Nhân rộng mô hình trồng nấm sò
Nông dân xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) được tập huấn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm sò. Ảnh: CTV
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn tại hiện trường hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm sò cho nông dân xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa).
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, kỹ thuật trồng nấm sò đơn giản, cách chăm sóc không tốn nhiều công sức nhưng lại mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Nấm sò có thể trồng quanh năm, nhưng mùa vụ thuận lợi nhất từ tháng 9 năm trước tới tháng 4 năm sau. Nguyên liệu chủ yếu là rơm rạ, bã mía, mùn cưa, các phụ phẩm nông nghiệp…
Sau khi ngâm ủ, người trồng cho nguyên liệu vào túi đã chuẩn bị, dùng tay dầm nhẹ rồi điều chỉnh lớp nguyên liệu đó dày 5-7cm, sau đó rắc một lớp giống nấm xung quanh thành túi. Làm 3 lớp như vậy, lớp trên cùng rắc đều trên bề mặt. Bịch đã cấy giống căng tròn, độ nén vừa phải, trọng lượng 2,4-2,7kg, đưa vào nhà ươm thoáng mát, sạch sẽ. Sau khi cấy giống 20-25 ngày, thấy sợi nấm đã ăn xuống đáy bịch thì tiến hành rạch bịch. Rạch 6-8 đường dài 4-6cm, các đường rạch đều và so le nhau. Sau khi rạch bịch 4-6 ngày, khi thấy nấm mọc ra từ các vết rạch, tùy theo lượng nấm nhiều hay ít, độ ẩm không khí cao hay thấp để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp, tưới 4-6 lần/ngày…
Thu hái nấm khi bầu nấm bằng chén uống nước nhỏ, lưu ý phải hái hết phần gốc trên bịch nấm. Mỗi lứa thu hái 3-4 đợt; sau mỗi đợt thu hái 3-4 ngày không tưới. Khi thấy tại những vết rạch xuất hiện quả thể nấm mới tưới nước. Thời gian thu hái nấm khoảng 30-45 ngày kể từ ngày hái đầu tiên.
Ông Huỳnh Khương, nông dân xã Hòa Bình 1, cho biết: Nông dân được tập huấn về lý thuyết và thực hành với hình thức cầm tay chỉ việc. Sau 3 ngày tập huấn, đa số nông dân tham gia đều biết quy trình sản xuất nấm sò từ các khâu chuẩn bị như thiết kế, làm nhà trồng nấm, thu gom xử lý, đảo ủ nguyên liệu, đóng bịch, cấy giống, ươm sợi, rạch bịch, cách phòng trừ sâu bệnh, côn trùng và tưới đón quả thể cho đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nấm…
Theo ông Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm KH&CN (Sở KH&CN), nấm sò là một loại nấm khá phổ biến hiện nay, với nhiều thành phần dinh dưỡng, thuộc loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng. Việc chuyển giao kỹ thuật trồng nấm sò sẽ giúp tận dụng được công nhàn rỗi, các phụ phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/298971/nhan-rong-mo-hinh-trong-nam-so.html