Nhân sự ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT nên được trao quyền bổ nhiệm, quản lý
Chuyên gia đồng tình với đề xuất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo được trao quyền bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc, cùng cơ chế tài chính thích hợp.
Thời gian qua, chúng ta nhắc nhiều trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục nhưng trên thực tế, không ít ý kiến đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiều trách nhiệm chứ chưa được giao quyền nhiều. Và các quyền liên quan đến đầu tư, tài chính, nhân sự cho giáo dục lại đang nằm tản mát ở nhiều nơi như Bộ Nội vụ, các cấp chính quyền địa phương...
Vì vậy, ngay sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải một số bài viết về kiến nghị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo được quản lý nhân sự theo ngành dọc đã có nhiều ý kiến xung quanh đề xuất này.
Ảnh minh họa.
Không được quản lý về nhân sự, ngành Giáo dục khó vận hành tốt
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Văn Phương ( Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV tỉnh Ninh Bình) cho rằng, chủ trương chung về cải cách hành chính, tăng cường chất lượng lãnh đạo của quản lý nhà nước là đẩy mạnh tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm cho các cấp để có sự chủ động.
Đối với đề xuất để Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý theo ngành dọc về nhân sự, ông Phương cho rằng, hiện nay ngành Giáo dục chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cùng chính quyền các cấp ở địa phương.
"Vì vậy, muốn thay đổi phương thức quản lý từ hiện nay sang theo ngành dọc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu, đánh giá và đề xuất phù hợp, có căn cứ khoa học quản lý, thực tiễn", ông Phương nhận định.
Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), trước khi Bộ Giáo dục, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề sáp nhập (năm 1990), hai bộ này có cách thức quản lý tài chính, nhân sự khác so với hiện nay. Sau khi được hợp nhất, Chính phủ phân cấp quản lý về giáo dục và đào tạo đã thay đổi. Các quyền liên quan đến tài chính, tuyển dụng nhân sự nằm tản mát ở ngành Nội vụ, chính quyền các cấp ở địa phương.
"Việc phân cấp, phân quyền ở thời điểm đó cũng đã có những nghiên cứu. Tuy nhiên, ngành giáo dục lại có tính đặc thù trên toàn quốc, nên việc phân cấp quản lý đã có sự ảnh hưởng.
Trong những năm gần đây, việc tinh giản biên chế thực hiện theo chủ trương chung, tài chính chi cho giáo dục không đạt 20% như Luật quy định đã gây ra sự bất cập. Đặc biệt, việc các địa phương quản lý về tài chính, nhân sự ngành Giáo dục, trong khi mỗi nơi lại có sự khác nhau về điều kiện kinh tế, xã hội", Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, việc các địa phương phải tinh giản 10% biên chế viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, lại càng khiến cho câu chuyện về nhân sự trong ngành Giáo dục trở nên "căng thẳng" hơn.
Vì thế, cần nghiên cứu, đánh giá về đề xuất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý quản lý nhân sự theo ngành dọc. Bởi ngành Giáo dục cũng tương tự như ngành Y tế cần sự thống nhất quản lý toàn ngành, và phải có sự chuẩn bị trước khi có sự thay đổi về quy mô dân số.
"Ví như năm nay là năm Giáp Thìn, năm "Rồng vàng", quy mô dân số sẽ có sự gia tăng khi các gia đình lựa chọn sinh con vào năm con giáp này. Nếu ngành Giáo dục không có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, trường lớp, trong những năm tới ngành sẽ phải đối mặt với những khó khăn nêu trên. Vì vậy, việc chuẩn bị cho giáo dục là phải mang tính dài hạn", ông Lê Đông Phương nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý theo ngành dọc không khó thực hiện
Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0, Sở có thể quản lý các cấp học dựa trên ứng dụng công nghệ công thông tin. Đồng thời, trên cùng một địa bàn tỉnh, có cùng nhiều điểm chung, Sở sẽ điều chỉnh tốt về giáo viên, nhân viên từ vùng này sang vùng kia trên địa bàn tỉnh.
"Thực tế hiện nay, mô hình Phòng Giáo dục ở cấp huyện đang ở trong trạng thái" có thì thừa, vắng thì thiếu" vì vậy đơn vị Phòng trực thuộc Sở là tốt nhất", Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định.
Trước câu hỏi liệu có khó khăn nếu trao quyền bổ nhiệm, quản lý nhân sự thống nhất theo ngành dọc cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Phương cho rằng, chỉ có sự thay đổi về phương thức phân bổ tài chính, nhân sự, nên cũng không có sự thay đổi nhiều so với cơ chế hiện nay.
Trách nhiệm phải đi kèm với nguồn lực
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, ông đồng tình với đề xuất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo được trao quyền bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc, cùng cơ chế tài chính thích hợp. Về nguyên tắc, trách nhiệm phải đi kèm với nguồn lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiều trách nhiệm thì phải đi kèm với các quyền đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo đó, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về hai mảng trên, ông Nguyên nhận định có những bài toán sẽ được đặt ra với ngành.
Cụ thể, Bộ muốn nâng chất lượng giáo dục phải đưa ra những giải pháp đột phá cho từng vấn đề nổi cộm. Như câu chuyện thừa thiếu giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho giảng dạy, lương giáo viên...
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra phương pháp tổ chức nhân sự như thế nào, để nguồn nhân lực được hạnh phúc, cống hiến và có năng lực tốt hơn.
Các vấn đề liên quan trong hoạt động của giáo dục và đào tạo càng cần tăng cường minh bạch hơn. Ví dụ như hiện nay, nhà trường được đầu tư ngân sách hằng năm bao nhiêu, cộng đồng và xã hội giám sát bằng cách nào?
Khi thực hiện minh bạch trong các hoạt động liên quan, đồng nghĩa với việc tiêu cực sẽ giảm", ông Nguyên cho hay. Muốn làm được những điều này cần một cách thức thống nhất, thay vì mỗi nơi làm một kiểu.
Ông Nguyên chia sẻ thêm, tại nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện tại, đã có những sự chấn chỉnh trong giáo dục như quyết tâm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, hướng từ đào tạo nội dung kiến thức sang đào tạo về xây dựng năng lực. Đây là tư duy đột phá hợp với sự phát triển của nền giáo dục các nước.