Nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Thời gian qua, Việt Nam đã có chủ trương tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi để đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phát triển bền vững. Công tác quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được các cơ quan quản lý triển khai tương đối hiệu quả, qua đó tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Bài viết trao đổi về các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đồng thời, đưa ra một số vấn đề cần đặt ra trong thời gian tới.
Nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Theo Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá, nội dung quản lý nhà nước (QLNN) về thẩm định giá gồm: Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam; Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá; Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Thẩm định giá tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Quy định chế độ báo cáo, thu thập, tổng hợp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và QLNN về thẩm định giá; Quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; Quản lý và tổ chức thi, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá; Quản lý, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá; Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về thẩm định giá. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, có thể thấy một số nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá như sau:
Các yếu tố ảnh hưởng bên trong
Một là, việc ban hành các quy định hướng dẫn về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Trong quá trình quản lý, các cơ quan QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cần thực hiện nhiệm vụ ban hành văn bản, quy định hướng dẫn về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, tạo cơ sở pháp lý thực hiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Việc xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật và quy định hướng dẫn sẽ có tác động tích cực và mang lại hiệu quả cho công tác quản lý.
Hoạt động thẩm định giá có nhiều thay đổi, phát triển cả về số lượng thẩm định viên và số lượng ctổ chức hoạt động thẩm định giá. Đến nay, cả nước có 300 DN thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề. Tuy nhiên, do tăng nhanh về số lượng, trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho sự ra đời và hoạt động, nên hoạt động của DN thẩm định giá vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập.
Thực tiễn cho thấy, hệ thống khuôn khổ pháp luật về thẩm định giá (luật, nghị định, thông tư và các quyết định) đã được ban hành còn chồng chéo, thậm chí còn chưa phản ánh sát tình hình kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Không ít tình huống nằm ngoài phạm vi hoặc chưa được quy định trong Luật, do đó, cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Chẳng hạn như trong quá trình tổ chức thi hành các quy định hướng dẫn chi tiết Luật Giá tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế và bất cập trong quá trình cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, cũng như quản lý điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá. Điều này dẫn đến số lượng doanh nghiệp (DN) thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013-2020… Do vậy, việc xây dựng, ban hành văn bản và các quy định hướng dẫn về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của cơ quan QLNN là một yếu tố có ảnh hưởng đến công tác QLNN đối với lĩnh vực này.
Hai là, bộ máy quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Bộ máy quản lý là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến công tác QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Việc tổ chức tốt bộ máy triển khai có tính quyết định đến việc thực thi và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với lĩnh vực này. Theo Điều 5 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP về thẩm quyền QLNN về thẩm định giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về thẩm định giá như sau: Xây dựng, trình Chính phủ quyết định chiến lược và kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá ở Việt Nam; Xây dựng, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển nghề thẩm định giá, các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Quy định điều kiện dự thi, việc tổ chức thi và điều kiện để cấp Thẻ thẩm định viên về giá; quản lý, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá; QLNN trong lĩnh vực thẩm định giá đối với DN thẩm định giá, tổ chức nghề nghiệp thẩm định giá theo quy định của pháp luật; Thực hiện hợp tác quốc tế về thẩm định giá; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá; Tổng kết, đánh giá về hoạt động thẩm định giá; Quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá; Quy định chế độ báo cáo, thu thập, tổng hợp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và QLNN về thẩm định giá...
Trong khi đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Thực hiện QLNN về hoạt động thẩm định giá theo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý... UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Thực hiện QLNN về hoạt động thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương...
Ba là, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là những người trực tiếp tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Do vậy, năng lực, trình độ của các cán bộ, công chức là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng các văn bản pháp luật nói chung và QLNN đối với kinh doanh dịch vụ thẩm định giá nói riêng. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý thẩm định giá đòi hỏi phải có tư duy khoa học, kinh nghiệm thực tế và khả năng nghiên cứu và am hiểu các văn bản chính sách pháp luật của Nhà nước.
Các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài
Một là, pháp luật, chính sách của Nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Hoạt động thẩm định giá bắt đầu được thực hiện theo quy định tại pháp lệnh Giá được ban hành và có hiệu lực năm 2002. Tuy nhiên, hoạt động thẩm định giá chỉ phát triển khi Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 3/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá và sau đó là các thông tư, quyết định hướng dẫn liên quan đến hoạt động thẩm định giá được ban hành đánh dấu sự phát triển của nghề thẩm định giá ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, hoạt động thẩm định giá có nhiều thay đổi, phát triển cả về số lượng thẩm định viên và số lượng các tổ chức tham gia thị trường thẩm định giá.
Nhằm đáp ứng sự phát triển về kinh tế và các hoạt động kinh doanh trong tình hình mới, ngày 20/6/2012, Quốc hội ban hành Luật Giá số 11/2012/QH13. Tiếp đó, ngày 06/08/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá. Sau đó, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Tài chính - đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về thẩm định giá với các nhiệm vụ, quyền hạn cũng đã ban hành hàng loạt Thông tư hướng dẫn như: Thông tư số 46/2014/TT-BTC, Thông tư số 38/2014/TT-BTC, Thông tư số 204/2014/TT-BTC, Thông tư số 11/2019/TT-BTC… Các văn bản trên là cơ sở để triển khai các thủ tục hành chính về thành lập DN cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời, góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách theo hướng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời để tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù hành lang pháp lý về thẩm định giá thường xuyên được quan tâm sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh, nhưng quy định của pháp luật về thẩm định giá còn chưa thống nhất giữa các ngành, một số lĩnh vực, thậm chí có tình trạng mâu thuẫn, chia cắt… Từ đó, gây ra khó khăn đối với việc thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá và trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền và khách hàng thẩm định giá.
Hai là, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để thực thi chính sách
Có thể hiểu “cơ chế phối hợp” chính là “phương thức tổ chức hoạt động của các cơ quan, tổ chức lại với nhau để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm thực hiện mục tiêu chung”. Trong lĩnh vực QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý các cấp có vai trò quan trọng, quyết định hiệu quả quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến DN là đối tượng quản lý và vừa là mục tiêu của quản lý.
Hiện nay, QLNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được quy định rõ trong Luật Giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn một số vấn đề, đặc biệt là liên quan đến giá đất vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Ba là, yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế
Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020” được ban hành theo Quyết định số 623/QĐ-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính đưa ra định hướng phát triển nghề thẩm định giá tài sản ở nước ta phải đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, để đáp ứng với các cam kết quốc tế, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực thẩm định giá nói chung và QLNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá nói riêng, bởi đây là một lĩnh vực mới. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ở nước ta tuy đã được cải thiện đáng kể song về nhiều mặt còn hạn chế như hệ thống pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ và nhất quán. Các DN chỉ chú trọng vào lợi nhuận mà chưa quan tâm đến chất lượng, quy mô các DN thẩm định giá chủ yếu quy mô nhỏ và vừa... Từ đó, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các DN trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Bốn là, năng lực, trình độ phát triển của doanh nghiệp
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hoạt động thẩm định giá có nhiều thay đổi, phát triển cả về số lượng thẩm định viên và số lượng các tổ chức tham gia hoạt động thẩm định giá. Tính đến nay, có 300 DN thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề. Tuy nhiên, do tăng nhanh về số lượng, trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho sự ra đời và hoạt động, nên vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập của DN thẩm định giá như: Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý DN chưa được đào tạo bài bản; trình độ am hiểu luật pháp, hệ thống thị trường còn yếu...
Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có những hành vi dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Trên thực tế, tình trạng DN này cạnh tranh với DN khác bằng cách chào giá dịch vụ thấp hơn, thậm chí bằng một nửa DN khác cùng tham gia cung ứng dịch vụ thẩm định giá cùng một loại tài sản cho cùng một khách hàng thẩm định giá vẫn diễn ra khá phổ biến. Ví dụ như: Giảm giá dịch vụ 50% - 60% so với mức giá công bố; Chào giá dịch vụ thấp đi liền với việc thỏa thuận ngầm với khách hàng thẩm định giá về “chiết khấu” “hoa hồng”, cung ứng dịch vụ khác đi kèm không thu tiền, chấp nhận các điều kiện của khách hàng không phù hợp với quy định…
Một số vấn đề đặt ra
Ở Việt Nam, dịch vụ thẩm định giá có vai trò đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế đã chuyển một cách cơ bản từ cơ chế giá hành chính sang cơ chế giá thị trường. Công tác QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cần phải thay đổi để phù hợp và thích ứng với từng thời kỳ và hoàn cảnh. Thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế của lĩnh vực thẩm định giá và tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đặt ra một số vấn đề cần chú trọng trong thời gian tới. Cụ thể:
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thẩm định giá phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong đó, nghiên cứu ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với hoạt động thẩm định giá, đặc biệt là đối với các DN thẩm định giá và thẩm định viên về giá. Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, trong đó có bổ sung nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh của DN thẩm định giá và điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá.
Xây dựng đội ngũ công chức
Năng lực, trình độ của các cán bộ công chức là yếu tố quan trọng công tác QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, do vậy, việc đào tạo đội ngũ cán bộ công chức nói riêng cần được quan tâm, chú trọng. Xây dựng một đội ngũ công chức, viên chức nhà nước từng bước thích ứng với điều kiện và môi trường mới tạo tiền đề để tham gia một cách tích cực hơn, chủ động hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức QLNN về giá và thẩm định giá, đáp ứng yêu cầu QLNN trong lĩnh vực giá và thẩm định giá. Thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về thẩm định giá; cử cán bộ đi học tập, đào tạo bậc đại học, trên đại học trong và ngoài nước theo các chương trình học bổng của Nhà nước và nước ngoài tài trợ.
Đối với mỗi cán bộ, công chức, ngoài việc tự nghiên cứu, học tập, bổ sung kiến thức thì trong quá trình công tác, phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá lại năng lực và trình độ chuyên môn. Đội ngũ cán bộ công chức cũng phải tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân, nâng cao bản lĩnh chính trị để không thể hiện ý chí chủ quan, cửa quyền, tham ô, tham nhũng trong công việc.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời công tác QLNN về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, nhằm bảo đảm hoạt động thẩm định giá tuân thủ đúng pháp luật; Nâng cao chất lượng và tiện ích dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về thẩm định giá trị tài sản của khách hàng.
Chú trọng tăng cường kiểm soát hoạt động của tổ chức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp tục theo dõi, công bố kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các DN thẩm định giá.
Tăng cường công tác hợp tác quốc tế
Việc tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế trong việc QLNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là quan trọng, do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, để có thể hỗ trợ, tương tác nhau cùng nghiên cứu và phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2012), Luật Giá số 11/2012/QH13;
2. Chính phủ (2013), Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;
3. Bộ Tài chính (2014), Quyết định số 623/QĐ-BTC ngày 28/3/2014 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020;
4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 323/2016/TT-BTC ngày 16/12/2016 quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá;
5. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 25/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 323/2016/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá;
6. Hội Thẩm định Giá Việt Nam (2013), Đề án kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá trong hoạt động thẩm định giá;
7. Trần Đình Thắng (2019), Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2019.