Nhân sự của TP Thủ Đức
Lãnh đạo UBND TP Thủ Đức sẽ gồm một chủ tịch và 3 phó chủ tịch. 653 biên chế công chức, nhân viên còn lại của chính quyền thành phố mới sẽ đảm nhiệm công việc tại các phòng, ban.
Sau khi TP.HCM hoàn thành các quy trình, thủ tục về đề án thành lập TP Thủ Đức - đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2020, Sở Nội vụ TP vừa có tờ trình tham mưu UBND TP về phương án sắp xếp bộ máy, nhân sự của đơn vị hành chính mới.
Theo đó, sau khi sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện dôi dư của TP.HCM là 399 người. Để có hướng giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực trên, thành phố cần phương án cụ thể từ nay đến năm 2025.
Bao nhiêu người vận hành TP Thủ Đức?
Theo đề xuất của Sở Nội vụ TP.HCM, trong năm 2021, bộ máy của chính quyền TP Thủ Đức gồm 657 người. Trong đó, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức sẽ gồm một chủ tịch và 3 phó chủ tịch.
653 biên chế công chức và nhân viên hợp đồng lao động còn lại của UBND TP Thủ Đức trong năm sau sẽ gồm thủ trưởng các đơn vị Văn phòng HĐND, UBND, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra.
Trong năm đầu tiên thành lập, các đơn vị sự nghiệp của UBND TP Thủ Đức sẽ có 246 người thuộc biên chế công chức và hợp đồng lao động. Những người này sẽ được bố trí công việc tại Trung tâm Thể dục - Thể thao, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên.
Các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Thành ủy TP Thủ Đức sẽ có biên chế công chức, hợp đồng lao động với số lượng 39 người trong năm 2021.
Sau năm 2025, số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của UBND TP Thủ Đức là 439 người, các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành ủy là 30 người, các đơn vị trực thuộc chính quyền, đơn vị hành chính mới là 165 người.
Sở Nội vụ TP.HCM nhận định sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chịu ảnh hưởng cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Đối với bộ máy chính trị, TP Thủ Đức cần đảm bảo hoạt động theo hướng tinh gọn và hoạt động có hiệu quả trong tình hình mới.
399 cán bộ cấp huyện dôi dư
Theo tính toán của Sở Nội vụ TP.HCM, sau khi sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để hình thành thành phố mới, lượng cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động dôi dư cấp huyện là 399 người.
Để đảm bảo việc làm, quyền lợi của số người lao động trên, TP.HCM cần có phương án bố trí và giải quyết trong 60 tháng.
Cụ thể, trong năm 2021, thành phố sẽ bố trí nhân sự công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc quận, điều động sang quận khác hoặc các sở, ngành và giải quyết chế độ hưu trí, thôi việc đối với 66 cán bộ, 26 viên chức, nhân viên lao động hợp đồng.
TP.HCM sẽ thực hiện phương án trên trong giai đoạn 2022-2025. Sau năm 2025, số cán bộ, công chức cấp huyện được tinh giản là 243 người; số lượng viên chức, hợp đồng lao động sẽ cắt giảm là 64 người.
Đối với 19 phường được sắp xếp, sáp nhập thành đơn vị hành chính mới, số lượng cán bộ, công chức dôi dư của TP.HCM là 102 người, số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 133 người. Sở Nội vụ đã tham mưu phương án cắt giảm số nhân lực trên trong vòng 5 năm bằng các phương án khác nhau.
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và đề án thành lập thành phố Thủ Đức ngày 6/10, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết sở sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức sau khi thành phố Thủ Đức được thành lập.
Ngoài ra, sở cùng đơn vị tư vấn đang hoàn thiện các nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính quyền đơn vị hành chính mới.
"Chúng ta không thể kỳ vọng bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức sẽ phục vụ tốt cho người dân trong thời gian ngắn mà cần có thời gian sắp xếp và khắc phục khó khăn bước đầu", Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-su-cua-tp-thu-duc-post1145122.html