Nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh
Tiếp tục thực hiện Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại TP. Hồ Chí Minh, kéo dài từ năm 2017 - 2020, mỗi quận, huyện trên địa bàn thành phố sẽ triển khai một mô hình chợ truyền thống bảo đảm ATTP trong năm nay.
TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 240 chợ đang hoạt động, trong đó có 17 chợ loại 1, 53 chợ loại 2, 170 chợ loại 3 và có tới 96% chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm.
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quý II/2019 cho thấy: Thành phố đông dân nhất nước đã xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình đảm bảo ATTP trên địa bàn như: Chuỗi thực phẩm an toàn, Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm và Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP. Cùng với đó, thành phố cũng triển khai công tác giám sát lấy mẫu; công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ và rộng khắp nhằm kiểm soát, đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng (NTD).
Trước đó, năm 2018, sau 5 năm xây dựng kế hoạch và triển khai thử nghiệm, UBND TP. Hồ Chí Minh chính thức phê duyệt Dự án Mô hình thí điểm chợ ATTP. Hai chợ đầu tiên triển khai là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành. Đây là cơ sở để 24 quận, huyện xây dựng mô hình chợ an toàn, đảm bảo 100% hàng hóa, thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc, góp phần giúp NTD yên tâm với thực phẩm.
Cụ thể, thành phố đã chỉ đạo 24 quận, huyện triển khai hướng dẫn các chủ đầu tư, hợp tác xã, Ban quản lý chợ truyền thống trên địa bàn thực hiện việc sắp xếp và quy hoạch chợ truyền thống trên địa bàn đảm bảo các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại TCVN 11856:2017 về cơ sở vật chất và kỹ thuật của chợ. Trong đó, tập trung điều kiện về kinh doanh, đảm bảo 100% hàng hóa thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh lựa chọn, tổ chức triển khai xây dựng ít nhất 1 mô hình chợ bảo đảm ATTP trên địa bàn trong năm 2019, làm cơ sở để từng bước hoàn thiện và nhân rộng mô hình đối với các chợ truyền thống trên địa bàn.
Qua tiến hành khảo sát chợ Phú Lâm (quận 6) về điều kiện đảm bảo ATTP kinh doanh, tình hình kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ, hồ sơ nguồn gốc sản phẩm kinh doanh làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố và xây dựng tiêu chí chợ ATTP cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Đến nay, mỗi quận, huyện đã lựa chọn được một mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP trên địa bàn và tiến hành tổ chức thực hiện trong năm 2019.
Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các đề án chương đảm bảo ATTP như: Chuỗi thực phẩm an toàn; quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm; Chương trình ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ quận, huyện triển khai mô hình chợ truyền thống đảm bảo ATTP trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.