Nhân rộng các phong trào thi đua, phù hợp với từng loại hình nghề nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn số 2 về 'Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động', Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh phải tạo ra phong trào thi đua trong Công đoàn thật sâu rộng. Từ phong trào thi đua 'Lao động giỏi - Lao động sáng tạo' phải nhân rộng ra các phong trào thi đua khác sinh động, phù hợp với các loại hình nghề nghiệp.

Chiều 30/11, tại Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, trong nội dung chương trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã diễn ra Diễn đàn chuyên đề số 2 “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động”.

Phát biểu kết luận Điễn đàn, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng cho biết có 8 ý kiến tham luận đã được ghi nhận tại Diễn đàn.

Nhìn chung, các tham luận và ý kiến phát biểu đều được nghiên cứu, chuẩn bị công phu, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm túc. Các ý kiến phát biểu đã tập trung đánh giá thực trạng công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức Công đoàn thời gian vừa qua với nhiều nhiều mô hình mới, cách làm hay.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh phải tạo ra phong trào thi đua trong Công đoàn thật sâu rộng, qua đó phải có phong trào thiết thực.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh phải tạo ra phong trào thi đua trong Công đoàn thật sâu rộng, qua đó phải có phong trào thiết thực.

Điển hình như mô hình cán bộ Công đoàn “3 giỏi, 4 tốt” của Công đoàn Quân đội; kinh nghiệm trong phong trào Lao động giỏi, Lao động sáng tạo và Văn hóa thể thao của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang; kinh nghiệm tổ chức cuộc vận động cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực của LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cùng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả khác…

Các đại biểu cũng đã trao đổi về những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn triển khai công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó đề xuất các mục tiêu, giải pháp trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Trong đó tập trung vào quan điểm việc tổ chức phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động và các cấp Công đoàn phải thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, vị thế và uy tín của tổ chức Công đoàn.

“Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng phải có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đổi mới nội dung tổ chức phong trào thi đua và hình thức tổ chức thi đua; đổi mới khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, hướng về người lao động trực tiếp; tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống, tập trung đối với công đoàn tại các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng phát biểu tại Diễn đàn.

Về giải pháp, các đại biểu đã đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ. Trong đó xác định công tác thi đua, khen thưởng là một trong những mặt công tác quan trọng của tổ chức Công đoàn, cần được đưa vào chương trình công tác hằng năm và nghị quyết đại hội nhiệm kỳ. Hằng năm cần tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác thi đua, khen thưởng.

Đồng thời phải đổi mới cách thức phát động, phương pháp triển khai, công tác kiểm tra, đôn đốc các phong trào thi đua phải khoa học, chặt chẽ, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục. Trọng tâm thi đua phải hướng về cơ sở, gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và hiệu quả quản lý nhà nước; gắn với nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động thi đua

Phát biểu tại Diễn đàn số 2, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Chúng ta phải tạo ra phong trào thi đua trong Công đoàn thật sâu rộng, qua đó phải có phong trào thiết thực. Bởi chỉ có thiết thực, có mục tiêu rõ ràng thì mới thu hút được đoàn viên, người lao động tham gia.

Cùng với đó, từ phong trào thi đua “Lao động giỏi - lao động sáng tạo” thì nhân rộng ra các phong trào thi đua khác sinh động, phù hợp với các loại hình nghề nghiệp.

Các phong trào thi đua này phải có đầy đủ các tiêu chí “cụ thể”, “đo lường”, “minh bạch”. Trong đó phải đặt sự công khai, minh bạch lên hàng đầu; ngoài ra, cần phải lấy khen thưởng làm động lực để điều chỉnh các phong trào thi đua; phát động phong trào nào thì phải có tổng kết phong trào đó; khen thưởng đúng bản chất sự việc…

Trong quá trình tổ chức phong trào thi đua, cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, nội dung, chỉ tiêu thi đua, biện pháp tổ chức vận động tham gia phong trào thi đua đối với: phong trào thi đua áp dụng riêng trong hoạt động công đoàn; phong trào thi đua dành cho công nhân, viên chức, lao động; phong trào thi đua dành cho công nhân, viên chức, lao động nhưng được phát động trong cơ quan chuyên trách công đoàn hoặc cán bộ Công đoàn.

Cụ thể hóa nội dung và có hình thức tổ chức phong trào thi đua phù hợp với từng loại hình tổ chức Công đoàn: Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Đối với công đoàn khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cần có những quy định đặc thù với cách thức tổ chức phong trào và đánh giá thi đua linh hoạt, thuận tiện, đơn giản hóa thủ tục, hướng mạnh đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.

Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp cần thương lượng để đưa vào Thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy, quy chế đơn vị, doanh nghiệp việc thưởng xứng đáng cho cá nhân, tập thể có sáng kiến, giải pháp mang lại nhiều lợi ích từ các phong trào thi đua.Ban Chấp hành Công đoàn các cấp chủ động, thường xuyên tham mưu với cấp ủy và phối hợp với chính quyền, thủ trưởng cơ quan, người sử dụng lao động về công tác thi đua, khen thưởng; đưa nội dung thi đua, khen thưởng là một nội dung được đánh giá, bàn thảo trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động

Cán bộ Công đoàn các cấp phải thường xuyên nắm bắt, rà soát quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của đoàn viên, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác, sản xuất kinh doanh để kịp thời phát hiện mô hình mới, cách làm hay hoặc cá nhân có nhiều sáng kiến, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao để đề xuất tôn vinh, khen thưởng. Xây dựng cơ chế, quy định phù hợp để tạo sự quan tâm, thúc đẩy, hỗ trợ nhằm bồi dưỡng, nuôi dưỡng phong trào, phát triển mô hình mới, cách làm hay, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu ở các đơn vị, các cấp Công đoàn.

Các đại biểu dự Diễn đàn số 2 về “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động”.

Các đại biểu dự Diễn đàn số 2 về “Đổi mới công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động”.

Đổi mới, đa dạng hóa phương thức tổ chức phát động, tuyên truyền sâu rộng các phong trào thi đua phù hợp với đặc thù, điều kiện tiếp cận thông tin của từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng. Cơ quan truyền thông thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn các cấp mở chuyên trang, chuyên mục, dành nhiều thời gian, thời lượng giới thiệu về mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, chú trọng đến các điển hình trực tiếp lao động sản xuất, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong công nhân, viên chức, lao động cả nước và là kênh phát hiện điển hình tiên tiến quan trọng của tổ chức Công đoàn.

Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện tiêu chí bình xét khen thưởng theo hướng cụ thể, trọng tâm, lượng hóa; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp cho đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, công chức, viên chức không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. Tăng cường khen thưởng đột xuất ở các cấp; đề xuất chủ sử dụng lao động có nhiều hình thức khen thưởng theo tuần, tháng, quý cho người lao động có năng suất cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh lớn; khen thưởng sáng kiến, sáng tạo theo giá trị làm lợi.

Quan tâm giữ ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng chuyên nghiệp, sáng tạo, công minh, tâm huyết, trách nhiệm, đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, sâu sát cơ sở, am hiểu các phong trào thi đua và đối tượng tham gia thi đua.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhan-rong-cac-phong-trao-thi-dua-phu-hop-voi-tung-loai-hinh-nghe-nghiep-163409.html