Nhân quyền kiểu phương Tây
Không phải chỉ trong những năm gần đây mà đã nhiều thập niên qua, Mỹ, Pháp và một số quốc gia phương Tây luôn tự cho mình là 'thước đo về dân chủ, nhân quyền'. Không những thế, họ còn tự cho mình cái quyền được 'bảo vệ' và phán xét về tình hình nhân quyền ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Khi còn là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (từ năm 2015-2017) và là Phó cố vấn An ninh quốc gia (từ năm 2013-2015) dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Antony John Blinken, hiện là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã từng tuyên bố: 'Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ ngoại giao của chúng tôi để bảo vệ nhân quyền và buộc những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm'. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại, ở những đất nước này đã, đang xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp được phát hiện mới đây là một minh chứng.
Trước khi tìm hiểu vấn đề này, cần nhắc lại khái niệm về nhân quyền là gì? Trước hết, nhân quyền hay còn gọi là quyền con người, đó là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, quyền tự do cơ bản của con người. Như vậy, có thể khái quát, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia, quốc tế. Nói tóm lại, nhân quyền là tổng thể các mối quan hệ xã hội liên quan đến việc thực thi quyền con người, trong đó tối thượng là quyền được sống trong môi trường trong lành, an toàn, tức là được phát huy trí tuệ, năng lực của bản thân và được bảo vệ cả về tính mạng, danh dự, nhân phẩm…
Thế nhưng ở Pháp, trước tình trạng nhân quyền bị chà đạp bởi quá nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong một giai đoạn kéo dài mấy thập kỷ, nên chính Giáo hội Công giáo Pháp đã đề nghị điều tra để thực hiện một bản báo cáo độc lập, với mức chi phí lên đến 3 triệu euro. Ủy ban điều tra độc lập về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo Pháp - viết tắt là Ciase, là cơ quan thực hiện báo cáo trong hơn 2 năm, với 21 chuyên gia nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như: bác sĩ, luật gia, nhà xã hội học, sử gia… Theo báo chí phương Tây, ngày 5-10-2021, ông Jean-Marc Sauvé, Chủ tịch Ủy ban Độc lập về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo Pháp trao bản báo cáo cho Giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp và nữ tu Véronique Margron, Chủ tịch Hội đồng các tu sĩ nam nữ Pháp. Báo cáo này dài 500 trang, với 1.500 trang phụ lục về nạn lạm dụng tình dục trẻ em từ năm 1950-2020, với tên gọi là “Báo cáo Sauvé”.
Kết quả của cuộc điều tra độc lập này đã phát hiện khoảng 216 ngàn trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo Pháp từ năm 1950-2020. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, nếu như tính thêm vào con số 216 ngàn này những ai bị lạm dụng tình dục bởi những người không theo đạo nhưng có tham gia hoạt động của giáo hội, chẳng hạn các tình nguyện viên dạy về tôn giáo, người làm việc tình nguyện trong các cơ sở đào tạo công giáo… thì số nạn nhân phải lên đến 330 ngàn người. Để có kết quả nêu trên, Ủy ban điều tra này đã phải lắng nghe các nạn nhân cùng nhân chứng, nghiên cứu tài liệu lưu trữ của nhà thờ, tòa án, cảnh sát và báo chí từ những năm 1950. Và điều Ủy ban điều tra không ngờ tới là Giáo hội Công giáo Pháp không những không thực hiện các biện pháp ngăn chặn mà còn nhắm mắt làm ngơ, không báo cáo vụ việc và đôi khi cố ý để trẻ em tiếp xúc với kẻ lạm dụng. Vì lẽ đó, Đức tổng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã phải công khai bày tỏ rằng đây là “sự hổ thẹn và kinh hoàng” và ông “mong muốn cầu xin sự tha thứ từ mỗi người trong số họ”.
Thế nhưng, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Pháp mà còn ngay tại Ý - nơi có Thành quốc Vatican. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trước tình trạng các vụ ấu dâm của giáo sĩ công giáo, Tòa thánh Vatican đã đề cập tới các vụ án, điều tra, truy tố, xét xử và những cáo buộc về lạm dụng tình dục trẻ em đối với nhiều linh mục và thành viên dòng tu của Giáo hội Công giáo Roma, bắt đầu từ thập niên 1980. Đối tượng của các vụ án xâm hại tình dục này là các trẻ em nam, nữ và phần lớn ở độ tuổi từ 11-14. Cuộc khủng hoảng này gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của giới lãnh đạo Giáo hội Công giáo Roma. Trong những năm 2001-2010, Tòa thánh Vatican đã xem xét các cáo buộc liên quan tới 3.000 linh mục xảy ra trong vòng 50 năm, phản ánh các tình trạng lạm dụng kéo dài và thường được che đậy nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Có lẽ cũng chính vì tình trạng nêu trên nên vào đầu năm nay, Giáo hoàng Francis đã công bố việc sửa đổi Luật Giáo hội La Mã để hình sự hóa hành vi lạm dụng tình dục, đánh dấu lần điều chỉnh lớn nhất hàng chục năm qua. Theo đó, việc lạm dụng tình dục, dụ dỗ trẻ vị thành niên, tàng trữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em và che giấu hành vi lạm dụng đều bị coi là hành vi phạm tội theo Giáo luật. Còn theo như những quy định trước đây thì chỉ khi linh mục nào, kể cả những giáo dân cộng tác cho giáo hội, có những hành vi lạm dụng tình dục - không chỉ đối với trẻ vị thành niên mà cả đối với những người không có khả năng tự bảo vệ mình, người yếu thế, người tàn tật, những người mới vào tập tu - thì phải đợi đến khi tòa án phán có tội thì lúc đó giáo hội mới xem là có tội. Như vậy, với quy định mới vừa được ban hành, Tòa thánh Vatican đã thiết lập chế tài pháp lý cụ thể để bài trừ nạn ấu dâm trong hàng ngũ tu sĩ nhắm vào trẻ vị thành niên hay những người trong tình trạng yếu đuối.
Như vậy, nhiều nước phương Tây tự cho mình là thiên đường của tự do, bình đẳng, bác ái và thước đo của dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, những con số đáng hổ thẹn nêu trên đã cho thấy tất cả điều ấy. Bởi lẽ, dân chủ và nhân quyền không nằm trong những lời tuyên bố mà phải được chứng minh bằng thực tế như ở Việt Nam. Đó là mọi người dân được tự do, ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ngày nay, giá trị này đã và đang từng bước được nâng lên mức cao hơn, đó là mọi người sống bình đẳng, ai cũng được ăn ngon, mặc đẹp, được học lên cao hơn. Đây chính là vấn đề cốt lõi nhân quyền của Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là đạo lý, là lẽ sống giản dị, chân tình của người dân Việt Nam và là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, những ai tự nhận mình là tốt, là đẹp, là người có lương tâm, biết sống vì con người… thì xin đừng nhân danh, giả danh, giả nghĩa làm hoặc dung túng cho những điều phi nhân tính.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/130063/nhan-quyen-kieu-phuong-tay