Nhân tài và… nhân tai!

Ở bất kỳ thời đại nào hay quốc gia nào cũng đều coi trọng hiền tài, bởi hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn. Dân tộc Việt phát triển hưng thịnh như ngày hôm nay ...

Bài viết có nội dung sai sự thật trên FRA

(baophutho.vn) - Ở bất kỳ thời đại nào hay quốc gia nào cũng đều coi trọng hiền tài, bởi hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn. Dân tộc Việt phát triển hưng thịnh như ngày hôm nay cũng nhờ chính sách lựa chọn, đào tạo, trọng dụng cán bộ có năng lực “vừa hồng vừa chuyên” của Đảng, Nhà nước kế thừa cách dùng người tài khéo léo, linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tính chất ưu việt, nhân văn của chế độ XHCN, chưa khi nào người Việt có cơ hội phát triển, thể hiện, cống hiến tài năng như hiện nay…

Mới đây, trả lời Đài Á châu tự do (RFA) Giáo sư Nguyễn Đình Cống đã cho rằng: “Nếu cán bộ lãnh đạo do Đảng lựa chọn thì rất khó có được cán bộ giỏi dù cho là bằng bầu cử hay thi tuyển, vì rằng tiêu chuẩn số một là lòng trung thành với Đảng, với Mác Lê. Những người giỏi chân chính thường không có lòng trung thành ấy lại hay có ý kiến phản biện, họ đã bị loại ngay từ vòng đầu...”; “Phải có nhiều người giỏi đã mới có nguồn để tuyển chọn. Người giỏi trước hết là do Trời sinh ra, rồi có môi trường thuận lợi để phát triển. Môi trường tốt là tự do dân chủ. Vậy để có nhiều người giỏi cho Đảng lựa chọn thì trước hết phải tạo ra môi trường tự do, quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do phản biện và phải bỏ tiêu chuẩn trung thành với lý tưởng của Đảng trong lựa chọn. Bóp nghẹt tự do tư tưởng, tạo ra dân chủ giả hiệu thì chỉ vùi dập nhân tài, tiêu chuẩn trung thành chỉ nhằm loại bỏ nhân tài. Đường lối cán bộ của ĐCSVN phạm một số sai lầm về phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo đường lối đó dù có tổ chức thi tuyển kiểu nào cũng chủ yếu chọn được bọn người cơ hội…”.

Cái loa rè FRA chuyên xuyên tạc, “gắp lửa bỏ tay người”, chống phá thành tựu cách mạng, bôi xấu chế độ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam thì chẳng ai lạ nhưng thật khó tưởng tượng một người có học thức (học hàm Giáo sư) mà có những nhận định lệch lạc, phát ngôn hàm hồ đến như vậy.

Sinh viên Trường Đại học Hùng Vương được tạo điều kiện thuận lợi nghiên cứu khoa học, phát triển tài năng.

Ảnh: Tư liệu

Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng người tài giúp nước, giúp dân. Dẫu khó khăn chồng chất nhưng Hồ Chủ tịch và Chính phủ luôn quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy tài năng sáng tạo của mình góp sức vào cuộc kháng chiến kiến quốc. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhân sĩ trí thức có tài có đức đã nhiệt tình tham gia chính quyền cách mạng và được giao những nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh… Đặc biệt, nhiều Việt kiều trí thức đã từ bỏ vinh hoa phú quý ở nước Pháp trở về quê hương, chịu đựng khó khăn, gian khổ, tham gia kháng chiến đóng góp công sức cho cách mạng như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sỹ Trần Hữu Tước…

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/ 1947), Bác nhấn mạnh “…Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng, không có những người đó thì cuộc cách mạng còn khó khăn thêm nhiều…”. Phát huy truyền thống coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia, thấm nhuần tư tưởng trọng dụng người tài đức của Bác Hồ, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta chủ trương đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy tốt vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhấn mạnh quan điểm “Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Ngày 30/5/2019, Ban Bí thư (khóa XII) ban hành Kết luận số 52-KL/TW, về “tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương Bảy, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”…

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Và cũng chưa bao giờ đội ngũ trí thức có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển, thể hiện, cống hiến tài năng như hiện nay. Tất nhiên tài luôn phải đi kèm với đức, có tài mà không có đức là người vô dụng. Và thực tế cũng đã cho thấy, những kẻ có tài (hay mang tiếng là có tài) hoặc bất tài nhưng mang tâm địa hẹp hòi, cơ hội chính trị, rắp tâm chống phá, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng thì đều là… nhân tai, mối họa cần sớm được nhận diện, đấu tranh loại bỏ.

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202201/nhan-tai-va%E2%80%A6-nhan-tai-182419