Nhân tài, ngổn ngang trăm mối...

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu chiến lược là thu hút người có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng cống hiến đặc biệt tạo tiến bộ cho lĩnh vực, địa phương, đất nước...

Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là rất rõ, nhưng xung quanh câu chuyện giới thiệu, tiến cử, thu hút nhân tài vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Ấy là chuyện lợi dụng chính sách thu hút để đưa người nhà, người thân vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nếu quy trình giới thiệu, tiến cử, tuyển dụng không bảo đảm chặt chẽ, khách quan, dân chủ; người đứng đầu không đặt lợi ích, sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương lên trên hết, trước hết thì việc thu hút người nhà thay vì người tài là điều có thể dự báo.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Đáng lo ngại hơn là chuyện chọn nhầm nhân tài-những người giả danh trí thức, đột lốt nhân tài. Hiện nay, không khó để mỗi người tự trang bị cho mình một hồ sơ công việc với đủ các loại bằng cấp sáng láng. Hơn nữa, những tiêu chí khá cứng nhắc trong tuyển dụng, trọng dụng cán bộ liên quan đến bằng cấp vô hình trung tạo nên tâm lý sính bằng cấp trong xã hội. Người người đua nhau học để lấy bằng cấp nọ, chứng chỉ quốc tế kia, nhưng thực chất là học giả, học hình thức, thậm chí có người mua bằng cấp để đánh bóng tên tuổi và từ đó “chui sâu, leo cao" trong bộ máy.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hiền tài ở nước ta không hề hiếm, không khó tìm, nhưng câu chuyện “chiêu hiền đãi sĩ” vẫn là trăn trở của những người tâm huyết. Ví như câu chuyện của TP Hồ Chí Minh cách đây mấy năm, khi thành phố thực hiện thí điểm đề án thu hút nhân tài giai đoạn 2014-2018 và tuyển được 19 chuyên gia với mức lương tối đa 150 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến năm 2019, khi triển khai chính thức, mức thu nhập giảm còn 13-15 triệu đồng/tháng thì chỉ còn 5 người ở lại.

Dẫu vậy, chế độ đãi ngộ không phải là vấn đề duy nhất khiến cho việc thu hút nhân tài đã khó, nhưng giữ được họ lại càng khó hơn. Nhiều nơi mặc dù có chế độ đãi ngộ rất tốt về mọi mặt, nhưng vì sao người tài vẫn ra đi? Phải chăng vấn đề nằm ở môi trường làm việc, thu hút nhưng không trọng dụng, sử dụng nhân tài chưa đúng? Bởi lẽ, nhân tài cần có “đất dụng võ”, để họ được thể hiện hết năng lực vượt trội, được cống hiến xứng đáng với chế độ đãi ngộ, chứ không phải thu hút, mời gọi về rồi thời gian đầu chỉ giao việc vặt, pha trà, rót nước... và sử dụng họ như những nhân viên mới còn non yếu kinh nghiệm. Nếu người lãnh đạo không biết dụng nhân thì người tài cũng không có giá trị.

Chính sách đối với nhân tài ở nước ta vẫn là chuyện xoay quanh việc thu hút, đãi ngộ, trọng dụng và sử dụng nhân tài. Chỉ khi giải quyết căn cơ được những vấn đề trên thì việc vận hành chính sách mới bảo đảm hiệu quả. Nếu không, nguy cơ “chảy máu chất xám” từ công sang tư, từ trong nước ra nước ngoài là điều khó tránh. Minh chứng rõ nhất là chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, có đến hàng chục nghìn cán bộ công chức, viên chức nhà nước “dứt áo ra đi”, mà trong số ấy sẽ có không ít người tài!

MINH MẠNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nhan-tai-ngon-ngang-tram-moi-738450