Nhân tố ảnh hưởng việc áp dụng kế toán quản trị của các doanh nghiệp chế biến tỉnh Bến Tre

LA XUÂN ĐÀO (Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) - TRẦN THỊ VÂN NGỌC (Khoa Kinh tế - Tài chính, Trường Cao đẳng Bến Tre) - TRẦN THỊ KIM PHƯỢNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị (KTQT) là thành phần quan trọng của hệ thống thông tin, giữ vai trò thiết yếu trong cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định. Do vậy, việc áp dụng KTQT sẽ đảm bảo tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Do đó, nghiên cứu này đã thực hiện tìm hiểu và cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng việc áp dụng KTQT tại các doanh nghiệp chế biến tỉnh Bến Tre, trong đó quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng mạnh nhất và yếu nhất là nhận thức của nhà quản trị.

Từ khóa: Kế toán quản trị, doanh nghiệp chế biến, hệ thống thông tin, tỉnh Bến Tre.

1. Giới thiệu

Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển hướng phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Ngày 23/6/2016, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2016 - 2020 với yêu cầu tái cơ cấu ngành Công nghiệp chế biến theo hướng tăng tỷ trọng trong chuỗi sản phẩm công nghiệp chủ lực. Do đó, các doanh nghiệp chế biến (DNCB) phải chấp nhận sự thay đổi này hoặc là tự đào thải [3]. Vì vậy, áp dụng KTQT sẽ là một phần của việc tái cấu trúc, đáp ứng triết lý quản lý và chiến lược mới. Do vậy, nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) có cái nhìn rõ hơn và có các điều chỉnh cần thiết tại đơn vị.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Kế toán quản trị

Theo định nghĩa của Hiệp hội kế toán quốc gia (Mỹ) (NAA- 1981): "KTQT là quá trình cung cấp thông tin cho nhà quản lý DN trong việc lập và thực hiện kế hoạch, trong việc kiểm soát, điều hành các hoạt động của DN".

Theo Luật Kế toán Việt Nam số 88/2015/QH13: "KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán".

Qua đó, có thể nhận thấy, KTQT có vai trò cung cấp thông tin cho các nhà quản trị để phục vụ cho việc ra quyết định, bao gồm: (1) Xây dựng kế hoạch và lập dự toán; (2) Tổ chức thực hiện; (3) Kiểm tra đánh giá; (4) Ra quyết định [3].

Việc áp dụng KTQT là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Và tại Việt Nam, thuật ngữ "KTQT" mới được công nhận trong Luật Kế toán 2003 và Luật Kế toán năm 2015. Đồng thời, năm 2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN. Trong đó, một số vấn đề quan trọng của việc áp dụng KTQT, bao gồm: xác định chi phí và tính giá thành; đánh giá thành quả; quá trình ra quyết định; và lập dự toán ngân sách sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các lý thuyết được vận dụng để chỉ ra nhu cầu áp dụng KTQT, cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng. Cụ thể, lý thuyết dự phòng coi KTQT là thành phần của cơ cấu tổ chức, đảm bảo sự tồn tại của DN trong bối cảnh thay đổi của môi trường kinh doanh [7]. Việc áp dụng KTQT phụ thuộc vào đặc thù từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, đồng thời phải phù hợp với cơ cấu tổ chức, quy mô DN, trình độ công nghệ sản xuất và chiến lược tổ chức trong từng giai đoạn [1].

Hơn nữa, lý thuyết tâm lý học cho thấy vai trò con người trong tổ chức. Lý thuyết này được sử dụng để giải thích ảnh hưởng của trình độ nhân viên và nhận thức của nhà quản lý trong áp dụng KTQT [4].

Lý thuyết đại diện giải thích vì sao phải áp dụng hệ thống kế toán trách nhiệm trong DN và đối với các công ty cổ phần, công ty niêm yết [5]… cũng như việc áp dụng KTQT là cơ sở để đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ nhằm đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư và các cổ đông, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới việc áp dụng KTQT

Abdel và Luther (2008) đề cập quy mô tổ chức là yếu tố quan trọng được báo cáo là ảnh hưởng đến cả cơ cấu và các biện pháp kiểm soát. Ahmad (2012) cho thấy, các công ty lớn hơn vận dụng KTQT phức tạp hơn so với các DN nhỏ và vừa. Như vậy, có thể thấy, DN có quy mô nhỏ tỷ lệ áp dụng KTQT thấp hơn so với các DN có quy mô vừa và lớn. Vì vậy, chúng tôi đưa ra:

Giả thuyết H1: Các DN chế biến tại Bến Tre có quy mô càng lớn thì khả năng DN áp dụng KTQT càng cao.

Ahmad (2012) cũng cho rằng, mức độ cạnh tranh thị trường là yếu tố cạnh tranh bên ngoài bắt buộc các nhà quản trị cần có kiến thức và kinh nghiệm về hệ thống chi phí mới có thể đảm bảo sự cạnh tranh trong thị trường khốc liệt. Vì vậy, việc áp dụng KTQT được xem là yếu tố bắt buộc của DN. Do đó, chúng tôi có:

Giả thuyết H2: Các DN chế biến tại Bến Tre hoạt động trong thị trường có mức độ cạnh tranh càng cao thì khả năng áp dụng KTQT cao hơn.

Nhân viên kế toán trong đơn vị được trang bị kiến thức về KTQT sẽ tư vấn cho nhà quản trị cũng như hướng dẫn các bộ phận khác để thực hiện hiệu quả các công cụ KTQT, từ đó giúp cho DN có thông tin kịp thời khi đưa ra quyết định, nâng cao giá trị DN [6]. Vì thế, chúng tôi tin rằng:

Giả thuyết H3: Các DN chế biến tại Bến Tre có nhân viên kế toán được đào tạo có chứng chỉ nghề hoặc bằng cấp kế toán chuyên nghiệp thì khả năng áp dụng KTQT cao hơn.

Đồng thời, việc vận dụng KTQT khó thành công hoặc thậm chí không thể nếu người chủ/người điều hành DN không hiểu biết về lợi ích do nó mang lại [1]. Đặc biệt, mối quan hệ giữa lợi ích và chi phí luôn là quan tâm hàng đầu của họ khi quyết định áp dụng KTQT tại đơn vị [2]. Từ đó, chúng tôi đề xuất:

Giả thuyết H4: Các DN chế biến tại Bến Tre có người chủ/người điều hành DN có hiểu biết về KTQT thì khả năng áp dụng KTQT cao hơn.

Chenhall và Langfield (1998) cho rằng, việc phân cấp/giao quyền cho các nhà quản trị cấp dưới giúp đơn vị quyết định trong phạm vi trách nhiệm của họ về các hoạt động, lập kế hoạch và kiểm soát và thông tin. Từ đó, việc phân cấp dẫn đến việc áp dụng KTQT phức tạp hơn [1]. Qua đó, chúng tôi cho rằng:

Giả thuyết H5: Mức độ phân cấp quản lý DN ngành công nghiệp chế biến tại Bến Tre càng cao thì khả năng DN áp dụng KTQT càng cao.

3. Phương pháp nghiên cứu

Từ mô hình nghiên cứu của các tác giả trước đó [1 - 2, 6] và dựa trên nền tảng lý thuyết dự phòng; lý thuyết tâm lý; lý thuyết người đại diện, mô hình nghiên cứu được đề xuất như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Nguồn: Đề xuất của các tác giả

Nguồn: Đề xuất của các tác giả

Từ mô hình nghiên cứu đề xuất, phương trình hồi quy nghiên cứu có dạng như sau: ADKTQT = β1*QM+ β2*CT + β3*TD + β4*NT + β5*PC

Trong đó: ADKTQT là biến phụ thuộc; QM, CT, TD, NT, PC là các biến độc lập; β1, β2, β3, β4, β5 là các hệ số hồi quy.

Để thỏa mãn cỡ mẫu tối thiểu, dữ liệu được thu thập thông qua bảng khảo sát được xây dựng dựa trên thang đo Liker 5 mức độ và gửi trực tiếp đến giám đốc, kế toán trưởng, nhân viên kế toán tại 146 DNCB tỉnh Bến Tre. Dữ liệu sau thu thập được làm sạch và tiến hành phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Sau kiểm tra dữ liệu được thu thập, kết quả cho thấy, có 134/146 phiếu khảo sát hợp lệ được sử dụng để phân tích dữ liệu.

Hình 2: Chức danh và trình độ của đáp viên

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Từ số liệu Hình 2, kết quả thống kê cho thấy trong số 134 đáp viên, có đến 122 người là giám đốc, kế toán trưởng và nhân viên kế toán, chiếm tỷ lệ 91,0%. Đồng thời, trình độ của đáp viên khá cao với 92/134 có trình độ đại học và sau đại học, chiếm tỷ lệ 68,66%. Điều này cho thấy, đáp viên có kiến thức và sự am hiểu tốt về công việc kế toán, từ đó đảm bảo tính tin cậy của dữ liệu nghiên cứu.

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Căn cứ số liệu tổng hợp từ Bảng 1, 23 thang đo đo lường cho 5 biến độc lập và biến phụ thuộc có độ tin cậy rất cao với hệ số Cronbach’ Alpha từ 0,725 đến 0,827. Như vậy, 23 thang đo này hoàn toàn được chấp nhận và đưa vào thực hiện EFA.

Bảng 2. Kết quả EFA cho các biến độc lập

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Số liệu Bảng 2 cho thấy hệ số KMO = 0,734 và kiểm định Barlett có Sig. = 0,000. Vì vậy, kết quả EFA thể hiện các thang đo đo lường đảm bảo mức độ hội tụ và phân tán. Đồng thời, giá trị Eigenvalue thấp nhất là 1,336 > 1 và tổng phương sai trích là 66,693 cho thấy 23 thang đo của các biến độc lập giải thích được 66,693% sự biến thiên của dữ liệu và 33,307% là do các yếu tố khác. Tương tự, 4 thang đo của biến phụ thuộc cũng thể hiện được mức độ hội tụ và phân tán khi có giá trị KMO = 0,700; Barlett với Sig. = 0,000; và Eigenvalue là 2,650 > 1.

Bảng 3. Kết quả hồi quy

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu

Kết quả số liệu Bảng 3 cho thấy, cả 5 nhân tố đều tác động đến việc áp dụng KTQT tại các DNCB tỉnh Bến Tre. Qua đó, phương trình hồi quy chuẩn hóa được xác định như sau: ADKTQT = 0,361 QM + 0,226 CT + 0,238 TD + 0,217 NT + 0,259 PC

Đồng thời, kết quả kiểm định bằng ANOVA có giá trị Sig. = 0,000 < 0,05; hệ số VIF của 5 nhân tố đều < 2; và đồ thị phần dư chuẩn hóa và P-Plot đều cho thấy các giả thuyết của mô hình hồi quy không bị vi phạm. Như vậy, mô hình nghiên cứu phù hợp và mang tính đại diện cho tổng thể với mức độ giải thích 62,5%.

Như vậy, mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến việc áp dụng KTQT theo thứ tự giảm dần là: Quy mô với hệ số Beta là 0,361; Phân cấp cho các nhà quản lý (0,259); Trình độ nhân viên kế toán (0,238); Mức độ cạnh tranh của thị trường (0,226); và cuối cùng là Nhận thức về KTQT của người chủ/người điều hành DN (0,217).

Kết quả nghiên cứu này có sự tương tự với kết quả của các nghiên cứu trước đó của Abdel & Luther (2008); McChlery và các cộng sự (2004); Admad (2014); Chenhall & Langfield (1998). Qua đó cho thấy, việc áp dụng KTQT tại các DNCB tỉnh Bến Tre bị chi phối mạnh nhất bởi yếu tố quy mô và yếu nhất bởi yếu tố nhận thức của nhà quản lý về vai trò KTQT. Điều này có thể là do việc áp dụng KTQT quản trị là xu hướng tất yếu nếu các đơn vị muốn tiếp tục tồn tại và phát triển [3]. Do vậy, các DN cần xem xét lại việc thực hiện cũng như có chiến lược áp dụng KTQT theo triết lý quản lý và quản trị chiến lược mới.

5. Kết luận

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng việc áp dụng KTQT tại các DNCB tỉnh Bến Tre, gồm: Quy mô; Mức độ cạnh tranh thị trường; Trình độ của nhân viên kế toán; Nhận thức về KTQT người chủ/người điều hành DN; và Phân cấp cho các nhà quản lý. Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất là Quy mô (Beta = 0,361) chiếm tỷ lệ 27,75% và yếu nhất là Nhận thức về KTQT của người chủ/người điều hành (Beta = 0,217) với tỷ lệ 16,68%.

Từ kết quả trên, để việc áp dụng KTQT tại các DNCB tỉnh Tiền Giang được phổ biến và hiệu quả hơn, chúng tôi gợi ý một số chính sách sau:

Đối với các quan ban ngành tại địa phương: Tạo điều kiện để các DN mở rộng về quy mô; mở lớp bồi dưỡng và khuyến khích nhà quản lý cùng nhân viên kế toán tham gia nâng cao kiến thức về KTQT; có các chính sách hỗ trợ phù hợp đặc biệt là trong tái cấu trúc DN để nâng cao tính cạnh tranh của các đơn vị.

Đối với các DNCB tỉnh Bến Tre: Cần nhận thức việc áp dụng KTQT là xu hướng tất yếu để tăng cường năng lực cạnh tranh, xem xét việc liên kết hoặc sáp nhập để tăng cường quy mô; có kế hoạch tham gia đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn về KTQT; có kế hoạch/chiến lược dài hạn về tài chính để áp dụng KTQT tại đơn vị; và mạnh dạn trong phân cấp/giao quyền quản lý.

Tóm lại, nghiên cứu này đã mở rộng hiểu biết về các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT đối với các DNCB nói chung và tại tỉnh Tiền Giang nói riêng. Vì thế, nghiên cứu này sẽ là tham khảo hữu ích cho các DNCB xem xét, cân nhân và có các điều chỉnh cần thiết đối với việc áp dụng KTQT tại đơn vị của mình. Tuy nhiên, mức độ giải thích của mô hình chỉ là 62,5% cho thấy còn 37,5% việc áp dụng KTQT bị chi phối bởi các nhân tố khác. Do đó, các nghiên cứu trong tương lai cần khám phá các nhân tố mới; mở rộng quy mô cho các tỉnh đồng bằng sông Cửa Long; hoặc nghiên cứu so sánh giữa các tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Abdel-Kader, M., & Luther, R. (2008). The impact of firm characteristics on management accounting practices: A UK-based empirical analysis. The British Accounting Review, 40(1), 2 - 27.

2. Admad, K. (2014). The adoption of management accounting practices in malaysian small and medium-sized enterprises. Asian Social Science, 10(2), 236.

3. Chenhall, R. H., & Langfield-Smith, K. (1998). Adoption and benefits of management accounting practices: an Australian study. Management accounting research, 9(1), 1 - 19.

4. Hall, M. (2016). Realising the richness of psychology theory in contingency-based management accounting research. Management Accounting Research, 31, 63 - 74.

5. Lambert, R. A. (2006). Agency theory and management accounting. Handbooks of management accounting research, 1, 247 - 268.

6. McChlery, S., Godfrey, A. D., & Meechan, L. (2005). Barriers and catalysts to sound financial management systems in small sized enterprises. Journal of Applied Accounting Research, 7(3), 1 - 26.

7. Otley, D. (2016). The contingency theory of management accounting and control: 1980 - 2014. Management accounting research, 31, 45 - 62.

FACTORS AFFECTING THE IMPLEMENTATION

OF MANAGERIAL ACCOUNTING AT PROCESSING

ENTERPRISES IN BEN TRE PROVINCE

● LA XUAN DAO

University of Economics and Law

- Vietnam National University - Ho Chi Minh City

● TRAN THI VAN NGOC

Faculty of Economics - Finance, College of Ben Tre

● TRAN THI KIM PHUONG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

ABSTRACT:

Managerial accounting plays an essential role in the internal information system and contributes significantly to the decision-making process of businesses. Thus, the implementation of managerial accounting would ensure the growth of businesses. This study finds that there are five factors affecting the application of managerial accounting at processing enterprises in Ben Tre province. In which, the size of enterprise factor has the strongest influence while the cognition of managers pose the weakest impact.

Keywords: Managerial accounting, processing enterprise, information system, Ben Tre province.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhan-to-anh-huong-viec-ap-dung-ke-toan-quan-tri-cua-cac-doanh-nghiep-che-bien-tinh-ben-tre-68071.htm