Nhân quyền luôn là lĩnh vực tuyên truyền được chú trọng
Chiều 25/7, Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) do ông Phạm Minh Giang - Phó Cục trưởng đã có buổi làm việc với Báo Lâm Đồng về công tác tuyên truyền trong vấn đề nhân quyền và các thông tin đối ngoại.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết: Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Báo Lâm Đồng đã xuất bản 390 kỳ báo, trong đó năm 2018 xuất bản 259 kỳ và 6 tháng đầu năm 2019 xuất bản 131 kỳ. Bình quân mỗi kỳ Báo Lâm Đồng xuất bản có 7 bài, 9 ảnh và 11 tin; mỗi tháng khoảng 21 kỳ báo, tương đương 147 bài, 189 ảnh và 231 tin; và mỗi năm sẽ là 1.764 bài, 2.268 ảnh và 2.772 tin… Tính chung trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Báo Lâm Đồng đã sản xuất và đăng tải khoảng 2.646 bài, 3.402 ảnh và 4.158 tin.
Trang Thông tin Điện tử Lâm Đồng (nay là Báo Lâm Đồng Điện tử) ngoài việc cập nhật toàn bộ thông tin từ báo in, bình quân mỗi ngày còn tổ chức sản xuất và khai thác khoảng 15 tin, 2 bài, 30 ảnh, cập nhật kịp thời các vấn đề thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế; trong đó, khoảng 80% tin, bài, ảnh tự sản xuất và 20% khai thác thông tin trên internet, chủ yếu là khai thác thông tin từ TTXVN và các trang có ký kết trao đổi, khai thác thông tin với Báo Lâm Đồng. Đặc biệt, từ tháng 6/2019, Báo Lâm Đồng Điện tử đã mở chuyên mục thông tin đối ngoại, cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách của địa phương thông tin đến bạn đọc trong nước và quốc tế. Hiện tại, mỗi ngày trang Báo Lâm Đồng Điện tử thu hút khoảng 5.000 lượt truy cập, cá biệt có ngày con số này đạt trên 10.000 lượt truy cập.
Ngoài ra, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Báo Lâm Đồng còn xuất bản 18 kỳ bản Tin - ảnh Dân tộc và Miền núi Lâm Đồng, bình quân mỗi kỳ xuất bản có khoảng 18 tin và 21 ảnh, tương đương với 324 tin và 378 ảnh được sản xuất, đăng tải trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.
Theo bà Hồ Thị Lan - Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng: “Nội dung thông tin của Báo Lâm Đồng tập trung phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có các chủ trương, chính sách của các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; chính sách thu hút đầu tư của địa phương, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của Lâm Đồng. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền về nhân quyền, Báo Lâm Đồng đã chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa cao cả và giá trị của Tuyên ngôn nhân quyền, quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...
Không những thế, hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12), Ban biên tập luôn ưu tiên tuyên truyền về các vấn đề nhân quyền diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời làm rõ, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch về dân chủ, nhân quyền.
Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Báo Lâm Đồng đã có hàng chục tác phẩm đăng tải trên ấn phẩm báo in và Lâm Đồng Online với nội dung phản ánh công tác đấu tranh và phản bác nhưng thông tin sai trái của các thế lực thù địch như: Dấu ấn Tết Mậu Thân 1968; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một... chân lý ấy không bao giờ thay đổi”; Một kẻ vô ơn, bạc nghĩa; Cảnh giác với “Hội Thánh Đức Chúa Trời”; Hãy tỉnh táo trước những thông tin bịa đặt; Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng và xúc phạm; Thanh niên cần tỉnh táo trước những âm mưu “diễn biến hòa bình”; “Một không, năm có” - luận điệu của kẻ “tư duy hạt cát”; Kẻ “tiên tri” phản động; Chuyện phải đâu mới lạ; “Tại sao Mác đúng?” - một cách nhìn khoa học, công bằng về chủ nghĩa Mác ...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Giang đề nghị Báo Lâm Đồng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về Nhân quyền và Thông tin đối ngoại. Bởi đây là hai vấn đề đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Bên cạnh những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội, Báo Lâm Đồng nên mở thêm những chuyên mục cố định và chuyên đề thường xuyên lĩnh vực này.