Nhân rộng mô hình bán trú ở cấp tiểu học
Việc tổ chức dạy học bán trú cho học sinh tiểu học ngày càng trở thành đòi hỏi cấp thiết khi tổ chức chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhất là ở những nơi mà phần lớn cha mẹ học sinh làm việc trong các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Phụ huynh đồng tình, ủng hộ
Nếu ở thành phố, gần 100% các trường học đã tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học thì ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này tương đối thấp, có nhiều huyện chưa thể triển khai, thực hiện mô hình.
Cũng như nhiều phụ huynh khác, 3 năm nay, chị Cao Thị Vân ở phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) đã đăng ký cho con ăn bán trú tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH và THCS) Lương Chí, đóng trên địa bàn phường. Đây cũng là trường đầu tiên ở thị xã Nghi Sơn tổ chức bán trú cho học sinh cấp tiểu học. Theo chị Vân, khi con được ăn bán trú có nhiều thuận lợi. “Khoảng thời gian con về nhà nghỉ trưa và đi học buổi chiều rất ngắn. Bố mẹ cũng khá vất vả, 1 ngày đưa đón con 4 lần. Do đó, khi mô hình bán trú được triển khai, phụ huynh rất đồng tình. Hiện, chúng tôi đang rất yên tâm với mô hình này”, chị Cao Thị Vân chia sẻ.
Năm học 2020-2021, Trường TH và THCS Lương Chí bắt đầu thực hiện mô hình bán trú cho riêng cấp tiểu học. Ngay từ khi triển khai, 100% phụ huynh đã đăng ký cho con. Đến thời điểm hiện nay, khi đã bước sang năm học thứ 3, nhà trường đang có 460/460 học sinh tiểu học ăn bán trú. Khi bắt tay thực hiện mô hình, đối với suất ăn cho học sinh, Trường TH và THCS Lương Chí có 3 phương án để lựa chọn. Đó là mua đồ nấu cho học sinh hoặc thuê người nấu hoặc hợp đồng với 1 công ty làm dịch vụ trọn gói. 3 năm nay, Trường TH và THCS Lương Chí vẫn đang hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục Thanh Hoa. Nói về điều này, cô giáo Hồ Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Lương Chí, cho biết: “Sau khi họp, trao đổi cùng đại diện cha mẹ học sinh, tham khảo nhiều trường ở TP Thanh Hóa, chúng tôi thống nhất phương án mua suất ăn trọn gói. Điều quan tâm nhất đối với nhà trường là chất lượng bữa ăn, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong quá trình chế biến thức ăn đến khi hoàn thành suất ăn cho học sinh, luôn có phụ huynh giám sát”.
Sau Trường TH và THCS Lương Chí, vào năm học 2023-2024, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn sẽ có thêm một trường tổ chức bán trú cho học sinh, đó là trường tiểu học thị trấn. Đến nay, về điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng cho công tác bán trú, nhà trường đã cơ bản hoàn thiện. Theo đó, nhà đa năng rộng gần 700m2 đồng thời sẽ được sử dụng làm khu ăn cho học sinh. Còn phòng học sẽ là nơi nghỉ trưa. Khu sơ chế, nhà bếp đã xây dựng xong. Bàn ghế, các thiết bị, đồ dùng phục vụ bán trú đã sẵn sàng. Thông tin từ cô giáo Lê Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn: “Nhà trường cũng như rất nhiều phụ huynh, mong muốn có mô hình bán trú từ lâu. Qua khảo sát, có trên 90% phụ huynh đồng thuận”.
Tại huyện Thiệu Hóa, cũng vào năm học 2023-2024, Trường Tiểu học thị trấn Vạn Hà sẽ là trường đầu tiên trong tổng số 23 trường tiểu học ở huyện này thực hiện mô hình bán trú. Từ năm học này, nhà trường dự kiến thực hiện bán trú cho học sinh khối lớp 1 và khối lớp 2 với khoảng 300 học sinh. Hiện tại, nhà trường đã hoàn thành khu nhà bếp, khu sơ chế và phòng ăn. Đồng thời, các trang thiết bị như bàn ăn, tủ ủ cơm, tủ lạnh, máy giặt…, cũng đã “tập kết” về nhà trường. Chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Đình Tính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Vạn Hà: “Công tác bán trú đã hoàn thiện trên 90%. Chắc chắn rằng, đầu năm học sang năm sẽ thực hiện tốt. Nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch, đặc biệt về hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm, chúng tôi đang dự kiến sẽ hợp đồng với công ty chuyên phục vụ suất ăn công nghiệp. Nhà trường sẽ mời địa phương, phụ huynh đi tham khảo thực tế để xem công ty đã thực hiện ở các đơn vị khác như thế nào…”.
Khó khăn đặt ra
Việc tổ chức dạy học bán trú cho học sinh tiểu học ngày càng trở thành đòi hỏi cấp thiết khi tổ chức chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhất là ở những nơi mà phần lớn cha mẹ học sinh làm việc trong các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Chưa thể thống kê được có bao nhiêu trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, tổ chức được nhiều nhất vẫn là ở khu vực thành phố. Đối với khu vực nông thôn, thực tế, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên việc triển khai khó hơn.
Tại thị xã Nghi Sơn, nếu tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 1/37 trường tiểu học thực hiện mô hình bán trú. Theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn, đến năm 2025, thị xã Nghi Sơn đề ra chỉ tiêu có ít nhất 20% số trường tiểu học tổ chức dạy học bán trú. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó thực hiện. Bà Vân cho biết: “Do điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu để tổ chức ăn ở bán trú còn hạn chế và đội ngũ giáo viên đang thiếu nhiều nên việc triển khai mô hình dạy học bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thị xã Nghi Sơn hiện đang rất khó khăn, dù nhu cầu của cha mẹ học sinh rất lớn”. Bà La Thị Nga, viên chức Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thiệu Hóa, cũng cho rằng: Xuất phát từ tình hình thực tế khi nhu cầu của phụ huynh mong muốn cho con học bán trú ở trường nên địa phương đã tạo điều kiện xây dựng cho Trường Tiểu học thị trấn Vạn Hà một khu bán trú. Chúng tôi rất muốn nhân rộng mô hình nhưng khó nhất vẫn là điều kiện để tổ chức, không phải trường nào cũng đáp ứng được”.
Theo ông Trịnh Vinh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, thì chủ trương chung của Sở là khuyến khích mở rộng mô hình ăn bán trú ở cấp tiểu học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông nói: “Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học phải học từ 7 - 9 buổi/tuần ở trường, tức là phần lớn phải học 2 buổi/ngày. Nếu không tổ chức bán trú thì các gia đình sẽ mất rất nhiều thời gian và nhân lực cho việc đưa đón con em. Đồng thời học sinh sẽ rất mệt mỏi và áp lực bởi các em không có thời gian nghỉ ngơi và luôn lo lắng khi phần lớn học sinh tiểu học chưa đủ khả năng tự đi về”.