự gắn kết giữa người học với nội dung học.
Như vậy, công nghệ, dù phát triển tiên tiến hiện đại đến đâu, cũng chỉ dừng lại vai trò là công cụ hỗ trợ, chứ không thay thế những người thầy người cô luôn giàu lòng yêu thương đối với các thế hệ trẻ, và tràn đầy tâm huyết tận tụy cùng nghề.
Các phát minh công nghệ chỉ có thể cá nhân hóa việc học một cách hiệu quả, chứ không thể có được sự đồng cảm sâu sắc và khả năng tương tác xã hội như thầy cô mang lại cho học trò.
Luôn cập nhật những kỹ năng mới
Nhưng không vì thế mà thầy cô chủ quan ỷ lại vào sức mạnh kết nối tinh thần. Mang trong mình sứ mệnh dìu dắt thế hệ tương lai, người thầy người cô của hôm nay cũng không ngừng chuyển mình thay đổi, cùng với sự đổi thay của xã hội.
Khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, do đó, nhà giáo cũng không ngừng học hỏi và cập nhật các công nghệ mới. Kỹ năng học hỏi suốt đời sẽ là điều thiết yếu để nhà giáo có thể tiếp cận những công nghệ, phương pháp giảng dạy mới nhất.
Nhà giáo hiện đại luôn trong tâm thế sẵn sàng trang bị các kỹ năng mới để có thể chủ động thích ứng và tối ưu hóa công nghệ trong quá trình giảng dạy. Thầy cô có đầy đủ bản lĩnh chuyên môn, lòng yêu nghề để vận dụng công nghệ, thiết kế những trải nghiệm học tập số một cách nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp.
Chẳng hạn như kỹ năng quản lý, sử dụng các nền tảng học trực tuyến (Google Classroom, Microsoft Teams…) để tổ chức lớp học, giao bài tập, theo dõi tiến trình học tập; xây dựng các tài liệu học tập tương tác (video giáo dục, bài giảng multimedia (hình ảnh, âm thanh, video), quiz trực tuyến…) và sử dụng công cụ AI để có thể phân tích kết quả học tập, đưa ra phản hồi cho từng cá nhân người học.
Một trong những xu hướng phát triển của công nghệ và giáo dục hiện nay là quan điểm nghiên cứu khoa học để ứng dụng hỗ trợ giáo viên, chứ không phải để thay thế giáo viên.
Công nghệ giúp phong phú thêm phương pháp giảng dạy, cải thiện hiệu quả học tập, để giáo viên tiết kiệm công sức, có thời gian tập trung vào giảng dạy cũng như phát triển mối quan hệ, kết nối với người học.
Ở thì tương lai, công nghệ là công cụ hỗ trợ đắc lực, và con người vẫn giữ vai trò trung tâm trong giáo dục, phát triển xã hội.