Nhận thức đầy đủ hơn vai trò của xây dựng môi trường văn hóa trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế
Ngày 14/3/2022, tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức Lễ phát động triển khai chủ đề năm công tác 2022 của Ngành VHTTDL: 'Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ'. Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có những trao đổi với ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL.
Thưa ông, năm 2022, Bộ VHTTDL đề ra chủ đề công tác của năm là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ", đối với riêng lĩnh vực văn hóa, xin ông cho biết vì sao trong năm nay chúng ta lại chọn chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở"?
Như chúng ta đã biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như phát triển kinh tế trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa xã hội là nền tảng tinh thần, đảm bảo an ninh quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên.
Có thể thấy, đây là những nhiệm vụ để phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chúng ta đã biết môi trường văn hóa là nơi hình thành nhân cách con người, nơi diễn ra những giá trị văn hóa, những trao đổi, lưu giữ. Ngoài ra môi trường văn hóa còn là nơi để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, nơi để tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Ngay sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công, các cấp các ngành, Bộ VHTTDL đã tập trung triển khai ngay những nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết. Trong đó, chủ đề công tác trong năm đầu tiên được Bộ xác định là năm cơ chế chính sách. Theo đó, chúng ta tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, rà soát những bất cập, tồn tại cần điều chỉnh để chuẩn bị cho các năm tiếp theo được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ.
Trong năm thứ 2, chúng ta chọn chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ". Trong đó, chúng ta tập trung hướng về môi trường văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa bắt đầu từ cơ sở, gia đình, làng thôn ấp bản, cơ quan đơn vị doanh nghiệp để làm sao tạo được sự đồng bộ để xây dựng được môi trường văn hóa thực sự văn minh hiện đại, phong phú đa dạng giúp thực hiện tốt thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược Văn hóa đến năm 2030 đã xác định.
Xin ông cho biết, khi đưa ra chủ đề như vậy, chúng ta có đặt ra mục tiêu, cụ thể nào không?
Trong tổng kết đánh giá để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ, ngoài các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thì cũng nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế và khó khăn.
Theo đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, một số nơi, một số cấp, ngành còn chưa toàn diện đầy đủ, chưa gắn trách nhiệm việc xây dựng môi trường văn hóa với tổng thể xây dựng kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Do vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ rất trọng tâm để chúng ta thực hiện tốt các giải pháp đã được Đảng, Nhà nước đề ra đối với ngành Văn hóa.
Tại sao chúng ta chúng ta chọn chủ đề này, chúng ta có thể thấy, văn hóa cơ sở có đóng góp rất lớn về mặt tinh thần, nhận thức, bản chất, lối sống con người, những giá trị văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm, nhất là qua đợt dịch đã được khơi dậy rất mạnh mẽ. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp chúng ta chấn hưng nền văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, trong đó có những đánh giá tích cực, chỉ ra những hạn chế, từ đó chỉ đạo chúng ta phải khắc phục triệt để, hiệu quả từ các cấp các ngành. Theo đó, đầu tiên là phải thay đổi nhận thức đầy đủ về vai trò ý nghĩa của xây dựng môi trường văn hóa trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Được biết, ngày 14/3 tới, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ" tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Việc chọn tổ chức Lễ phát động ngay trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy điều gì, có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
Ngay sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ký quyết định về việc tổ chức Lễ phát động, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với các bộ ngành, cơ quan đơn vị và tỉnh Nghệ An chuẩn bị mọi công tác để tổ chức Lễ phát động đúng tầm trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới đánh giá là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất… nơi tổ chức cũng là nơi chúng ta sẽ báo công với Bác những kết quả đã làm được trong những năm qua. Đây cũng là dịp chúng ta hứa với Bác thực hiện tốt những lời căn dặn của Người để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng lòng nhất trí tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra, nhất là về lĩnh vực văn hóa. Bởi vậy, đây là nơi diễn ra rất ý nghĩa, quan trọng.
Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 03, 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, Bác là hiện thân của sự tinh túy văn hóa dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, từ lối sống đến nhân cách và trí tuệ… tạo ra niềm cảm hứng cho cán bộ, nhân dân trong nước và quốc tế.
Việc tổ chức Lễ phát động trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời khẳng định của Ngành VHTTDL sẽ tiếp tục học tập làm theo lời Bác, tiếp tục đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội mà Bác và Đảng ta đã lựa chọn để xây dựng nền văn hóa của chúng ta tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ phát động sẽ có những hoạt động nổi bật nào thưa ông?
Đến nay, Cục Văn hóa cơ sở đã cùng với tỉnh Nghệ An triển khai xong công tác chuẩn bị cho sự kiện lớn này. Trước khi sự kiện diễn ra, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ dâng hoa, dâng hương báo công với Bác tại Khu di tích Kim Liên; Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ đọc thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại lễ phát động, chúng ta sẽ có một số hoạt động nổi bật.
Bên cạnh với Chương trình nghệ thuật văn hóa, các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng sẽ thực hiện Lễ ấn nút nhằm tạo ra dấu ấn chúng ta chuẩn bị cho giai đoạn mới, cho nhiệm kỳ mới để chúng ta thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược Văn hóa đến năm 2030.
Sau đó sẽ đi thăm mô hình nông thôn mới tiêu biểu của huyện Nam Đàn, giới thiệu những tinh túy của văn hóa, chúng ta cũng tập trung kết nối giữa văn hóa và các ngành nghề khác của địa phương.
Ngay sau Lễ phát động này, chúng ta sẽ triển khai những nhiệm vụ cụ thể nào để thực hiện các mục tiêu đã đề ra thưa ông?
Chúng tôi sẽ tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch cụ thể giúp các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra của chương trình này. Trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyên truyền tốt sẽ tạo sức mạnh tổng hợp hiệu quả để nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của văn hóa trong xây dựng phát triển kinh tế, chính trị. Đây là nhiệm vụ mà chúng ta cần tập trung làm sớm, quyết liệt.
Chúng ta cũng có thể thấy rằng, trong xây dựng một trường văn hóa, văn hóa là lĩnh vực rộng, do đó xây dựng đòi hỏi cần thời gian nguồn lực và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.
Do vậy, chúng ta không đặt quá nhiều mục tiêu trong lễ phát động này mà mục đích là sự khởi đầu để chúng ta "gióng hồi chuông" để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, rõ hơn, bản chất, ý nghĩa, mục tiêu, mục đích của xây dựng môi trường văn hóa trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Đây là cái mà chúng ta cần có cách làm bài bản, cụ thể.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng sẽ tham mưu để ban hành kế hoạch xây dựng một số chương trình trọng điểm, mô hình hay, cách làm sáng tạo để qua đó nhân rộng sau khi sơ kết, tổng kết. Đây có thể là việc chúng ta cần phải làm ngay sau lễ phát động.