Nhân rộng mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu

Xây dựng tổ dân phố văn hóa nhằm phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng thời gian qua đã có nhiều mô hình, cách làm hay.

Tổ dân phố 23 phường Trung Liệt, quận Đống Đa có hơn 400 hộ dân, nhiều năm qua luôn là Tổ dân phố văn hóa xuất sắc của phường Trung Liệt và quận Đống Đa. Ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết của nhân dân trong Tổ ngày một nâng cao.

Ông Cao Văn Ngạc - Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 23 cho biết, triển khai mô hình “Tổ dân phố thôn văn hóa kiểu mẫu” theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội và quận Đống Đa, Tổ dân phố đã họp phổ biến đến 100% hộ gia đình trên địa bàn nhằm phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện mô hình.

Tổ dân phố 23 phường Trung Liệt, quận Đống Đa

Tổ dân phố 23 phường Trung Liệt, quận Đống Đa

Đặc biệt, để tạo nên nét riêng của một “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, Tổ đã triển khai công trình “Tuyến phố chong chóng” với 3.000 chiếc được gấp bởi cán bộ hội viên phụ nữ, sau đó treo cao dọc các ngõ, ngách trong Tổ.

Ngoài ra, Hội LHPN phường Trung Liệt và Chi hội phụ nữ khu dân cư cũng đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang làm đẹp cảnh quan, đặc biệt là thực hiện công trình sân chơi với các trang thiết bị dành cho trẻ em, phối hợp niêm yết bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng, bảng tiêu chí thực hiện “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu”.

Cũng như phường Trung Liệt, mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu” tại phường Thành Công, quận Ba Đình cũng tạo được dấu ấn tích cực. Với sự đồng thuận cao của người dân, Tổ dân phố số 15 đã chọn triển khai công trình xây dựng sân chơi cộng đồng kiểu mẫu và nhà hoa cộng đồng tại sân chung nhà C8-C9 Khu tập thể Thành Công.

Trước đây, khu vực sân chung trước nhà C8-C9 chưa đảm bảo mỹ quan, còn có tình trạng người dân chiếm dụng không gian chung làm nơi trông giữ xe, bán hàng ăn, phơi quần áo… Khi thực hiện công trình, Ủy ban nhân dân, Hội LHPN phường Thành Công, cấp ủy Chi bộ, Ban công tác mặt trận địa bàn dân cư số 8 và cán bộ Tổ dân phố số 15 đã vào cuộc, vận động các hộ dân chấp hành quy định, trả lại không gian chung; đồng thời vận động nguồn xã hội hóa để xây, chỉnh trang khuôn viên chung. Phường Thành Công đang nỗ lực hết mình để đưa mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu” vào thực tiễn một cách hiệu quả, hướng tới xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Tại quận Ba Đình, nhiều tổ dân phố đã thực hiện thành công mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu” với sự gia của cộng đồng dân cư - nhân tố quyết định sự bền vững và hiệu quả của mô hình trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Bà Đinh Thị Phương Liên - Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình cho biết, sau gần 30 năm xây dựng, các mô hình văn hóa của quận Ba Đình đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đến nay quận Ba Đình không còn hộ nghèo, cận nghèo; tệ nạn xã hội giảm rõ nét, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội luôn luôn bảo đảm, dân trí được nâng lên. Toàn quận có 121/217 Tổ dân phố văn hóa, nhiều tổ liên tục đạt Tổ dân phố văn hóa nhiều năm liền. Quận cũng có 5 tuyến phố xuyên tâm đăng ký “Tuyến phố văn minh đô thị”.

Cùng với quận Đống Đa, quận Ba Đình đã hình thành nhiều mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu” có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi phông văn hóa từ cơ sở, giúp các nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng đi vào từng ngõ ngách đời sống, trở thành thói quen nề nếp của mỗi người dân.

Cán bộ hội viên phụ nữ chăm sóc công trình “Phủ xanh gốc cây” tại sân chơi khu tập thể nhà A5-A6 phường Thành Công, quận Ba Đình.

Cán bộ hội viên phụ nữ chăm sóc công trình “Phủ xanh gốc cây” tại sân chơi khu tập thể nhà A5-A6 phường Thành Công, quận Ba Đình.

Tại quận Cầu Giấy, cho đến thời điểm hiện nay, việc triển khai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã lan tỏa sâu rộng trên địa bàn toàn quận. Bản Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được niêm yết tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, thang máy ở các khu dân cư, khu vui chơi cộng đồng… để người dân nắm rõ những việc nên làm, không nên làm ở những nơi công cộng, từ đó tự giác thực hiện.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong quận. Nhiều thói quen xấu bị loại bỏ, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán đã giảm. Hầu hết nhân dân thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, duy trì thường xuyên việc tổng vệ sinh môi trường, không đun nấu, đốt lửa trên vỉa hè. Tại vườn hoa, khu vui chơi, người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan, bảo vệ trang thiết bị luyện tập thể dục thể thao. Tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, người dân chấp hành quy định hướng dẫn tại nơi thờ tự, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không ăn mặc hở hang, phản cảm…

Qua thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trên địa bàn quận đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt giúp Quy tắc ứng xử thấm sâu vào đời sống xã hội. Tiêu biểu như Tổ dân phố - Chi hội phụ nữ số 6 phường Yên Hòa đã xây dựng mô hình điểm ngõ văn minh xanh, sạch, đẹp tại 3 ngõ 325, 331, 347 phố Nguyễn Khang; mô hình cầu thang văn hóa tại phường Nghĩa Tân; mô hình Camera an ninh tại phường Mai Dịch, Trung Hòa, Nghĩa Đô; mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy tại phường Nghĩa Tân, phường Nghĩa Đô … Các mô hình thực sự đã góp phần làm tô điểm cảnh quan đô thị của quận Cầu Giấy cũng như nét đẹp con người trong mỗi khu dân cư.

Có thể thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đem lại những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa của người dân Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm đưa văn hóa ứng xử nhân rộng trong đời sống cộng đồng dân cư đã xuất hiện. Trong đó những mô hình, cách làm hay được thực hiện từ tổ dân phố, khu dân cư giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng tham gia xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhan-rong-mo-hinh-to-dan-pho-van-hoa-kieu-mau-157888.html