Nhân rộng mô hình phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, các huyện miền núi đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.
Mô hình trồng cây ăn quả ở thị trấn Vân Du mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Tại huyện Quan Sơn, nhiều năm qua cây vầu được xem là cây xóa đói, giảm nghèo. Nhận thức được vai trò quan trọng của cây vầu, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân nhân rộng diện tích trồng vầu, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm từ vầu. Đến nay, huyện Quan Sơn đã có trên 27.000ha nứa, vầu thuần loài, 13.000ha rừng nứa, vầu hỗn giao. Các xã có nhiều diện tích rừng nứa, vầu là Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Lư, Tam Thanh, Sơn Thủy, Na Mèo... Trong đó, có trên 3.000ha được cấp chứng chỉ FSC quốc tế tại các xã Tam Lư, Tam Thanh. Nhờ có chất lượng tốt, nên cây nứa, vầu ở Quan Sơn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chọn làm nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc làm tăm mành, chân hương. Hiện nay, trên địa bàn hiện có 60 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản từ cây tre, luồng, nứa, vầu. Mỗi năm, giá trị từ cây nứa, vầu mang lại cho người dân hàng chục tỷ đồng.
Từ hiệu quả mang lại của các mô hình sản xuất, những năm qua huyện Thạch Thành đã có nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây cam, bưởi, ổi. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 292ha cam, bưởi 327ha, ổi 216ha, mít 185ha, dứa 610ha, 3.382ha mía. Trung bình 1ha cho thu nhập trên 120 triệu đồng.
Tại huyện Ngọc Lặc, hiện hầu hết các xã, thị trấn, phong trào phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn được nhân rộng, tạo nên những vùng sản xuất quy mô lớn, theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất dưa vàng Kim Hoàng Hậu, cây rau, củ, quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 150ha cây nghệ, 130ha cây sả, 360ha cây chuối tiêu hồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, còn có khoảng 97,5ha cây trồng của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, gồm: 15ha cam, bưởi, 27ha vải không hạt, 11ha thanh long ruột đỏ, 34,5ha bơ Israel, 10ha xoài keo đã được chứng nhận VietGAP và dần chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm trang trại chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, nhiều địa phương ở khu vực miền núi đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Mường Lát đã xây dựng và hình thành được 43 mô hình sản xuất, gồm 13 mô hình cây trồng, 17 mô hình vật nuôi, 1 mô hình phát triển dược liệu và 12 mô hình sản phẩm lợi thế. Huyện Lang Chánh xây dựng được 35 mô hình, trong đó có 17 mô hình cây trồng, 15 mô hình vật nuôi, 3 mô hình phát triển dược liệu...
Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các huyện miền núi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025”. Mục tiêu đến năm 2025, phát huy được 33 đối tượng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi, tạo sinh kế, việc làm cho 3.500 hộ gia đình. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân khu vực miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.