Nhan sắc Việt thăng hạng nhờ truyền thông
Theo CEO Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Trần Việt Bảo Hoàng, truyền thông chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các người đẹp.
Đến với các đấu trường nhan sắc quốc tế, nhiều người đẹp Việt giờ không còn đi thi với tâm thế thử sức như trước nữa.
Ngày càng nhiều nàng hậu thắng giải truyền thông
Còn nhớ, cách đây 8 năm, dư luận còn hoài nghi về thành tích “top 10+1” nhờ giải phụ People’s Choice Award của Lan Khuê ở đấu trường Miss World. Đây cũng là thành tích cao nhất của Việt Nam tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, nhìn lại cột mốc năm 2015, rõ ràng thành tích này nằm trong sự tính toán của Khuê và ê-kíp. Từ bộ váy dạ hội cảm hứng từ ngọn lửa ấn tượng của nhà thiết kế Lý Quý Khánh cho đến clip quay Lan Khuê ngồi trên xe xích lô dạo phố TP.HCM giới thiệu quê hương. Sau cùng là clip về “Hành trình nhân ái” kể về hoạt động từ thiện mà Khuê tham gia.
Hay nói như bà Thúy Nga, Giám đốc Elite, đơn vị giữ bản quyền đưa thí sinh đi thi Miss World 2015, đây là cách “đưa thông tin có chọn lọc, không cần ồn ào”, giúp Lan Khuê có sự tập trung, tiết chế, tránh “ảo tưởng” trong suốt cuộc thi.
Cùng thời điểm, bất chấp việc không lọt top 15 như kỳ vọng, Phạm Hương cũng tạo cơn “địa chấn” về truyền thông tại Miss Universe 2015. Không ngoa khi nói Phạm Hương và Lan Khuê là những nàng hậu đầu tiên tạo hiệu ứng hình ảnh tốt nhất ở cả trong nước và quốc tế.
Cứ nhìn đám đông khán giả và truyền thông tập trung tại sân bay đón các nàng hậu, hay hình ảnh phủ sóng khắp các trang mạng xã hội, đủ thấy các cô gái này được biết đến và yêu mến nhiều cỡ nào.
Theo khảo sát, đến thời điểm hiện tại, cứ 10 người đẹp Việt đi thi quốc tế thì có đến 6 - 7 người thắng giải về truyền thông. Đỗ Hà, Khánh Vân, Bùi Phương Nga, Thùy Tiên, Kim Duyên… là những trường hợp điển hình.
Tuy nhiên, khi truyền thông mạng xã hội (Social Media) bùng nổ, xây dựng và lan tỏa hình ảnh cho một người đẹp đi thi quốc tế lại là bài toán khiến các ê-kíp truyền thông đau đầu.
Theo “bà trùm hoa hậu” Phạm Kim Dung, truyền thông cho hoa hậu tốn rất nhiều thời gian, chất xám, công sức và cả tiền bạc. CEO Bảo Hoàng thì cho hay, không ai có thể thống kê một con số cụ thể cho chiến lược truyền thông cho một hoa hậu. Bởi mỗi cô gái, ở mỗi thời điểm sẽ có một định hướng khác nhau.
Tính toán từ vali đồ đến con số lượt xem
Nếu cách đây khoảng 5 năm, câu chuyện đào tạo kỹ năng - bao gồm catwalk, tiếng Anh, ứng xử… được cộng đồng nhan sắc quan tâm, thì với thế hệ hoa hậu gen Z, truyền thông, đặc biệt là Social Media mới là yếu tố cần được bù đắp.
Bởi, vẻ đẹp nội tại là có sẵn, kỹ năng có thể đào tạo nhưng cách để chinh phục và lan tỏa hình ảnh, không thể chiến đấu “đơn phương độc mã”.
Là người đứng sau loạt chiến lược truyền thông thông minh của Khánh Vân, Hoàng Thùy, Kim Duyên… CEO Bảo Hoàng khẳng định, quá trình định hướng phát triển cho nàng hậu đòi hỏi chuyên môn lẫn tính sáng tạo cao. Làm sao để mỗi một nàng hậu đều có hình ảnh riêng, không ai “đụng màu” với ai.
“
Trong hành trình hậu thuẫn các nàng hậu, Thùy Tiên là một cô gái làm tốt nhất, thậm chí tốt hơn những gì ê-kíp gợi ý. “Ca” truyền thông cho Tiên cũng tốn kém nhất từ trước đến nay, với chi phí truyền thông gấp đôi các cô gái khác (khoảng 40% tổng chi phí cho cuộc thi).
Nhưng để hình ảnh một cô gái không phải là hoa hậu, á hậu đi thi và đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021, bản thân Tiên phải có một năng lượng và sự nhạy bén mà không nhiều cô gái có được.
Bà Phạm Kim Dung
”
Thử nhìn vào hình ảnh của H’Hen Niê (top 5 Miss Universe 2018), Khánh Vân (top 21 Miss Universe 2020), Kim Duyên (top 21 Miss Universe 2021)… mới thấy độ chịu chơi, chịu chi của ê-kíp đứng sau các cô gái này “khủng” cỡ nào.
Trước thềm dự thi, hình ảnh các cô gái được phủ sóng dày đặc trên 20 tờ báo chính thống và hàng chục trang tin. Đặc biệt thông qua chương trình thực tế “Road To Miss Universe”, khán giả có thể thấy được các cô gái đã được học tất cả những kỹ năng từ làm tóc, make up, phối đồ, catwalk, tạo dáng, ứng xử… ra sao.
Khi lên đường dự thi, các nàng hậu được chuẩn bị hàng chục vali, với đủ loại trang phục từ phong cách khác nhau, mang dấu ấn riêng của từng đại diện Việt Nam. Chính vì thế, khán giả vừa có dịp chiêm ngưỡng “bữa tiệc thời trang” vừa được dịp hiểu thêm về văn hóa Việt.
Xuyên suốt hành trình, trang cá nhân Facebook, Instagram của các nàng hậu được ê-kíp “khủng bố” hình ảnh, clip hậu trường đều đặn từng ngày, từng giờ. Lượng tương tác cũng vì thế gia tăng đột biến. Điển hình, đoạn clip Khánh Vân livestream giao lưu với khán giả khi đang ở Mỹ thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem chỉ sau ít phút đăng tải.
Anh Bảo Hoàng cho biết, để xây dựng hình ảnh hoa hậu, mà như giới truyền thông vẫn gọi là “nhận dạng thương hiệu” thì đại diện tại Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, ngay từ khi công bố top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, các cô gái đã phải làm việc với ê-kíp để tìm ra khả năng, hoàn cảnh và “chất” của mình thông qua nhiều hình thức như: Gặp gỡ, trò chuyện, học hành, hoạt động xã hội.
“Ê-kíp thậm chí còn thử các bạn với rất nhiều cách làm việc khác nhau, thử từ layout makeup đến stylist, nhà thiết kế, tất cả những gì bạn có thể thử để chọn ra hình tượng phù hợp nhất. Sau đó, ê-kíp truyền thông mới ngồi lại, và “dịch” các ngôn ngữ riêng, làm sao để hiểu các bạn nhanh nhất có thể.
Mỗi năm mỗi chủ đề với những tiêu chí hoàn toàn khác nhau, do đó chúng tôi không thể tạo ra một công thức hay một kiểu hoa hậu được “sản xuất công nghiệp”, anh Bảo Hoàng cho hay.
Anh Hoàng cũng lưu ý thêm, điều đó không có nghĩa là ê-kíp vẽ ra một chiếc khuôn và “ép” các bạn vào khuôn đó. Mọi thứ đều phải dựa trên sự bình đẳng, thống nhất giữa hai bên, ê-kíp truyền thông chỉ dừng lại ở vai trò định hướng, hỗ trợ. Đây cũng là “tôn chỉ” của ê-kíp đứng sau các đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hòa bình thế giới…
“Bà trùm” Phạm Kim Dung, Giám đốc Sen Vàng lấy ví dụ: “Với Đỗ Hà, xuất thân từ cô gái nông thôn, ngoại hình chuẩn Á Đông, ê-kíp sẽ định hướng hình ảnh về một nàng hậu ngọt ngào, đằm thắm. Nếu như Lương Thùy Linh là một nàng hậu học thức, mạnh mẽ thì Tiểu Vy lại mang đến sân chơi quốc tế hình ảnh nàng hậu biến hóa phong cách linh hoạt…”.
Tính trước những rủi ro
Social Medialà thế mạnh mà các ê-kíp đã tận dụng và khai thác hiệu quả ngay từ khi chính thức đưa các đại diện Việt Nam đến đấu trường quốc tế.
Tuy nhiên, anh Bảo Hoàng cũng cho rằng, có một chiến lược truyền thông hoàn hảo thôi mới chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.
Truyền thông cho hoa hậu, hay những người của công chúng nói chung, ê-kíp phải sẵn sàng tâm lý đối diện với những “mặt trái”, những sóng gió từ “trên trời rơi xuống” của dư luận, đặc biệt với Social Media.
Lúc này, những người làm truyền thông chuyên nghiệp luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng kế hoạch cụ thể để xử lý khủng hoảng.
Theo anh Bảo Hoàng, những tin đồn thất thiệt, những bình luận tiêu cực, áp lực… đều là những yếu tố ê-kíp luôn phải tính trước với tất cả các người đẹp thi quốc tế.
Đó là những tác động khách quan, còn ở góc độ chủ quan, bà Kim Dung hé lộ, không phải lúc nào đôi bên cũng hợp tác thuận buồm xuôi gió để mang lại hiệu quả truyền thông tốt nhất.
Đôi khi bà và ê-kíp cũng bị stress vì các nàng hậu… không chịu hợp tác hoặc thể hiện chưa đúng với kế hoạch và sự kỳ vọng của ê-kíp.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhan-sac-viet-thang-hang-nho-truyen-thong-d556419.html