Nhân rộng những mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về

Ngày 28/12, tại Hà Nội, đã diễn ra sự kiện 'Gặp mặt giới thiệu sản phẩm truyền thông mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về'. Sự kiện do Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Bắc Trung Bộ - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức.

Bà Đặng Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm giới thiệu về hoạt động. (Ảnh: Phong Châu)

Bà Đặng Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm giới thiệu về hoạt động. (Ảnh: Phong Châu)

Phát biểu tại sự kiện, bà Đặng Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm cho biết, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hỗ trợ các hội viên phụ nữ từng là nạn nhân của nạn mua bán người, giúp họ vươn lên, xây dựng cuộc sống mới và khẳng định giá trị bản thân.

Hoạt động nhằm tôn vinh hành trình tự do và phát triển của phụ nữ bị mua bán trở về thông qua những câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng và xây dựng sinh kế bền vững.

Đồng thời, giới thiệu sản phẩm truyền thông về mô hình sinh kế, các sản phẩm truyền thông đặc biệt nhằm lan tỏa thông điệp tích cực, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khẳng định bản thân gồm 1 phóng sự được dịch qua tiếng dân tộc Mông và dân tộc Dao, 5 Podcast.

Các sản phẩm không chỉ kể về những câu chuyện mà còn còn cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ phụ nữ bị mua bán trở về, giới thiệu các chương trình, chính sách pháp luật và các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức xã hội.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau sự kiện. (Ảnh: Phong Châu)

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau sự kiện. (Ảnh: Phong Châu)

“Thông qua những câu chuyện thực tế đó, các sản phẩm truyền thông sẽ giúp hội viên phụ nữ bị mua bán trở về có động lực để tự lực cánh sinh, phát triển những ngành nghề phù hợp, từ đó xây dựng cuộc sống ổn định và chắc chắn hơn.

Đồng thời các sản phẩm truyền thông cũng trang bị kiến thức pháp luật, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc phòng chống nạn mua bán người, hỗ trợ nạn nhân vượt qua khó khăn, xây dựng lại cuộc sống ấm no hạnh phúc”, bà Đặng Cẩm Tú khẳng định.

Tại sự kiện, chị Ngân Thị Trang – đến từ huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã chia sẻ câu chuyện về quá trình khởi nghiệp của mình không ít khó khăn song tự sâu thẳm các chị mong muốn mỗi câu chuyện là nguồn cảm hứng, động lực để chị em khác cùng lạc quan, tự lực vươn lên.

Phong Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhan-rong-nhung-mo-hinh-sinh-ke-ho-tro-phu-nu-bi-mua-ban-tro-ve-298921.html