Nhân rộng các điển hình, phát huy giá trị văn hóa gia đình
Để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa gia đình, hạn chế những hệ lụy tiêu cực, trước hết cần truyền thông một cách tích cực về những chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình, 'lấy cái đẹp dẹp cái xấu', có nghĩa nhân rộng các điển hình đang gìn giữ, phát huy được những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp.
Giá trị văn hóa gia đình đang có những biến đổi
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng nhìn một cách tổng quát, người Việt đang gìn giữ tốt những giá trị văn hóa truyền thống về gia đình.
Người ta vẫn nói rằng “gia đình là tế bào sống của xã hội”. Xã hội Việt Nam hiện là xã hội ổn định về mặt chính trị, phát triển cả về mặt kinh tế và văn hóa. Điều đó mặc nhiên khẳng định và minh chứng rằng gia đình Việt Nam đang được bảo tồn và gìn giữ những giá trị một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cũng nhìn nhận, một số giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung, trong đó có giá trị văn hóa gia đình đang có những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, tạo ra các hệ lụy cho xã hội, cộng đồng.
Một trong những biểu hiện là vấn đề bạo lực trong gia đình, không chỉ bạo lực về mặt thể lực, thể xác mà còn là bạo lực về mặt tinh thần với những biến tướng, biến thể khác nhau. Bên cạnh đó, một số phụ nữ bị lệch lạc trong quan niệm về thiên chức “người xây tổ ấm” trong gia đình. Thực tế, có những phụ nữ vì đòi quyền bình đẳng với nam giới mà quên đi vai trò xây tổ ấm - nơi sẽ níu giữ và dung dưỡng nhân cách, nhân phẩm cho con người.
Một giá trị khác cũng có những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực là khái niệm “hiếu nghĩa” trong gia đình đang bị hiểu không đúng. Trước đây, người ta quan niệm rằng con cái có hiếu là nghe lời cha mẹ, nhưng trong đời sống xã hội có giãn cách lớn giữa thế hệ con cái và cha mẹ, khi con cái được tiếp nhận một lượng tri thức rất lớn như hiện nay thì việc nghe lời cha mẹ phải được hiểu theo biểu hiện khác nhau. Con có hiếu không có nghĩa cha mẹ nói gì con cũng phải vâng theo, nhưng cũng không có nghĩa cho phép con được “ngang hàng phải lứa” với cha mẹ.
Phải truyền thông tích cực về những chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình
Hiện nay, trong xã hội đã xuất hiện nhiều trường hợp con cái bỏ bê cha mẹ, không chăm sóc hoặc thậm chí coi thường cha mẹ. Điều này làm tổn hại những giá trị của văn hóa gia đình truyền thống.
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng đánh giá, những hệ lụy trên có tác nhân từ cả khách quan lẫn chủ quan. Mặt trái của kinh tế thị trường khiến người ta coi trọng giá trị vật chất, coi nhẹ giá trị tinh thần. Kết quả là những chuẩn mực giá trị văn hóa tinh thần trong xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng bị tổn thương một cách trầm trọng. Nhiều người sử dụng thước đo giá trị vật chất để đánh giá hạnh phúc gia đình mà quên rằng giá trị tinh thần mới là cốt lõi, tinh túy.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng bởi những quan niệm về giá trị văn hóa của phương Tây tràn vào Việt Nam qua quá trình hội nhập quốc tế. Xã hội Việt Nam chuyển hóa rất mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho con người ta trở nên rất năng động, tích cực, nhưng hạn chế là rất dễ khiến hệ giá trị văn hóa truyền thống bị tổn thương, trong đó có giá trị văn hóa của gia đình.
Để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa gia đình, hạn chế những hệ lụy tiêu cực, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng trước hết phải truyền thông một cách tích cực về những chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, có nghĩa nhân rộng các điển hình đang gìn giữ, phát huy được những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp làm gương tốt. Đồng thời, phê phán và có những chế tài xử phạt đối với những người không thực hiện đúng các chuẩn mực văn hóa gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ ở các phường, xã. Các tổ chức này phải thực hiện tốt chức năng hòa giải, khơi dậy tính chủ động, tích cực của người phụ nữ trong việc bảo vệ hệ giá trị văn hóa gia đình Việt Nam.
Ngoài ra, trong trường học, ngay từ cấp tiểu học đã cần phải giáo dục học sinh để định hướng dư luận xã hội về việc đâu là những giá trị gia đình cần bảo tồn, phát huy, gìn giữ; đâu là những giá trị mới mà chúng ta cần tiếp nhận một cách sáng tạo để phù hợp với những yêu cầu thực tiễn.