Gần 90% doanh nghiệp chế biến gỗ TP.HCM kiến nghị giảm lãi suất
Các nhà thầu xây dựng cho biết trong quý II họ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng giá thép, xi măng, cát…biến động mạnh
Cục Thống kê vừa công bố kết quả khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) Quý II-2025 của gần 12.600 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng cho thấy có tín hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn kép từ thị trường đầu ra sụt giảm, chi phí đầu vào leo thang, đồng thời cấp thiết kiến nghị giảm lãi suất và bình ổn giá nguyên vật liệu.
Ngành chế biến: 'Khát' đơn hàng, mong giảm lãi vay
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD quý II có phần thuận lợi hơn quý I với 35,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình “tốt hơn” và 43% giữ ổn định.
Trong quý II, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Cụ thể: 51,2% doanh nghiệp gặp khó vì nhu cầu thị trường trong nước thấp, 50,1% doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nội địa, 30,8% doanh nghiệp cho biết nhu cầu từ thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng.
Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng để SXKD của doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, có 38,7% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. (Đề xuất này dù chiếm nhiều nhất, nhưng tỉ lệ này giảm 1,7 điểm phần trăm so với quý I).
Trong đó, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, với tỉ lệ doanh nghiệp kiến nghị cao nhất (48,6%), tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với tỉ lệ doanh nghiệp kiến nghị lần lượt là 68,2% và 88,9%.
Bên cạnh đó, 31,8% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc giá điện tăng liên tục từ tháng 10-2024 đến nay đã ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí sản xuất, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Khách tham quan tại triển lãm Quốc tế về đồ gỗ. Ảnh: TÚ UYÊN
Ngành xây dựng: "Đau đầu" vì giá vật liệu và thiếu hợp đồng mới
Đối với ngành xây dựng, tình hình có phần ảm đạm hơn khi chỉ có 28,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn quý I, trong khi có tới 31,7% cho rằng khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát chỉ ra “Giá nguyên vật liệu tăng cao” là thách thức hàng đầu, được 57,2% doanh nghiệp lựa chọn.
Các nhà thầu xây dựng cho biết trong quý II họ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng giá thép, xi măng, cát…biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến chi phí và hiệu quả thi công công trình.
“Không có hợp đồng xây dựng mới” là khó khăn thứ hai với 42,3% doanh nghiệp nêu tên.
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, 54% doanh nghiệp mong muốn có các chính sách kiểm soát và bình ổn giá vật liệu xây dựng, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ hoặc đầu cơ đẩy giá.
41,8% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi với thủ tục nhanh gọn và lãi suất thấp hơn
Ngoài ra, thủ tục hành chính vẫn gây mất thời gian và chi phí, doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, thẩm định dự án.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia các dự án đầu tư công, đặc biệt qua hình thức đối tác công- tư (PPP).
Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lựa chọn nhà đầu tư PPP, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đủ năng lực được ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.