Nhân sự ngành giải trí đêm lần đầu ổn định sau 2 năm
Đời sống về đêm ở Hà Nội và TP.HCM dần lấy lại năng lượng sôi động. Nhân viên, quản lý các quán bar, cà phê mở muộn kỳ vọng sắp tới nguồn thu đến từ khách nước ngoài sẽ tăng lên.
Trở lại với nhịp sống bận rộn, âm nhạc sôi động và đồ uống có cồn là một trong những điều khiến anh Lê Ngọc Phiên, quản lý quán cocktail bar Drinking & Healing (trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM), phấn khởi nhất sau thời gian dài nghỉ dịch.
Gần 2 năm đóng mở liên tục, ngành giải trí về đêm chịu nhiều thiệt hại về kinh tế lẫn nguồn lực.
Nhiều nhân sự trong ngành này đã quyết định chuyển hướng công việc để mưu sinh, kiếm sống. Riêng với nam quản lý, người đã gắn bó với nghề hơn chục năm, “bỏ việc” không phải là điều dễ dàng.
“Tôi chưa từng có suy nghĩ muốn chuyển ngành vì công việc này rất ý nghĩa với tôi. Tôi có định hướng lâu dài và muốn phát triển nữa”, anh Phiên chia sẻ.
Cuộc sống về đêm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang dần hồi sinh trở lại. Nhân viên ngành nightlife cũng đang quay về với guồng quay cũ, khi thành phố lên đèn mới là lúc công việc của họ thật sự bắt đầu, kéo dài đến khuya muộn để phục vụ những người đi chơi đêm.
Kỳ vọng khách nước ngoài sớm trở lại
Anh Phiên cho biết thời gian đầu quán bar được mở lại, không chỉ anh mà khá nhiều đồng nghiệp trong nghề gặp khó khăn. Vấn đề nhân sự, nguyên liệu, nhập hàng hóa, cách thức phục vụ, nguồn khách đều phải được tính toán lại để phù hợp với quy định phòng, chống dịch.
Gần đây, khi hầu hết người dân đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine Covid-19, một số nút thắt ban đầu dần được cởi bỏ.
Theo anh quan sát, ngành nightlife đang dần phục hồi như trước dịch và có khả năng cạnh tranh hơn. Điều đó khiến anh và các nhân viên phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới đồ uống để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
“Mọi người đã sẵn sàng tiến đến bình thường mới. Quán tôi cũng bắt đầu đông trở lại nhưng vẫn thiếu một chút tinh thần của nguồn khách du lịch. Các đường bay quốc tế đã được mở lại, Việt Nam sẽ đón thêm khách nước ngoài. Tôi thấy phấn khởi vì du khách cũng góp phần tạo nên sự thú vị của đời sống về đêm”, anh nói.
Hai năm gắn bó với ngành nigtlife, Nguyễn Ngọc Bảo Trân (24 tuổi, huyện Nhà Bè, TP.HCM), nhân viên tổ chức sự kiện, trải qua khá nhiều biến động. Tính chất công việc thất thường cộng với dịch bệnh liên miên, cô phải kiếm việc làm thêm như bán hàng online, xem tarot trên mạng.
“Dù có nhiều khó khăn, tôi vẫn muốn theo đuổi ngành này vì yêu thích sự trẻ trung, không gian và âm nhạc sôi động. Làm ngành nightlife thì luôn có nhiều thách thức, phải sáng tạo liên tục để phù hợp với thị trường, thu hút khách hàng tiềm năng”, Trân chia sẻ.
Theo cô, cuộc sống về đêm vẫn chưa thực sự hồi sức mà chỉ đang bước sang giai đoạn mới. Ngoài ra, nhiều người không còn thoải mái chi tiền cho vui chơi, giải trí như trước do ảnh hưởng kinh tế.
“Mọi người ngại bỏ tiền cho những cuộc vui chơi, ăn uống trong khi đó cũng là một trong những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Với tốc độ này, tôi nghĩ tầm vài tháng nữa tình hình mới khởi sắc hơn nữa. Trong thời gian ‘on-off’, tôi cố gắng nâng cao kỹ năng của mình”, Trân bày tỏ.
Lần đầu đông khách sau 2 năm
21h vốn là khung giờ vàng của nhiều cửa hàng chuyên phục vụ buổi tối, đêm tại Hà Nội. Sau 2 năm, Nguyễn Thu Trà - quản lý cửa hàng bia thủ công Pasteur Street trên phố Ấu Triệu - lần đầu chứng kiến cảnh khách ngồi kín hết 2 tầng của quán.
“Sau khi hết lệnh đóng cửa trước 21h, khách tìm đến rất đông vì có tâm lý đi chơi bù. Sang tuần thứ hai, số lượng có chững lại và tập trung chủ yếu vào cuối tuần”, chị Trà nói.
Theo nữ quản lý, với mô hình kinh doanh đồ uống có cồn, dù quán mở cả ban ngày, phần đông khách hàng thích đến vào buổi tối và ngồi đến khuya. Việc được mở thêm trong khoảng 2 tiếng đến 23h, giúp số lượng đặt bàn nhiều thêm.
“Hết lăn tăn việc đến giờ phải đứng dậy ra về như trước, giờ mọi người có thể 21h mới bắt đầu đi chơi. Cửa hàng có thể nhận đơn order cuối lúc 22h45, thay vì 20h30 đã phải rục rịch nhắc khách thanh toán như trước.
Kinh doanh dần khởi sắc, khối lượng bia tiêu thụ tăng lên. Cửa hàng nhập bia từ kho về hàng ngày, so với 2-3 ngày/lần vào các tháng trước”, nữ quản lý chia sẻ.
Khó khăn hiện tại nằm ở mặt nhân sự. Cuối tuần đông khách, nữ quản lý kiêm luôn nhiệm vụ nhận order, thu ngân hay rửa cốc.
“Quán đang thiếu nhân viên và dự tính tuyển thêm 3-4 người với yêu cầu bắt buộc phải biết tiếng Anh. Còn giờ, tùy vào số lượng khách mỗi ngày mà tôi sẽ sắp xếp bao nhiêu người trong ca”.
Nằm trong khu vực vốn tập trung đông khách Tây, cửa hàng bia mất đi khoảng 70% nguồn thu từ tập khách hàng này vì dịch. Nguồn thu hai năm qua chủ yếu đến từ lượng khách trong nước tăng lên và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
“Sau 2 tuần, khách nước ngoài đã lác đác xuất hiện lại. Tôi vẫn đang xem xét, dựa vào tình hình kinh doanh và du lịch để tính toán việc quay về giờ mở cửa cũ như trước khi có dịch, từ 11h thay vì là 14h như hiện tại”, chị Trà cho hay.
Mất thời gian quen lại guồng công việc cũ
Hơn một năm làm pha chế tại quán cà phê Puku mở 24/24 trên phố Tống Duy Tân cũng là khoảng thời gian công việc của anh Nguyễn Tiến Đạt gián đoạn nhiều lần do dịch bệnh.
Trong giai đoạn chỉ được phép bán mang về, khách của quán chủ yếu gọi đồ ăn, ít gọi đồ uống. Phần việc của anh Đạt do đó không nhiều. Những tháng đó, anh kiếm thêm thu nhập từ một số công việc nhỏ khác.
Hiện anh đã quay lại với khung giờ làm cũ, thường kéo dài từ 18h hôm trước đến 2h hôm sau. Quán mở cả ngày, song từ 21h trở đi là lúc khách kéo đến đông nhất.
Cửa hàng có 2 nhân viên pha chế chính, ca tối chủ yếu do Đạt đảm nhận.
Tuần đầu quán xá được mở muộn trở lại, nam pha chế mất vài ngày để quen dần với guồng công việc cũ. Những ngày đầu, cảm giác uể oải, chưa quen với khối lượng công việc nhiều lên xuất hiện.
“Các tháng trước, đến 21h là tôi chuẩn bị đi về. Còn hai tuần qua, nhiều lúc làm không hết việc, nhất là cuối tuần. Lúc bận rộn nhất, một mình ở trong quầy, tay lo pha chế còn mắt theo dõi liên tục các đơn order đồ uống ghim trên bảng”, anh Đạt chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Sơn Tùng - giám sát ca đêm tại cà phê Aroi trên cùng con phố - cho biết nửa tháng qua là lần đầu kinh doanh tạm thời ổn định sau hai năm dịch bệnh.
Những tuần trước đó, cứ đến gần 21h, nhân viên quán lại phải nhắc nhở khách chuẩn bị đến giờ ra về.
“Cái khó của giai đoạn đó là vừa duy trì bán hàng vừa giữ chân khách hàng. Bản thân mình muốn khách có thêm thời gian ngồi thoải mái cũng không được. Còn giờ, lượng khách hàng đi chơi muộn dần trở lại, dù tất nhiên chưa thể đông như cũ. Một số không còn duy trì thói quen tụ tập buổi đêm”, anh cho hay.
Dù đã làm công việc quản lý ca đêm trong 6 năm và quen nếp sinh hoạt về khuya, anh Tùng vẫn vất vả ở tuần đầu cửa hàng mở lại 24/24, khi ca làm kết thúc lúc 5-6h sáng hôm sau, thay vì 22h đã ra về như trước.
“Năng suất làm việc của tôi bị giảm nửa, một phần do thể trạng đi xuống sau thời gian mắc Covid-19, một phần do chưa quen. Hai năm qua là giai đoạn rảnh rỗi bất đắc dĩ, được tan làm sớm nhưng về nhà, tôi bị nhiều khoảng thời gian ‘chết’, không biết làm gì.
Như nhiều người kinh doanh khác, tôi mong việc kinh doanh hàng quán không bị gián đoạn thêm lần nào. Thu nhập của quản lý, nhân viên cũng sẽ được ổn định lại”, anh bày tỏ.