Nhân trần hỗ trợ trị viêm gan cấp và mạn tính
Bên cạnh các biện pháp điều trị viêm gan bằng tây y, vị thuốc nhân trần trong đông y cũng có tác dụng hỗ trợ giảm tình trạng bệnh cả thể cấp và mạn tính...
Tác dụng của nhân trần
Nhân trần tên gọi khác là chè nọi, chè cát, hoắc hương núi, tên khoa học Adenosma caerinleum.R.Be, thuộc họ hoa mõm chó.
Nhân trần thuộc cây thân thảo sống lâu năm, cao 0,5-1m, thân tròn có lông, lá mọc đối xứng có hình trái xoan nhọn, mép lá có hình răng cưa, 2 mặt đều có lông, gân lá, khi vò lá có mùi thơm đặc trưng.
Cụm hoa mọc thành chùm dạng bông ở kẽ lá hoặc đầu cành, có màu tím, đài hoa có 5 răng xếp thành hình chuông. Quả hình trứng, chứa các hạt nhỏ màu vàng.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng cay, tính hơi hàn, quy kinh tì, vị, can, đởm. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, chủ thống lợi tiểu, thoái hoàng, làm ra mồ hôi được ứng dụng điều trị bệnh hoàng đởm sốt nóng, tiểu tiện không thông rất tốt.
Theo y học hiện đại, nhân trần giúp hỗ trợ điều trị viêm gan cấp, đặc biệt là viêm gan cấp do virus, giúp chỉ số men gan, bilirubin về ngưỡng bình thường, giúp giảm vàng da, hết đau vùng gan, ăn ngon miệng hơn.
Những lưu ý khi uống nhân trần
Nên chọn mua thảo dược tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo chất lượng, tránh ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, tránh chất bảo quản độc hại và nấm mốc, mối mọt.
Trong quá trình sử dụng nhân trần, nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào hãy tạm dừng, đến khám tại cơ sở y tế uy tín để được tư vấn kịp thời.
Không nên uống nhân trần hàng ngày vì nhân trần có tính lợi tiểu nên cơ thể dễ mất nước, mệt mỏi. Hơn nữa, nếu uống nhân trần hàng ngày khiến gan phải tăng tiết dịch mật dẫn đến tổn thương, mất cân bằng dễ sinh bệnh.
Phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng nhân trần. Khi uống nhiều dược liệu này gây ảnh hưởng đến các tuyến trong cơ thể, dẫn tới bà mẹ bị mất sữa, ít sữa.
Nhân trần có tính mát nên những người bị hàn, bị lạnh bụng không nên uống.
Không nên kết hợp nhân trần với cam thảo vì nhân trần đào thải nước, cam thảo giữ nước, khi kết hợp hai dược liệu này có thể gây tương tác, ảnh hưởng hiệu quả điều trị, tăng tác dụng phụ ngoài ý muốn.