Nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, an toàn
Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, an toàn đóng vai trò quan trọng, là bước tạo đà để ngành này phát triển, tăng trưởng sau những khó khăn phải đối mặt trong thời gian qua.
Ông Võ Hoàng Giang, ngụ ấp Thạnh Tân, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết, ông từ Bạc Liêu về đây lập nghiệp trên mảnh đất 3,5 ha cặp kênh Đông trước trồng mít, trồng nhãn… có sẵn ao nuôi cá. Những ngày đầu, ông nuôi heo, 20 con bò và vài ngàn con vịt. Do giá heo, bò không ổn định, ông bán hết heo, bò chuyển sang nuôi lươn, cá.
Tháng 12.2021, ông nuôi 11.000 con lươn giống, sau thả 100.000 con cá rô đầu vuông, với diện tích 1.400m2. Tất cả con giống đều mua tại trại giống thủy sản ở miền Tây Nam bộ. Sau hơn 4 tháng, ông xuất bán được 24 tấn cá thương phẩm với giá 39.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng.
Ông cho biết lươn ăn rất ít, mỗi ngày chỉ 1-2 lần, sau 10 tháng nuôi, xuất bán dần những con lươn đạt chuẩn, với giá 120.000 đồng/kg, trừ chi phí ước thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Giang khẳng định, nghề nuôi thủy sản cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa hoặc các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích, nhưng chi phí đầu tư khá cao, nên nông dân lo ngại, chưa mạnh dạn chuyển đổi.
Hiện nay, Hội Nông dân xã Truông Mít và huyện Dương Minh Châu rất quan tâm mô hình nuôi lươn - cá kết hợp, tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân phát triển mô hình, giới thiệu người nuôi tiếp cận các nguồn quỹ tín dụng; cung cấp thông tin các ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để người dân tham khảo và thực hành.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Truông Mít cho biết, nuôi lươn - cá kết hợp là mô hình khép kín, tận dụng thức ăn thừa của lươn để nuôi cá, không gây ô nhiễm nguồn nước. Mô hình này phù hợp khu vực cặp kênh Đông ở xã. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tạo điều kiện nhân rộng, triển khai mô hình này cho bà con có ao cặp kênh Đông nuôi, giúp tăng thu nhập.
Ông Phạm Văn Cò, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành có nghề tuyển chọn, nuôi thúc nghé trở thành trâu chọi bán cho thương lái phía Bắc tham gia các lễ hội chọi trâu, nhờ đó ông có thu nhập cao. “Nghề dạy nghề”, có lúc ông mua nghé về nuôi chỉ vài tháng, thương lái vào mua với giá gần 100 triệu đồng/con.
Hằng năm, thương lái mua trâu chọi đến trại ông nhiều đợt, có năm ông bán đến gần chục con. Con nào dáng không đạt, ông đưa ra bán thịt. Sau này, ông nuôi trâu sinh sản để bổ sung thêm nguồn tuyển chọn trâu chọi.
Bên cạnh đó, ông Cò nuôi bò vỗ béo vài chục con, mỗi đợt không quá 3 tháng là xuất chuồng. Mỗi đợt trừ chi phí ông thu lãi vài chục triệu đồng.
Ông Phạm Minh Thông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Hòa cho biết, Hội luôn hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, sản xuất. Hội vừa giải ngân dự án nuôi bò sinh sản với nguồn vốn 500 triệu đồng, thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò do ông Cò làm Chi hội trưởng. Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên học tập và rút kinh nghiệm.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi dê sinh sản ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, bước đầu định hướng cho người nuôi chuyển dần sang nuôi giống dê Boer lai giống bách thảo, cho năng suất cao.
Tại xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê gồm 15 hộ thành viên, tổng đàn có đến vài trăm con.
Trước đây, anh Nguyễn Văn Tiền ở ấp 4, xã Bến Củi nuôi bò sinh sản, năm 2018, anh chuyển sang xây trại nuôi dê. Khởi đầu chỉ có 6-7 con, đàn dê tăng dần, có lúc đến hơn 40 con. Anh Tiền tận dụng nguồn thức ăn từ các loại cây cỏ có sẵn quanh trại nên giảm chi phí.
Anh Trần Văn Vũ (xã Bến Củi), năm 2014 xây dựng chuồng nuôi 2 con dê cái giống Boer lai, sau 5 năm, đàn dê tăng lên hơn 50 con. Cũng như các trại dê khác, anh Vũ vừa bán dê giống, vừa bán dê thịt cho thương lái. Anh Vũ có kế hoạch xây dựng thêm chuồng trại mới, mở rộng chăn nuôi, phát triển đàn dê.
Anh Phạm Thành Công, ngụ ấp Ninh Hưng 2, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu trước đây chỉ canh tác cây lúa, cây mì, thu nhập thấp. Qua thời gian, anh tìm tòi học hỏi, bắt đầu chuyển sang chăn nuôi. Cuối 2018, anh nuôi 10 con dê giống bách thảo lai “dê cỏ”, lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả không cao.
Anh cất công tìm đến các trại nuôi dê ngoài tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai… học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, Trại dê Thành Công của anh rất kiên cố, hệ thống chuồng, máng ăn bài bản, nuôi giống dê bách thảo lai với giống Boer là chủ yếu.
Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hiền- Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, dê bách thảo là giống có thể nuôi sinh sản, nuôi lấy thịt và lấy sữa, phổ biến ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Giống dê Barbari có nguồn gốc Ấn Độ cũng được nuôi phổ biến ở nước ta, tính hiền lành, khả năng phát triển tốt.
Dê Boer là giống có nguồn gốc châu Phi, có lông màu vàng nhạt, cơ bắp đầy đặn, phát triển nhanh, thích ứng tốt điều kiện khí hậu Việt Nam. Sau nhiều lần thử nghiệm, nhiều trang trại chọn giống dê Boer để vỗ béo, phát triển kinh tế hộ.
Anh Công là một trong những hộ áp dụng kỹ thuật mới trong nuôi dê. Đến nay, trại dê có hơn 100 con, trại nuôi kiên cố, đạt quy cách trại nuôi tập trung. Vấn đề tiêu độc sát trùng, vệ sinh thú y được chủ trại thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chăn nuôi đạt ở mức cao.
Theo Trung tâm Khuyến nông, để nhân rộng mô hình, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán, áp dụng quy trình kỹ thuật và các biện pháp sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. Đồng thời khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhan-rong-cac-mo-hinh-chan-nuoi-hieu-qua-an-toan-a154894.html