Nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 1.502 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP); 66 chợ được đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn và hoàn thành các thủ tục công bố theo quy định tại TCVN 11856:2017; 305 cửa hàng hoàn thành, được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Các mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn ngày một được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Tô Hà
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 1.502 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP; 66 chợ được đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn và hoàn thành các thủ tục công bố theo quy định tại TCVN 11856:2017; 305 cửa hàng hoàn thành, được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc hướng dẫn ký cam kết bảo đảm ATTP; 619 bếp ăn tập thể được công nhận bảo đảm ATTP; 112 xã, phường, thị trấn đạt các tiêu chí về ATTP. Bước đầu có thể khẳng định đây là những tín hiệu đáng phấn khởi vì phần lớn hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm diễn ra ở xã, phường, thị trấn. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP là việc làm cần thiết để bảo vệ giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Từ cơ chế chính sách hỗ trợ
Nhằm triển khai xây dựng các mô hình thí điểm về ATTP, làm cơ sở nhân ra diện rộng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng các mô hình thí điểm về ATTP đến hết năm 2018; đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 13 mô hình thí điểm ATTP cấp tỉnh, 298 mô hình thí điểm ATTP cấp huyện; thực hiện hỗ trợ 50 triệu đồng/chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, 300 triệu đồng/mô hình giết mổ ATTP do cơ quan quản lý cấp tỉnh xây dựng; 150 triệu đồng/cơ sở giết mổ ATTP do cơ quan quản lý cấp huyện xây dựng; 500 triệu đồng/chợ kinh doanh thực phẩm hạng 1; 400 triệu đồng/chợ kinh doanh thực phẩm hạng 2; 300 triệu đồng/chợ kinh doanh thực phẩm hạng 3; 200 triệu đồng/xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP. Hỗ trợ hoạt động cho các tổ giám sát ATTP tại chợ (3 triệu đồng/tháng/chợ hạng 1; 2 triệu đồng/tháng/chợ hạng 2; 1,5 triệu đồng/tháng/chợ hạng 3), tổ giám sát cộng đồng thôn (300 nghìn đồng/tháng đối với tổ trưởng, 200 nghìn đồng/tháng đối với tổ viên). UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 về ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Từ năm 2016-2018 đã phân bổ 37,006 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất 128,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh, 25,5 ha sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, xây dựng 59 cửa hàng kinh doanh rau an toàn; hỗ trợ 64 tỷ đồng phát triển 23 khu trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo ATTP.
UBND cấp huyện đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động bảo đảm ATTP hàng năm. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách hoặc bố trí ngân sách hỗ trợ xây dựng mô hình ATTP như: Huyện Bá Thước hỗ trợ trên 3.300 triệu đồng xây dựng các mô hình bảo đảm ATTP, 1.900 triệu đồng cho hoạt động quản lý ATTP; huyện Nông Cống hỗ trợ 300 triệu đồng/chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 20 triệu đồng/cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 100 triệu đồng/xã ATTP; huyện Đông Sơn hỗ trợ 700 triệu đồng cho hoạt động của các tổ giám sát cộng đồng thôn, tổ giám sát ATTP tại chợ; huyện Thọ Xuân hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, 50 triệu đồng/xã ATTP... Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho công tác bảo đảm ATTP từ năm 2017 đến tháng 6-2019 đạt trên 43 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách cấp huyện trên 29,5 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn ngân sách cấp xã trên 13,7 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn hỗ trợ hơn 12 triệu đồng để cải tạo lại đất, đầu năm 2018 gia đình ông Lê Chí Dũng, thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước) đã xây dựng được mô hình trồng rau an toàn, kết hợp chăn nuôi, kinh doanh vận tải. Để thực hiện mô hình ông Dũng đã nhập các giống cây như mướp, rau, lạc, mùng tơi, cà pháo, khoai về trồng, đến nay gia đình ông đang có 500 m2 rau sạch, 2 sào lúa, 3 sào mía và chăn nuôi 200 con gà và vịt, ông cũng kinh doanh thêm dịch vụ vận tải, thu nhập bình quân của gia đình ông đạt 400 triệu/năm. Đối với sản phẩm rau sạch, HTX Điền Lý đã thu mua và bán lại cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch quanh vùng.
Trên địa bàn xã Điền Lư, giai đoạn 2016-2019, xã đã hướng dẫn nhân dân sản xuất thực phẩm an toàn để cung ứng cho các tiểu thương, nhà hàng quanh vùng. Nhờ đó, xã đã hoàn thành 16 tiêu chí ATTP và được công nhận xã đạt tiêu chí ATTP vào năm 2018, hiện xã đã có 6 mô hình, chuỗi ATTP (gồm: Chuỗi rau quả, mô hình bếp ăn tập thể, mô hình chợ và mô hình giết mổ). Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Điền Lư cho biết, xã đã xây dựng chuỗi cung ứng rau an toàn với 15 hộ dân tham gia, chuỗi rau này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra, xã cũng đã xây dựng được 1 cửa hàng, 1 bếp ăn, 1 chợ bảo đảm vệ sinh ATTP.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình ATTP
Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm vệ sinh ATTP đã được các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đến tháng 10-2019, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều địa phương có tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP cao như huyện Đông Sơn (15/15 xã, thị trấn), Vĩnh Lộc (16/16 xã, thị trấn), TP Thanh Hóa (12/37 xã, phường).. Các xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP đáp ứng được các tiêu chí về chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, khu giết mổ tập trung an toàn, chợ ATTP, bếp ăn tập thể an toàn và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn... Bên cạnh đó, nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân về vệ sinh ATTP được nâng cao rõ rệt. Hiện UBND tỉnh đang giao các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, bảo đảm thực hiện mục tiêu trong năm 2019 các xã nông thôn mới trên địa bàn phải đạt tiêu chí ATTP và đến hết năm 2020 có 90% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn phải đạt tiêu chí ATTP.
Ông Hà Văn Giáp, Phó Chánh Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh, khẳng định: Từ thành công của các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP, tới đây Thanh Hóa sẽ nhân rộng các mô hình này tại nhiều địa phương trên địa bàn. Để làm được điều đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện các mô hình ATTP và chung tay vì chất lượng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý ATTP cũng như tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác ATTP tuyến xã..., phấn đấu đến hết năm 2020, các loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày như: Gạo; rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm; thủy sản; thực phẩm chế biến ăn ngay; rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai, nước sinh hoạt được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: Sản xuất, bảo quản, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng trên địa bàn tỉnh và cơ bản bảo đảm vệ sinh ATTP.