Nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện Đề án 1371
Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1371/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027 (Đề án 1371)', trong đó giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và địa phương có liên quan triển khai thực hiện. Kết thúc giai đoạn 1 của Đề án, PLVN đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xung quanh việc thực hiện Đề án 1371.
Giai đoạn 1 của Đề án 1371 đã kết thúc, Thượng tướng cho biết về những dấu ấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 1 (2021 - 2024)?
- Vượt qua những khó khăn, thách thức, dưới dự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp, công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung, thực hiện Đề án 1371 nói riêng đã được cấp ủy, người chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tích cực, toàn diện, rộng khắp, hướng về cơ sở, bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Đề án 1371 Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, ban hành Quy chế hoạt động, xác định rõ cơ chế hoạt động, phối hợp và phân công cụ thể nhiệm vụ đối với từng thành viên. Tổ chức họp thảo luận, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện Đề án. Ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2024 và hằng năm, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án. Tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Đề án (Hội nghị trực tuyến 137 điểm cầu) cho trên 5.000 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương và báo cáo viên pháp luật.
Tích cực triển khai các hoạt động trọng tâm, làm điểm, phối hợp thực hiện Đề án. Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo mỗi Quân khu lựa chọn 1 tỉnh; mỗi tỉnh lựa chọn 2 đến 3 huyện; cấp Quân đoàn và tương đương lựa chọn 1 đơn vị. Các đơn vị còn lại lựa chọn ít nhất một đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện Đề án. Phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí trong truyền thông về Đề án và tổ chức các hoạt động PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo phát huy tốt vai trò của các cơ quan, đơn vị, tổ chức quần chúng trong triển khai thực hiện Đề án; kịp thời kiểm tra, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án.
Đặc biệt, phát huy vai trò của thanh niên, Ban Thanh niên Quân đội đã phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 2 và Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức Tọa đàm “Thắm tình quân dân - Thượng tôn pháp luật”, Hội thi “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Ngày hội văn hóa giao thông”, phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 9 và Tỉnh đoàn An Giang tổ chức Hội thi tuyên truyền viên trẻ với chủ đề “Tuổi trẻ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. Năm 2023, Ban đã tổ chức Cuộc thi viết tiểu phẩm “Tuổi trẻ Việt Nam xung kích, sáng tạo vận động Nhân dân chấp hành pháp luật” với 6.268 tiểu phẩm trên toàn quốc tham gia dự thi. Năm 2024, Ban Thanh niên Quân đội đã tổ chức Cuộc thi video clip “Thanh niên Quân đội xung kích thực hiện công tác PBGDPL” với 3.000 clip tham gia dự thi.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng lồng ghép kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Đề án trong kiểm tra công tác tư pháp, thanh tra, pháp chế, PBGDPL hằng năm và tổ chức đoàn kiểm tra kiểm tra chuyên sâu đến cấp cơ sở đối với một số đơn vị thuộc các Quân khu 1, 3, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Quân chủng Hải quân, Binh chủng Công binh... Qua đó, kịp thời đánh giá, hướng dẫn, rút kinh nghiệm chung trong toàn quân.
3 năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực thực hiện đa dạng hóa nội dung, hình thức PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật. Thượng tướng cho biết về kết quả thực hiện giai đoạn 1 của Đề án?
- Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các đơn vị quân đội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, phối hợp chặt chẽ với địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1 của Đề án đã đề ra, xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Qua đó, các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm; ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của Nhân dân được nâng lên đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, kiềm chế tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; xây dựng mối quan hệ quân - dân ngày càng gắn bó mật thiết; thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Tiêu biểu trong triển khai thực hiện Đề án là: Các Tổng cục Kỹ thuật, Hậu cần, các Quân khu 1, 2, 5, 9, BĐBP, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Quân đoàn 34, Binh chủng Công binh, các Binh đoàn 15, 16.
Đặc biệt, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật ở cơ sở, lực lượng BĐBP, Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam và các đơn vị đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo tổ chức hàng nghìn đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, gần 145.000 buổi tuyên truyền, PBGDPL thu hút trên 6,8 triệu lượt người nghe về chủ trương, đường lối của Đảng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản về biên giới quốc gia..., các văn bản pháp luật mới ban hành về quốc phòng, an ninh và các vấn đề có liên quan đến đời sống, xã hội, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân; âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước của thế lực thù địch, phản động...
Thưa Thượng tướng, vậy các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thực hiện giai đoạn 2 (2025 - 2027) của Đề án là gì?
- Để hoàn thành mục tiêu của Đề án “Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, thời gian tới, toàn quân tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội và chính quyền các địa phương, phấn đấu 100% các mục tiêu của Đề án được thực hiện.
Tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Đề án ở các cấp; Hội đồng phối hợp PBGDPL; Cơ quan chính trị, pháp chế và các cơ quan có liên quan trong tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; chú trọng, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Các cơ quan, đơn vị tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Bám sát vào tình hình và điều kiện thực tế, phong tục, tập quán của từng địa phương, đơn vị, xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho phù hợp; nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo.
Quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị, huy động các nguồn lực, bảo đảm công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở được triển khai toàn diện, đồng bộ. Tăng cường việc biên soạn, phát hành tài liệu, sách, báo pháp luật, các trang thiết bị cho các địa phương, đơn vị, củng cố hệ thống tủ sách pháp luật, đảm bảo có đủ các tài liệu sách, báo pháp luật phục vụ cán bộ, Nhân dân tự học tập, nghiên cứu.
Toàn quân tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền vận động Nhân dân tìm hiểu và nghiêm túc chấp hành pháp luật.
Gắn công tác PBGDPL với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, các đề án, cuộc vận động ở địa phương, đơn vị quân đội; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, đội ngũ công chức, viên chức các ngành, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội... tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!