Nhân tài và dòng vốn dồi dào 'tháo chạy', Điện Kremlin 'oằn mình' chống đỡ, kinh tế Nga cần xoa dịu?

Trong một bài đăng trên trang Fortune, GS.Jeffrey Sonnenfeld, hiệu phó cao cấp tại Trường Quản trị Yale nhận định, năm 2023, những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ có thể sẽ tiếp tục 'giáng đòn' xuống nền kinh tế Nga, vì vậy, Điện Kremlin sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để xoa dịu nền kinh tế.

Điện Kremlin đã phải hỗ trợ nền kinh tế Nga bằng nhiều biện pháp. (Nguồn: CNN)

Điện Kremlin đã phải hỗ trợ nền kinh tế Nga bằng nhiều biện pháp. (Nguồn: CNN)

Nga mất vĩnh viễn hơn 1.000 doanh nghiệp đa quốc gia

Khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng nổ, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lâu dài bao gồm kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm, tịch thu tài sản của giới tinh hoa, trừng phạt tài chính, cố định tài sản của ngân hàng trung ương Nga và loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi SWIFT.

Hơn 1.000 công ty toàn cầu đã tự nguyện chọn rời khỏi Nga, sau khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Những doanh nghiệp này đã thoái vốn hoặc đang trong quá trình tách hoàn toàn khỏi Nga và không có kế hoạch quay trở lại.

Những công ty nói trên có doanh thu tương đương 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga, sử dụng 12% lực lượng lao động của đất nước.

Doanh thu năng lượng giảm mạnh

Nền kinh tế Nga từ lâu đã bị chi phối bởi dầu mỏ và khí đốt. Hai mặt hàng này chiếm hơn 50% doanh thu của chính phủ, hơn 50% thu nhập xuất khẩu và gần 20% GDP mỗi năm.

Trong những tháng đầu tiên sau chiến dịch quân sự, thu nhập từ năng lượng của Tổng thống Nga Vladimi Putin tăng vọt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo các nhà kinh tế của Deutsche Bank, ông Putin đã mất 500 triệu USD/ngày từ xuất khẩu dầu khí so với mức cao nhất của năm ngoái.

Năm ngoái, Nga "lạnh lùng" từ chối vận chuyển khí đốt tự nhiên từ châu Âu - nơi từng mang đến 86% doanh số bán khí đốt cho Moscow. Tuy nhiên, mùa Đông ấm hơn bình thường và nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu tăng lên đã khiến Nga mất đi vị thế là nhà cung cấp chính cho châu Âu.

Hiện mức độ phụ thuộc vào năng lượng Nga của châu Âu đã giảm xuống còn 7% và sẽ sớm về mức 0.

Để thay thế châu Âu, người đứng đầu nước Nga đã xoay trục sang châu Á. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng đường ống hạn chế, ông Putin chỉ kiếm được 20% thu nhập từ khí đốt so với mức trước đây.

Bên cạnh đó, ngành năng lượng Nga cũng gặp phải "cơn mưa" các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây như giới hạn giá dầu ở mức 60 USD/ounce, cấm vận chuyển dầu bằng đường biển hay áp giá trần với dầu diesel.

Nhân tài và dòng vốn dồi dào "tháo chạy"

Kể từ tháng 2/2022, hàng triệu người Nga đã rời quốc gia này. Kiều hối từ Moscow đến các nước láng giềng đã tăng hơn 10 lần và những quốc gia này nhanh chóng thu hút các doanh nghiệp cũ của Nga.

Ví dụ, ở Uzbekistan, Công viên Công nghệ thông tin Tashkent đã chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm là 223% về doanh thu và tăng trưởng 440% về tổng kim ngạch xuất khẩu công nghệ.

Hay Công ty đầu tư AngelsDeck chi nhánh Dubai của Nikolai Denisov cũng đang không ngừng phát triển. Lượng thành viên tại đây đã tăng 10 lần, lên 300 người kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Năm 2022, Nga "đổ xô" đến Dubai mua bất động sản, đầu tư mạo hiểm, thành lập công ty.

Nền kinh tế Nga đang được Điện Kremlin chống đỡ

Nga trong lịch sử là nhà cung cấp hàng hóa hàng đầu cho nền kinh tế thế giới, với thị phần hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và kim loại.

Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khiến quốc gia không còn liên quan đến nền kinh tế thế giới. Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã khiến Moscow "cách ly" với thế giới. Người tiêu dùng luôn dễ dàng thay thế các nhà cung cấp hàng hóa không đáng tin cậy, trong khi đó, các nhà sản xuất thì khó tìm thị trường mới.

Điện Kremlin đã phải hỗ trợ nền kinh tế bằng nhiều biện pháp. Theo GS.Jeffrey Sonnenfeld, sự kiểm soát của Điện Kremlin ngày càng len lỏi vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế Nga, với ngày càng ít không gian dành cho sự đổi mới của khu vực tư nhân.

Song song với đó, Ngân hàng trung ương Nga cũng nhanh chóng đưa ra những biện pháp đối phó. Ngân hàng này đã tăng lãi suất cơ bản lên 20% và áp đặt các hạn chế hà khắc đối với việc trao đổi tiền tệ, rút tiền và chuyển tiền cứng ra nước ngoài. Các biện pháp đã đảo ngược sự trượt giá của đồng Ruble.

Dù vậy, những biện pháp này đã được chứng minh là tốn kém.

GS.Jeffrey Sonnenfeld cho rằng, chi tiêu chính phủ tăng 30% so với năm trước. Ngân sách liên bang năm 2022 của Nga bị thâm hụt 2,3% - vượt quá mọi ước tính mặc dù ban đầu lợi nhuận đến từ ngành năng lượng tăng cao.

Ông Oleg Vyugin, cựu Thứ trưởng Tài chính và cựu Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga nhận định: “Hiệu lực của các lệnh trừng phạt từ phương Tây còn kéo dài và quá trình trừng phạt vẫn chưa kết thúc".

Bước sang năm 2023, những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ có thể sẽ tiếp tục "giáng đòn" xuống nền kinh tế Nga, vì vậy, Điện Kremlin sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để xoa dịu nền kinh tế.

(theo Fortune)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhan-tai-va-dong-von-doi-dao-thao-chay-dien-kremlin-oan-minh-chong-do-kinh-te-nga-can-xoa-diu-217409.html