Nhân tố khiến tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại trong quý II

Trung Quốc vừa công bố mức tăng trưởng trong quý II.2024 yếu hơn dự kiến, chủ yếu do nhu cầu trong nước giảm và tình trạng bất động sản tiếp tục suy thoái gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khó khăn trên thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại. Ảnh: AP

Khó khăn trên thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại. Ảnh: AP

Những nhân tố khiến tăng trưởng giảm

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố ngày 15.7 cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng quý thấp nhất kể từ đầu năm 2023 - thấp hơn mức dự báo 5,1% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters. Tăng trưởng chung trong nửa đầu năm đạt 5 %, phù hợp với mục tiêu GDP của nước này cho năm 2024.

Dữ liệu trên được công bố đúng vào ngày khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 3 Ban chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XX tại Bắc Kinh với nội dung tập trung vào các biện pháp cải cách. Hội nghị này sẽ được theo dõi chặt chẽ để biết Trung Quốc dự định giải quyết những thách thức chính như thế nào, bao gồm cả trên mặt trận kinh tế.

Tiến sĩ Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải, cho biết: "Tăng trưởng trong quý II chậm lại, chủ yếu là do dữ liệu nhà ở và tiêu dùng đáng thất vọng".

Doanh số bán lẻ, thước đo nhu cầu của người tiêu dùng, đã tăng trưởng vào tháng 6 với tốc độ chậm nhất kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch. Tốc độ tăng trưởng 2% được ghi nhận thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế và giảm so với mức 3,7% được ghi nhận vào tháng 5.

“Yếu tố góp phần khiến tiêu dùng suy giảm là công chúng thiếu niềm tin vào thu nhập tương lai của họ, đặc biệt là trong bối cảnh có báo cáo về việc cắt giảm lương trên khắp các ngành”, ông Tommy Xie, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC ở Singapore cho biết. Tâm lý này rất phổ biến dù tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị vẫn ổn định ở mức 5% vào tháng 6.

“Một yếu tố khác là lạm phát liên tục ở mức thấp, khiến người dân có xu hướng trì hoãn chi tiêu vì tin rằng giá cả sẽ không tăng cao”, ông nói thêm. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6.

Bất động sản – động lực kinh tế chính và nguồn của cải hộ gia đình – tiếp tục ghi nhận mức giảm chung. Giá nhà mới giảm 4,5% trong tháng 6, tốc độ giảm nhanh nhất kể từ năm 2015. Đầu tư bất động sản trong nửa đầu năm 2024 giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Những điểm sáng

Nhưng dữ liệu cũng có "một vài điểm sáng", cho thấy các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu có hiệu lực, ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc tại Ngân hàng ING, lưu ý.

Chẳng hạn trong số những thành phố được cục thống kê theo dõi, nhiều thành phố ghi nhận giá nhà tăng vào tháng 6 so với tháng 5. Trong đó có Thượng Hải, nơi chứng kiến mức tăng nhỏ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, cũng như Bắc Kinh, Hàng Châu và Nam Kinh, nơi chứng kiến giá nhà tăng trên thị trường thứ cấp.

Vào ngày 17.5, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp quan trọng nhất từ trước đến nay để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, vốn đang gặp khó khăn của nước này.

Các nhà phân tích mà tờ The Straits Times lưu ý rằng trong bối cảnh nhu cầu trong nước ảm đạm, xuất khẩu đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng GDP trong thời gian ngắn trước mắt.

Theo dữ liệu thương mại công bố tuần trước, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng nhanh nhất trong 15 tháng.

Tiến sĩ Wang của Ngân hàng Hang Seng đánh giá rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất tại các nền kinh tế lớn của phương Tây, dự kiến sẽ thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước và do đó tăng nhu cầu về hàng công nghiệp giá rẻ, phần lớn được sản xuất tại Trung Quốc. “Vì vậy, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5% ngay cả khi mức tiêu dùng vẫn còn yếu”, bà nói.

Ông Tommy Xie của OCBC đồng ý rằng mặc dù đà tăng trưởng chậm lại trong quý II, Trung Quốc vẫn có thể đạt được mục tiêu GDP.

“Nhưng chắc chắn mọi thứ sẽ còn gặp nhiều thách thức hơn so với nửa đầu năm, vì trong nửa cuối năm, yêu cầu sẽ cao hơn một chút”, ông lưu ý, ám chỉ đến cách hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 đã vượt trội hơn nửa đầu năm.

Các nhà đầu tư cũng sẽ đặc biệt quan tâm vào cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng 7 để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo dự định hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới như thế nào.

Quỳnh Vũ (Theo CNA)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/nhan-to-khien-tang-truong-cua-trung-quoc-cham-lai-trong-quy-ii-i380716/