Nhân sự và tài chính - 2 thách thức đối với các đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm

Kiểm nghiệm thực phẩm là một hình thức kiểm soát chất lượng thực phẩm nhằm đảm bảo uy tín của nhà sản xuất cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động kiểm nghiệm được đánh giá cũng luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe; vi khuẩn, phụ gia thực phẩm đa dạng, phức tạp.

 Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư

Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư

Kiểm nghiệm thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Để kiểm nghiệm thực phẩm có giá trị và chính xác, quá trình lấy mẫu trong kiểm nghiệm thực phẩm phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt.

Trong những năm gần đây, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam được chú trọng đầu tư giúp cho hoạt động kiểm nghiệm ngày càng nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các đơn vị kiểm nghiệm cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Báo PNVN có trao đổi với tiến sĩ Diệp Ngọc Sương - chuyên gia về kiểm nghiệm (Hội Hóa học TPHCM) - xung quanh vấn đề này.

+ Bà đánh giá thế nào về hoạt động kiểm nghiệm, đặc biệt là kiểm nghiệm thực phẩm hiện nay?

Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương: Hiện nay, các đơn vị kiểm nghiệm cũng như hoạt động kiểm nghiệm đã đạt được những chuẩn mực quốc tế; đủ khả năng đáp ứng những quy chuẩn về an toàn của Việt Nam, quốc tế về chất lượng thực phẩm.

Có nhiều công ty về thiết bị, máy móc kiểm định lớn của các nước vào thị trường Việt Nam, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, cho nên các đơn vị kiểm nghiệm có thể dễ dàng tiếp cận với các thiết bị, máy móc hiện đại.

Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe góp phần đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng

Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe góp phần đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng

Không chỉ các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm của nhà nước với uy tín lâu đời mà các công ty, phòng thí nghiệm tư nhân cũng được thành lập và đạt các các yêu cầu chuẩn mực quốc tế; cung cấp số liệu an toàn, đáng tin cậy, giúp cho hoạt động kiểm nghiệm ngày càng tốt hơn.

+ Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động kiểm nghiệm gặp phải những khó khăn, thách thức nào, thưa bà?

Nói chung là công tác kiểm nghiệm lúc nào cũng có những khó khăn phải vượt qua. Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe, ngày càng đòi hỏi về chất lượng thực phẩm. Điều này đòi hỏi công tác kiểm nghiệm phải đúng chuẩn mực. Trong đó, các quy trình, thiết bị và cả con người đều đảm bảo đúng chuẩn quốc tế. Các đơn vị phải đầu tư trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, hạn chế tối đa những rủi ro trong kiểm nghiệm.

Đối với các đơn vị kiểm nghiệm, khó nhất là vấn đề nhân sự và tài chính để đầu tư trang thiết bị, máy móc. Khi đầu tư được máy móc, thiết bị rồi thì lại phải đầu tư vào vận hành, hóa chất, dung môi cũng phải đạt chuẩn, những thứ này chi phí không hề rẻ.

+ Hiện nay, ngoài việc đầu tư phát triển về các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại, đòi hỏi đơn vị kiểm định cũng cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động đánh giá nguy cơ nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học hỗ trợ công tác quản lý an toàn thực phẩm; bà đánh giá thế nào về điều này?

Không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển trên thế giới thì hoạt động nghiên cứu, dự báo, đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm cũng là thách thức không nhỏ. Đối với thực phẩm là lĩnh vực, thị trường rộng thì càng vô cùng. Khi trình độ, máy móc ngày càng hiện đại thì cố gắng để đáp ứng được điều này.

+ Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Mộc Miên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhan-su-va-tai-chinh-hai-thach-thuc-doi-voi-cac-don-vi-kiem-nghiem-thuc-pham-20241217135357624.htm